Mỗi nông dân là một người bảo vệ môi trường

08:05, 25/05/2015

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, khai phá đất đai, môi trường nông thôn Lâm Đồng bị suy thoái đáng kể do mất rừng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,… Làm sao để chung tay cùng cả cộng đồng gìn giữ môi trường sống, môi trường sản xuất nông nghiệp trong sạch là vấn đề quan trọng của cả xã hội. 

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, khai phá đất đai, môi trường nông thôn Lâm Đồng bị suy thoái đáng kể do mất rừng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,… Làm sao để chung tay cùng cả cộng đồng gìn giữ môi trường sống, môi trường sản xuất nông nghiệp trong sạch là vấn đề quan trọng của cả xã hội. Và những người nông dân đang cùng các tổ chức hội phấn đấu gìn giữ môi trường với chủ trương mỗi cá nhân là một người bảo vệ môi trường. 
 
Bảo vệ môi trường hướng tới thương mại công bằng
 
Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân chia sẻ vấn nạn hiện vẫn xảy ra trong các nông hộ. Bà cho biết, không thiếu những nhà nông trồng rau bán cho thị trường chăm sóc một kiểu, rau trồng cho gia đình sử dụng chăm sóc một kiểu khác. Đây là một trong những biểu hiện rõ nét của việc thiếu công bằng trong sản xuất kinh doanh, gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng và chính bản thân người nông dân. Bà Vi nói: “Chúng tôi vận động hội viên hướng tới sản xuất vì một nền thương mại công bằng, nơi người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm an toàn đúng với nhu cầu của họ. Người nông dân đồng thời cũng là người tiêu dùng, nếu ai cũng sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng cho người khác sử dụng thì tất cả mọi người trong cộng đồng đều bị ảnh hưởng và gia đình nông dân cũng như thế. Chỉ nghĩ tới lợi ích của mình mà gây hại cho cộng đồng thì bản thân cũng bị ảnh hưởng chứ không ai có thể tự cung tự cấp trong thời đại này”. 
 
Sản xuất nông nghiệp an toàn tại xã Nam Hà, Lâm Hà
Sản xuất nông nghiệp an toàn tại xã Nam Hà, Lâm Hà

Thương mại công bằng với người nông dân đơn giản mà nói, đó là sản xuất ra những nông sản an toàn theo quy định và ngược lại, được tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn khác. Bên cạnh đó, người nông dân cũng như người tiêu dùng cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để hình thành những kênh phân phối hiệu quả, giảm thiểu trung gian, giảm chi phí sản xuất. Chính bởi vậy, trong tất cả các hoạt động hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, tiêu chí môi trường đều được coi là quan trọng. Trồng cây gì, nuôi con gì, kỹ thuật ra sao, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật đều hướng tới việc sử dụng nguồn tài nguyên như nước, điện, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách hiệu quả nhất, tránh lãng phí gây hại cho kinh tế và môi trường. Nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân hàng chục tỷ đồng cũng đều cho các dự án sản xuất kinh doanh bền vững vay nhằm nhân rộng mô hình làm giàu song song với bảo vệ môi trường sống. Phải khẳng định, so với việc sử dụng các loại tài nguyên theo kinh nghiệm của bà con nông dân trước đây, hiện nông dân Lâm Đồng đã có ý thức hơn rất nhiều trong việc chăm sóc cây trồng theo hướng bền vững, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa giảm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước trong sản xuất nông nghiệp.
 
Bảo vệ môi trường sống đã trở thành quen thuộc
 
Ông Lê Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt hồ hởi kể về một trong những hoạt động bảo vệ môi trường của nông dân trong xã. Suối Xuân Sơn chạy qua thôn Xuân Sơn, đổ xuống xã Định An của huyện Đức Trọng hòa vào dòng Đa Nhim. Thôn Xuân Sơn có hàng trăm ha rau màu, cà phê, xưa nay bà con hay có thói quen vứt bỏ bao bì, chai lọ, rác thải sinh hoạt xuống suối cho chảy xuống hạ nguồn. Hội Nông dân xã đã vận động các hộ sản xuất quanh suối không vứt rác thải bừa bãi mà thu gom tập trung, cái nào xử lý làm phân bón thì ủ phân, cái nào chôn lấp thì chôn lấp, còn lại tập kết để xe rác tới vận chuyển ra bãi rác. Ông Thìn khoe, dòng suối Xuân Sơn hiện không còn cảnh chai lọ, bao bì bập bềnh trong nước. 
 
Không chỉ có nông dân xã Xuân Thọ làm quen với chuyện dọn dẹp rác thải bảo vệ môi trườngmà nhiều Hội Nông dân cấp xã đã làm rất tốt công tác vận động hội viên chung tay giữ gìn môi trường sống, cảnh quan như phường 12 (Đà Lạt), xã Bảo Thuận (Di Linh) hay xã Đa Nhim (Lạc Dương)… Việc vận động bà con chú trọng tới môi trường đã trở thành hoạt động quan trọng lồng ghép trong mọi sinh hoạt của các cấp Hội. Từ hoạt động tuyên truyền bền bỉ, bà con đã dần ý thức mỗi việc làm của mình có tác động tới môi trường sống xung quanh và ảnh hưởng tới chính đời sống của mình. 
 
Với trên 140 ngàn hội viên, việc tuyên truyền của các cấp Hội không chỉ dừng lại ngày một ngày hai mà phải là công việc thường xuyên, liên tục. Việc ý thức được vai trò của mình trong giữ gìn môi trường sẽ giúp người nông dân dần thay đổi thói quen sản xuất, trở thành những người bảo vệ môi trường hiệu quả, vừa làm giàu từ đất đai vừa giữ gìn môi trường sống bền vững cho toàn thể cộng đồng.
 
Diệp Quỳnh