Xử phạt nặng các hành vi vi phạm giao thông trên đèo Bảo Lộc

09:04, 13/04/2021

(LĐ online) - Đèo Bảo Lộc trên Quốc lộ 20 là đường đèo huyết mạch nối Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ...

(LĐ online) - Đèo Bảo Lộc trên Quốc lộ 20 là đường đèo huyết mạch nối Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Thời gian gần đây, đèo Bảo Lộc liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông. Làm gì để kéo giảm tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc? Báo Lâm Đồng mở diễn đàn để ghi nhận ý kiến của bạn đọc gần xa. Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về địa chỉ Email: baodientulamdong@gmail.com.
 
Một vụ tan nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đèo Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc
Một vụ tan nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đèo Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc
 
Anh Nguyễn Anh Tuấn (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận): TUYỆT ĐỐI KHÔNG VƯỢT XE Ở KHÚC CUA TRÊN ĐÈO
 
​Là du khách thường xuyên đi lên Lâm Đồng và xuống các tỉnh phía nam như Bình Phước, TP Hồ Chí Minh qua đèo Bảo Lộc, cá nhân tôi thấy đèo Bảo Lộc có nhiều cua “cùi chỏ”, độ dốc cao nhưng thời gian gần đây đèo được sửa chữa khá đẹp nên nhìn chung nếu đi bám đuôi, tốc độ vừa phải thì chạy rất thuận lợi, không có vấn đề gì trở ngại.
 
Tuy nhiên, qua nhiều lần chở gia đình qua tuyến đèo này, tôi thấy nguyên nhân tai nạn trên đèo phần lớn là nguyên nhân chủ quan từ các tài xế. Cụ thể là các loại xe khách, xe tải chở nông sản thường hay vượt ngay ở những đoạn kẻ vạch liền cấm vượt, thậm chí ngay đoạn cua, tầm nhìn khuất nên nguy cơ tai nạn rất cao khi gặp xe chạy ở chiều ngược lại.  
 
Bản thân tôi thời điểm lái xe chưa quen, lần đầu đi đèo Bảo Lộc, ngoài tuyệt đối không vượt xe khi ở khúc cua, tôi thường chạy bám đuôi và có khoảng cách an toàn, phòng trường hợp chiếc xe trước mặt phanh gấp.
 
Hi vọng thời gian tới, để giảm thiểu tai nạn giao thông tuyến đèo này, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng có giải pháp xử lý mạnh tay hành vi vượt ẩu trên đèo, một số khúc cua, dốc gắt; nên mở đường cứu nạn, lắp đặt thêm biển cảnh báo tốc độ, biển báo cấm vượt…
 
Anh Lê Ngọc Thìn (TP Hồ Chí Minh): PHẢI XỬ PHẠT THẬT NẶNG TÀI XẾ VI PHẠM 
 
Tôi nhận thấy rằng Quốc lộ 20 nói chung và đèo Bảo Lộc nói riêng đã thường xuyên được nâng cấp, cải tạo mặt đường, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống gương cầu lồi... nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu di chuyển của người dân và hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đáng buồn là dường như số vụ tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc không hề giảm, ngược lại còn có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
 
Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe qua lại, đặc biệt là xe khách, xe tải cỡ lớn chở rau, hoa Đà Lạt cung cấp cho các thị trường phía Nam. Hầu hết các tài xế đều chịu áp lực chạy cho kịp giờ, kịp chuyến, do đó rất nhiều người bất chấp luật giao thông đường bộ, bất chấp an toàn của bản thân và người khác, sẵn sàng chở quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, giành đường ngay cả khi di chuyển trên đèo. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn thảm khốc trong thường gian vừa qua.
 
Đèo Bảo Lộc cách TP Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh - hai đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất và là điểm đến của nhiều phương tiện với khoảng 4 - 5 giờ lái xe. Theo quy định, thì thời gian lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Chúng ta đều biết, sau 4 tiếng lái xe liên tục, tài xế sẽ có những triệu chứng buồn ngủ, kém tập trung, phán ứng chậm với những rủi ro. Các biểu hiện này của tài xế cộng với độ quanh co của đèo Bảo Lộc là một trong những nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn ngày càng tăng cao. Tuy vậy, tôi nhận thấy dường như rất ít tài xế, đặc biệt là xe khách và xe tải thực hiện nghiêm túc quy định này. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông dường như chưa có đủ phương tiện kỹ thuật cũng như hành lang pháp lý để kiểm tra việc chấp hành của tài xế. 
 
