Bao bì thuốc BVTV là chất thải nguy hại

09:06, 28/06/2016

Lâm Đồng là tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp với diện tích rất lớn. Vì vậy, hàng năm ước tính lượng thuốc thương phẩm sử dụng trên diện tích cây trồng khoảng 8.000 - 10.000 tấn. Theo quy định của Bộ TN&MT, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BBT BVTV) sau sử dụng là chất thải nguy hại cần phải được thu gom và tiêu hủy đúng quy định. 

Lâm Đồng là tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp với diện tích rất lớn. Vì vậy, hàng năm ước tính lượng thuốc thương phẩm sử dụng trên diện tích cây trồng khoảng 8.000 - 10.000 tấn. Theo quy định của Bộ TN&MT, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BBT BVTV) sau sử dụng là chất thải nguy hại cần phải được thu gom và tiêu hủy đúng quy định. 
 
Khoảng 560-800 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường nhưng mới khoảng 1% được thu gom, tiêu hủy đúng quy định
Khoảng 560-800 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường nhưng mới khoảng 1% được thu gom, tiêu hủy đúng quy định
Phần lớn sử dụng các nhóm thuốc có độ độc cao
 
Năm 2015, toàn tỉnh có tổng diện tích đất gieo trồng ước khoảng hơn 342.868 ha; trong đó, tập trung tại các huyện Di Linh (gần 51.713 ha); Lâm Hà hơn 49.838 ha; Bảo Lâm hơn 48.939 ha; Đức Trọng 44.626 ha; Đơn Dương gần 32.161 ha. Về chủng loại cây trồng cũng đa dạng: trong tổng diện tích đất gieo trồng 119.500 ha hàng năm, có 31.000 ha lúa; 15.200 ha ngô; 57.000 ha rau; 7.050ha hoa và 224.300 ha cây lâu năm gồm cà phê (152.600 ha), chè (23.500 ha), điều (15.700 ha), cây ăn quả (13.000 ha)… Đến thời điểm tháng 6, toàn tỉnh có 16,4% diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao với 43.084 ha. Trong số này, cà phê có diện tích lớn nhất, kế đến là rau; còn lại là chè, hoa, lúa và cây đặc sản. 
 
Những năm gần đây, nhiều đối tượng dịch hại mới xuất hiện như ve sầu, bọ xít muỗi, sâu ăn lá hại cà phê, sâu hại rau. Mặt khác, một số dịch hại thông thường như nhện đỏ, ruồi đục lá hại rau, hoa đã hình thành tính kháng thuốc dẫn đến lượng thuốc BVTV sử dụng có xu hướng tăng. Thông tin từ Chi cục BVTV, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết: “Mức độ sử dụng thuốc BVTV tại Lâm Đồng được đánh giá cao hơn so với các địa phương khác trên cả nước, năm sau có xu hướng tăng hơn so với năm trước”. Cũng theo cơ quan này, hàng năm ước tính thuốc thương phẩm mà nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 8.000 - 10.000 tấn, tập trung chủ yếu tại 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm, Di Linh. Các loại cây trồng sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất là chè, cà phê, các loại rau và hoa. Càng đáng quan tâm là phần lớn người dân ưu tiên sử dụng các nhóm thuốc có độc tố cao (nhóm II và III) kết hợp việc trộn từ 2-3 loại thuốc để phun một lần. Mặt khác, vẫn còn nhiều nông dân sử dụng thuốc với liều lượng tăng gấp 1,5-2 lần so với khuyến cáo. 
 
560-800 tấn BBT BVTV thải ra môi trường/năm
 
Kết quả nghiên cứu của cơ quan chức năng và đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, tỷ lệ bao bì/khối lượng thuốc đối với chai nhựa khoảng 12 - 15%, gói và loại khác chiếm 3 - 5%; trong đó, chai nhựa chiếm 70 - 80%, gói và các loại khác chiếm 20 - 30%. Như vậy, trên địa bàn Lâm Đồng mỗi năm có lượng vỏ BBT BVTV thải ra môi trường khoảng 560 - 800 tấn. Là chất thải nguy hại, tuy nhiên, hầu hết các vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh, BBT BVTV chưa được các cấp, các ngành và người sản xuất thu gom, xử lý đúng mức. Kể cả tại 25 xã nông thôn mới, mặc dù đã thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường; các khu vực sản xuất cây trồng ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn như UTZ, 4C, VietGAP, Organik nhưng phần lớn vẫn còn tiêu hủy với rác thải sinh hoạt hoặc đốt. Đối với các cơ sở, nông hộ sản xuất đại trà, có đến 80% người sử dụng thuốc BVTV chưa thực hiện thu gom bao bì. Thực tế chủ yếu đang bỏ lại tại đất canh tác, trên lối đi, dưới mương rãnh, ao hồ. Một số ít, tuy có thu gom nhưng sau đó lại thả xuống các khu vực như bờ sông, suối, khe núi, ven đường. Trong lúc đó, bằng các nguồn kinh phí, đến nay, lượng BBT BVTV trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng được cơ quan quản lý nhà nước và các công ty, cơ sở sản xuất thu gom, tiêu hủy đúng quy định chỉ mới đạt khoảng 1% số lượng bao bì ước thải ra môi trường (!). 
 
Giải pháp để hạn chế tác hại?
 
BBT BVTV sau sử dụng bao giờ cũng còn tồn dư một phần thuốc. Nếu vứt bao bì bừa bãi trên đồng ruộng, thuốc sẽ khuếch tán vào nước tưới, nước mưa bị rửa trôi xuống nước ngầm và nước mặt gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái. Nếu xử lý bằng chôn lấp bao bì, thuốc cũng sẽ bị rửa trôi, thấm sâu xuống nước mặt, nước ngầm. Tình trạng càng trở nên ô nhiễm nặng hơn nếu chôn lấp ở trên cao hay đầu nguồn nước. Trường hợp đem bao bì đốt không đúng quy trình an toàn nguy cơ phát thải Dioxins là rất lớn. 
 
Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và giữ sạch môi trường sinh thái, giải pháp đầu tiên là phải thu gom, phân loại, xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó có BBT BVTV. Quy trình thu gom phải tuân thủ không bỏ chung với rác thải sinh hoạt và sau đó tiêu hủy tại cơ sở được Bộ TN&MT cấp phép. Vì vậy, không chỉ ý thức và trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV, mà còn cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong các khâu tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra... Mặt khác, việc cần làm đồng thời là lắp đặt và duy trì các bể thu gom BBT BVTV tại những nơi thuận tiện đi lại của nông dân và đạt yêu cầu không bị ngập nước. Những cơ quan chức năng như TN&MT, BVTV, NN&PTNT cấp tỉnh và cấp huyện phải vừa là cơ quan đầu mối, vừa là đơn vị trực tiếp triển khai công việc bảo vệ môi trường về xử lý BBT BVTV. Rõ ràng BBT BVTV đang có tác hại không nhỏ đến sức khỏe của cộng đồng cả trước mắt và cả lâu dài, vì vậy không thể chậm trễ triển khai công tác thu gom và xử lý đúng quy định.
 
ĐẠO PHAN