Kỳ I: Thác Cẩm Lệ (Cam Ly) qua tư liệu Hán Nôm

02:11, 07/11/2012

Theo truyền thuyết của các già làng kể lại thì tên Cam Ly có nguồn gốc từ tiếng K’Ho. Khi dòng Cẩm Lệ chảy ngang qua một ngôi làng của một bộ tộc người Lạt, vị tù trưởng người K’Ho của tộc Lạt đó có tên K’Mly nên dân trong vùng lấy tên ông đặt cho dòng suối nước của họ để ghi nhớ công lao của chủ làng đã cai quản buôn làng tươi đẹp.

Lâu nay, khi nghiên cứu về thác Cam Ly thường chỉ được tiếp cận theo các tài liệu dân gian của người Pháp hoặc là theo quan niệm của người dân tộc bản địa. Theo truyền thuyết của các già làng kể lại thì tên Cam Ly có nguồn gốc từ tiếng K’Ho. Khi dòng Cẩm Lệ chảy ngang qua một ngôi làng của một bộ tộc người Lạt, vị tù trưởng người K’Ho của tộc Lạt đó có tên K’Mly nên dân trong vùng lấy tên ông đặt cho dòng suối nước của họ để ghi nhớ công lao của chủ làng đã cai quản buôn làng tươi đẹp.
 

Trang sách Hán Nôm ghi chép về thác Cam Ly
Trang sách Hán Nôm ghi chép về thác Cam Ly

Những truyền thuyết gắn với người dân tộc bản địa thường không miêu tả hình thế của thác một cách kỹ lưỡng, mà chủ yếu là liên quan đến lịch sử hình thành của thác. Vì vậy, khi nghiên cứu giới thiệu sẽ là thiếu sót khi không sử dụng tài liệu của người Việt, những tư liệu Hán Nôm được đăng tải trên Tạp chí Nam Phong về thác Cam Ly. Để tiện cho việc nghiên cứu giới thiệu về thác, cũng như về vẻ đẹp của thác Cam Ly, chúng tôi xin được cung cấp toàn văn về những ghi chép của người Việt qua bản chữ Hán đăng trên Nam Phong.

Tên gọi được ghi chép qua thư tịch Hán Nôm là “Cẩm Lệ”, ý nghĩa của chữ Cẩm là: gấm, một tiếng để khen ngợi. Chữ “Lệ” là đẹp, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp gọi là lệ. Như vậy, từ “Cẩm Lệ” ở đây là lời khen chỉ ý nghĩa con suối này rất đẹp, với phong cảnh thiên nhiên hài hoà, có nước, có đá, có hoa cỏ, cây cối.

Đoạn miêu tả thác Cẩm Lệ (Cam Ly) được ghi trong bản chữ Hán với hơn 130 chữ. Lại được miêu tả khá chi tiết, nguyên văn đoạn ghi chép này: Thác Cam Ly cũng thuộc phạm vi Đa Lạc (Đà Lạt) và cách Đa Lạc 2 ki-lô-mét rưỡi có suối Cẩm Lệ (Cam Ly) từ trong Đa Lạc chảy ra, quanh co như một con sông, đến chỗ Cẩm Lệ thì có một khối đá lớn chắn ngang, dưới chân khối đá có một cái hồ lớn, từ mép hồ lên tới đầu khối đá cao độ 30 thước Tây. Mặt khối đá có hai khe hở, nước từ khe hở chảy vọt xuống như hai cầu vồng dài. Giữa hồ nhô lên một cái gò như bãi trâu tắm. Quý quan đang xây một cái lầu tám góc, quanh lầu trồng những loài cây ra hoa, du khách đến đây ngồi nghỉ và hóng mát. Từ mặt tiền của lầu nhìn ra bốn phía, nước chảy vòng quanh, trăm hoa vây bọc. Bên kia bờ là một khối đá cao ngất, hai cầu vồng bắc ngang qua làn sóng bạc. Quả là chốn bồng lai tiên cảnh.

Qua ghi chép về thác Cam Ly, chúng ta thấy vẻ đẹp hoang sơ, là chốn thiên đường trên mặt đất, lại được ca ngợi là chốn bồng lai tiên cảnh. Quả thật Cam Ly lúc đó với bây giờ cũng có những đổi thay đáng kể. Vẫn là con suối uốn khúc quanh co như một dòng sông giữa lòng thành phố. Vẫn còn đó những khối đá lớn chắn ngang dòng suối, vẫn cái hồ được miêu tả là hồ lớn. Cuối cùng vẫn là muôn hoa khoe sắc bốn mùa, nơi mà du khách có thể nghỉ ngơi trên các lầu tám góc hóng mát ngắm hoa, nghe tiếng nước reo. Quả thật nếu so sánh với những nơi các ẩn sĩ cao ngạo, các học giả ẩn danh cũng không thua gì.

Tuy nhiên, vì sao Cam Ly được ví như chốn bồng lai tiên cảnh, quả là phải có nguyên do của nó. Ngoài vẻ đẹp kiều diễm, thác nước hùng vĩ, cây cối hoa lá nở hoa quanh năm ra, Cam Ly còn phải có nguồn nước sạch. Có lẽ lúc đó nước Cam Ly không bị ô nhiễm bởi rác và nước thải, vì lúc đó dân cư thưa thớt.

Ngày nay, du khách đến thăm Cam Ly vẫn thấy được vẻ bồng lai tiên cảnh ấy, song chất lượng nguồn nước có lẽ là hơi khác so với xưa, vì nhiều lý do. Song dòng suối này vẫn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lãm của khách tham quan. Bởi được một lần chiêm ngưỡng chốn bồng lai tiên cảnh của thiên đường trần thế, cũng thật hài lòng với vẻ đẹp trời ban. Vâng, vẫn còn đâu đó tiếng reo của Cam Ly qua bài hát, tiếng reo của thác, tiếng vọng của ngàn xưa vẫn vọng về qua kí ức thời gian.

Tìm về Cam Ly như tìm về nơi tiên cảnh, thật xứng danh với tên gọi mà nó đã và đang mang trong mình, như dòng chảy bất tận của thời gian.

Nguyễn Huy Khuyến

Kỳ 2: Hồ suối vàng (Dankia) qua tư liệu Hán Nôm