Mái ấm yêu thương của trẻ nghèo

08:07, 20/07/2016

Với những đứa trẻ dân tộc thiểu số nghèo của thôn K'Nai, hơn 10 năm qua, ngôi nhà của các nữ tu thuộc Cộng đoàn Đa Minh K'Nai (Phú Hội, Đức Trọng) luôn được coi là mái nhà thứ hai đầy yêu thương, che chở. 

Với những đứa trẻ dân tộc thiểu số nghèo của thôn K’Nai, hơn 10 năm qua, ngôi nhà của các nữ tu thuộc Cộng đoàn Đa Minh K’Nai (Phú Hội, Đức Trọng) luôn được coi là mái nhà thứ hai đầy yêu thương, che chở. 
 
Sơ Hồng đang cùng các cháu ôn bài ngày hè
Sơ Hồng đang cùng các cháu ôn bài ngày hè
Chăm sóc bằng tất cả tình thương
 
Theo lời kể của sơ Thân Thị Hồng - người phụ trách ở đây, Cộng đoàn Đa Minh K’Nai (thuộc dòng nữ tu Đa Minh Lạng Sơn) quyết định chọn K’Nai làm nơi an cư là vì muốn ở gần bà con dân tộc thiểu số nghèo để có điều kiện giúp đỡ. Với ý định đó, năm 2003, sau khi đã ổn định xong chỗ ăn ở, các sơ đã nhận nuôi các cháu học sinh là con em của bà con dân tộc thiểu số nghèo trong làng. “Hồi mới đầu, các cháu cả lớn cả nhỏ chỉ khoảng 20 - 30 cháu, tuổi mẫu giáo thì chúng tôi nhận từ 4 tuổi, còn lại là các cháu ở độ tuổi học sinh tiểu học. Lúc đó, các cháu chỉ học một buổi ở trường, buổi còn lại các sơ đón về cho ăn trưa, rồi sau giờ nghỉ trưa, chúng tôi lại cho các cháu ăn bữa xế. Ăn uống xong xuôi, đối với các cháu nhỏ thì chúng tôi dạy các cháu hát, múa; những cháu đang học tiểu học thì giúp các cháu ôn lại bài đã học trên trường, dạy các cháu cách ăn, cách ở…, tới chiều thì ba mẹ các cháu đến đón các cháu về” - sơ Hồng nói.
 
Và cứ thế, bằng tình thương và cả trách nhiệm, công việc đó đã được các sơ của Cộng đoàn Đa Minh K’Nai thực hiện đã hơn chục năm nay và các cháu cũng tăng dần theo từng năm. Năm học vừa rồi, các cháu được chăm sóc ở đây đã lên đến 150 em. Số lượng các cháu nhiều lên thì số lượng các nữ tu cũng tăng để chăm sóc, bảo ban các cháu, từ 2 người, đến nay, Cộng đoàn Đa Minh K’Nai đã có 8 nữ tu đang sinh sống và chăm sóc các cháu. “Từ năm học vừa rồi, nhà trường dạy 2 buổi/ngày nên chúng tôi chỉ đón các cháu về buổi trưa cho các cháu ăn, ngủ rồi cho ăn xế, sau đó các sơ lại dẫn các cháu ra trường cho kịp giờ học buổi chiều. Trong tuần mà các cháu được nghỉ học ở trường thì lại đến đây” - sơ Hồng cho biết thêm. Không chỉ lo cho các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ, trong phòng nghỉ trưa của các cháu còn có rất nhiều các loại truyện phù hợp với lứa tuổi, có cháu thì đọc ở đây, cháu lại mượn về nhà vài ba hôm rồi lại đổi quyển khác. Sơ Hồng cho hay, đối với các cháu học hết lớp 9 tiếp tục theo học lên cấp ba ngoài thị trấn Liên Nghĩa không có điều kiện đi về hàng ngày, Cộng đoàn cũng sẽ tiếp tục nuôi các cháu ăn, ở tại một cơ sở của Cộng đoàn ngoài thị trấn cho đến hết lớp 12. Trung bình một năm, có khoảng hơn chục em được nuôi tại đó; trước đây, Cộng đoàn còn nhận nuôi cả các em trai, em gái nhưng 2 năm trở lại đây chỉ nhận nuôi các bé gái.
 
Làm hết khả năng có thể
 
Sơ Hồng chia sẻ, để có kinh phí lo cho các cháu mỗi ngày, phần lớn là xin của nhà dòng, các ân nhân thân quen và các mạnh thường quân cũng tìm đến, nhóm thì nấu cho các cháu ăn bữa cơm, bữa bún; nhóm thì giúp cho vài tạ gạo…, rồi bà con trong làng cũng thường mang đến nào chuối, nào bắp, rau, củ, quả… Ngoài ra, các sơ cũng trồng được 1 mẫu cà phê để có thêm tiền trang trải, trồng thêm ít rau sạch trong vườn để cải thiện các bữa ăn. Không chỉ vậy, đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong làng, các sơ lại giúp đỡ bằng nhiều cách như hỗ trợ gạo ăn, giúp cho mượn vốn chăn nuôi, giúp khoan giếng nước sạch để bà con dùng.
 
Như năm 2015, các sơ đã giúp bà con khoan được 3 cái giếng trong vùng và cũng thường xuyên giúp các cháu tiền học phí… Nhiều năm qua, trung bình 1 năm có khoảng 15 em được các sơ ở đây hỗ trợ 1 triệu đồng/3 tháng. Rồi trong hiên nhà, lúc nào cũng có sẵn tủ thuốc Bác Ái, để bất cứ lúc nào bà con bị các bệnh thông thường như ho, cảm cúm hay cần vài viên thuốc bổ tới xin thì đều được đáp ứng kịp thời. Chị Ga Ma Rim có 2 con đang được các sơ chăm sóc không giấu nổi niềm vui cho biết: “Vợ chồng tôi đi làm suốt, không có các sơ thì không biết làm sao. Ngày nghỉ hè, 2 con tôi cũng được các sơ nhận chăm sóc, bày cho học để không quên các chữ, tôi thấy ưng cái bụng lắm!”. Nói thêm về các hoạt động này, sơ Hồng cho hay: “Chúng tôi làm những việc này với tâm nguyện giúp được người nào hay người đó, mong người dân luôn bình an, các cháu thì biết chữ để từng bước nâng cao dân trí, tiến tới xóa nghèo bền vững”.
 
THY VŨ