Nắng hạn, dân tìm nước trong giếng, đào giếng trong hồ

08:03, 25/03/2016

Đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân xã Tà Hine, Đà Loan, huyện Đức Trọng đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt, hàng trăm hộ dân phải đi mua nước sinh hoạt về dùng.

Đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân xã Tà Hine, Đà Loan, huyện Đức Trọng đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt, hàng trăm hộ dân phải đi mua nước sinh hoạt về dùng.
 
Đa số giếng nước ở thôn B’liang, xã Tà Hine (huyện Đức Trọng) đã cạn khô từ nhiều tháng, người dân đồng bào Chu Ru ở đây phải thay nhau đi mua nước về dùng. Giếng nước gia đình chị Ma Tuyên, thôn B’liang đã cạn khô, gia đình hàng ngày phải đi mua nước về dùng. Ma Tuyên cho biết: “Mấy hôm trước thuê người xuống giếng sâu, đào thêm mấy mét nữa mà không có nước, đành phải đi mua, hàng ngày gia đình phải đi mua 10.000 đồng/m 3 đổ vào thùng phi dùng trong 1 ngày”. 
 
Chị Ka Nai Long, thôn Tà In, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng “mót” nước giữa đồng để tắm cho con trai. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Chị Ka Nai Long, thôn Tà In, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng “mót” nước giữa đồng để tắm cho con trai. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tình trạng nắng nóng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn tác động nghiêm trọng đến sản xuất. Hồ Tà Hine 2 là hồ lớn nhất của xã Tà Hine, với trữ lượng thiết kế trên 240.000m 3 nước, hằng năm, cung cấp nước tưới cho 40,6ha cà phê. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, hiện nay, nhiều hồ đập không còn một giọt nước nào. Nhiều hộ dân sống trong vùng lân cận đã thuê máy múc xuống giữa lòng hồ để đào các ao nhỏ trong lòng hồ tìm kiếm nguồn nước ngầm để tưới cho các cây trồng gần đó, tuy nhiên lượng nước rất ít. 
 
Trên địa bàn huyện Đức Trọng có 47 công trình thủy lợi, trong đó 5 đập dâng lớn đang hoạt động, cung cấp nước tưới cho hơn 6.200ha đất nông nghiệp. Số diện tích còn lại lấy nước từ hồ thủy điện Đại Ninh, các sông suối và giếng khoan trong nhân dân. Do tình hình nắng nóng kéo dài, từ đầu năm đến nay, mực nước ở các hồ đều giảm mạnh; nhiều hồ đã trơ đáy. Hiện đã có 200ha lúa Đông Xuân đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, trong đó có 15ha đã chết khô; đến cuối tháng 3 không có mưa, diện tích này sẽ bị mất trắng.
 
Huyện Đức Trọng hiện có hơn 18.000ha cà phê, đây là cây trồng chủ lực của địa phương. Phòng Nông nghiệp huyện cho biết, hầu hết các diện tích đã được tưới đợt 1, một số ít được tưới đợt hai. Tuy nhiên, tại các xã vùng sâu, địa hình nhiều dốc, đồi; một số diện tích cà phê đang có dấu hiệu rũ lá, héo cành, ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ. Theo dự báo, trong vòng một tháng tới, nếu không có mưa thì khoảng 3.700ha cây trồng trên địa bàn huyện có nguy cơ bị thiệt hại nặng. Trong đó, nặng nhất là xã Ninh Gia với 700ha, xã Phú Hội 500ha, Tà Hine 500ha, Đa Quyn 310ha, Tà Năng 350ha...
 
Để khắc phục tình trạng khô hạn, cứu những diện tích cây trồng, một số hộ dân đầu tư một khoản chi phí không hề nhỏ mua ống, máy kéo nước từ các đập cách xa hàng cây số đưa nước về tưới cho cây trồng, nhưng đây cũng chỉ giải quyết tình thế trước mắt; bà con nông dân vẫn đang đối mặt với tình trạng “khát” và khó khăn chồng chất. Gia đình anh Nguyễn Văn Xuân, thôn B’liang, xã Tà Hine phải mua ống nước để đưa nước về tưới cà rốt. Anh Nguyễn Văn Xuân cho biết: “Tất cả giếng khoan trong vùng đều cạn nước nên tôi phải vay mượn tiền để mua thêm 1.500m (1,5km) ống nước cứu cây trồng”. Các ống nước được đấu nối với nhau “tải” qua hai máy bơm mới về đến vườn. Ngoài ra, chi phí cho việc bơm nước mà người nông dân phải trả là rất lớn. “Theo tính toán tôi phải mua 150 lít dầu (450.000 đồng) để bơm nước tưới cho 1,5ha cà rốt” - anh Xuân cho biết thêm.
 
Trong khi đó, tại huyện Đam Rông, hiện có khoảng 904 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
 
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, Sở NN - PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình hạn hán tại tất cả các phường, xã, thị trấn trong tỉnh. Qua kiểm tra đã xác định, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 3/2016, sẽ có khoảng 31.000ha đất canh tác bị hạn hán, chiếm 10,5% tổng diện tích đất canh tác toàn tỉnh. 
 
UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh về nhiệm vụ để phòng, chống hạn hán như: tuyên truyền tình hình hạn hán; vận động người dân tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích, hỗ trợ người dân khai thác nguồn nước khe, suối, ao, hồ nhỏ...; tập trung chuyển đổi canh tác cây trồng.
 
ĐẶNG TUẤN