Để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc nói chung, theo tôi, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông nhằm răn đe, nhắc nhở và hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi coi thường Luật Giao thông đường bộ. Phạt thật nặng, thậm chí phạt kịch khung các tài xế cố tình vi phạm. Song song đó, các cơ quan ban ngành cần thường xuyên tiến hành sửa chửa, nâng cấp cải tạo mặt đường để đáp ứng lượng xe ngày càng lớn. 
 
Thứ hai, cung cấp phương tiện kỹ thuật cũng như tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng kiểm tra ngay lập tức bộ định vị (hộp đen) của xe trước khi lên xuống đèo. Kiên quyết từ chối và tiến hành xử phạt đối với những lái xe đã lái quá thời gian quy định. 
 
Và cuối cùng, để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông trên đèo nói chung và trong toàn xã hội nói riêng, thì việc tự giác chấp hành luật giao thông của mỗi tài xế chính là giải pháp căn cơ, triệt để nhất. Mỗi tài xế luôn ghi nhớ rằng, phía trước tay lái chính là sự sống của bản thân, gia đình và xã hội.
 
Ông Vũ Quốc Tuấn - Tài xế xe tải: PHẢI TỰ GIÁC CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH AN TOÀN
 
Tôi làm nghề lái xe đã gần 10 năm nay, mỗi tháng qua lại trên đèo Bảo Lộc ít nhất 10 lần. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đèo Bảo Lộc mà tôi tận mắt chứng kiến, cho thấy người điều khiển phương tiện xem nhẹ việc tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ khi qua đèo và gây tai nạn. Trong đó, lỗi vi phạm đáng báo động nhất chính là tình trạng vượt cùng lúc nhiều phương tiện đang lưu thông cùng chiều phía trước. Mỗi khi tai nạn xảy ra, cho dù nhẹ hay nghiêm trọng đều khiến đèo Bảo Lộc ách tắc kéo dài.
 
Cũng là tài xế, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân và người khác, tôi mong rằng mỗi người cần nêu cao ý thức chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện qua đèo Bảo Lộc. Khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường, chúng ta phải biết nhường nhịn nhau, đừng vì “Nhanh một phút mà chậm cả đời”.
 
Luật sư Nguyễn Hữu Thục - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh: CẦN ÁP DỤNG CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT THẬT NẶNG
 
Mỗi lần qua đèo Bảo Lộc, tôi đều chứng kiến lượng phương tiện lưu thông đông đúc, qua quan sát tôi thấy, đường đèo không có làn lưu thông dành cho xe máy nên rất nguy hiểm. Trong khi đó, tôi luôn chứng kiến tài xế điều khiển xe tải, xe đầu kéo, xe khách lớn, dài cố tình cho xe vượt cực ẩu ở những vị trí gần khúc cua rất nguy hiểm, nếu xe chạy ở chiều ngược lại không tránh kịp thì chắc chắn tai nạn sẽ xảy ra. 
 
Về lâu dài, để đảm bảo an toàn giao thông, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần nhanh chóng đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát các phương tiện lưu thông qua đèo Bảo Lộc. Vì chỉ có các hình ảnh camera giám sát ghi lại mới đủ căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông xảy ra trên đèo hiệu quả nhất. Từ hình ảnh vi phạm mà camera giám sát ghi lại, cần áp dụng các hình thức xử phạt thật nặng như tước bằng lái, giam xe. Đối với các trường hợp cố tình vượt ẩu, coi thường tính mạng người khác, nếu đủ căn cứ phải truy tố hình sự để làm gương cho người khác. Có camera giám sát, cùng với việc xử lý nghiêm các vi phạm, tôi tin rằng tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc sẽ được kéo giảm.
 
CHÍNH THÀNH - HỒNG THẮM - KHÁNH PHÚC (lược ghi)