Bảo vệ môi trường sống: Xử lý triệt để chất thải nguy hại

09:08, 02/08/2016

Lâm Đồng cũng như các địa phương khác, đều phát sinh chất thải nguy hại trong mọi hoạt động của đời sống. Lượng chất thải này đã được xử lý như thế nào để đảm bảo an toàn cho con người, cho môi trường là việc Lâm Đồng đang cố gắng thực hiện.

Chất thải nguy hại (CTNH) là một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu tới môi sinh, chất lượng môi trường nếu không được xử lý đúng kỹ thuật. Lâm Đồng cũng như các địa phương khác, đều phát sinh CTNH trong mọi hoạt động của đời sống. Lượng CTNH này đã được xử lý như thế nào để đảm bảo an toàn cho con người, cho môi trường là việc Lâm Đồng đang cố gắng thực hiện.
 
Quản lý theo mã CTNH
Quản lý theo mã chất thải nguy hại
Bà Nguyễn Thị Anh Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, loại CTNH phát sinh nhiều nhất là chất thải phát sinh từ hoạt động của Nhà máy Bauxite - Nhôm Bảo Lâm, chiếm 54,88% và chất thải phát sinh từ chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế và các cơ sở y tế cá nhân chiếm 26,58%. Tổng lượng CTNH phát sinh năm 2015 là trên 326 ngàn kg, giảm không đáng kể so với năm 2014 là trên 333 ngàn kg.
 
Năm 2015, lượng CTNH đã được xử lý là trên 305 ngàn kg, đạt tỷ lệ trên 93,59% do chất thải của Nhà máy Nhôm - Bauxite và chất thải y tế đã được thu gom, xử lý. Lượng chất thải còn lại do ít, chưa đủ vận chuyển, xử lý nên đã lưu kho ngay tại cơ sở phát sinh nguồn thải, được ngành chức năng quản lý nghiêm ngặt đảm bảo không gây hại ra môi trường. 
 
Chất thải nguy hại không chỉ phát sinh trong sản xuất công nghiệp mà phát sinh trong mọi hoạt động của đời sống. CTNH có thể là bóng đèn huỳnh quang vỡ, pin thải, giẻ lau dầu mỡ, vỏ bao bì bảo vệ thực vật… Tất cả các loại rác thải cần được thu gom và xử lý đúng kỹ thuật, tránh để ảnh hưởng tới môi trường sống của cộng đồng.
Nguồn: Chi cục Môi trường Lâm Đồng

Tại Lâm Đồng, cho tới thời điểm hiện tại chưa có đơn vị có chức năng quản lý CTNH. Lượng CTNH phát sinh đều được chủ nguồn thải hợp đồng với các chủ hành nghề quản lý CTNH được Tổng cục Môi trường cấp phép có địa bàn hoạt động tại Lâm Đồng. Hầu hết lượng CTNH đều được vận chuyển bằng xe chuyên dụng tới các nhà máy có chức năng xử lý CTNH tại các tỉnh bạn.

Hiện, Lâm Đồng có hai công ty là Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt và Công ty CP công trình đô thị Bảo Lộc đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đăng ký xin cấp phép quản lý CTNH theo quy định. Toàn tỉnh mới chỉ có 1 đơn vị được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH có đăng ký tự xử lý là Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt. Số lượng chủ hành nghề quản lý CTNH có hợp đồng hoạt động tại Lâm Đồng là 7 đơn vị. 

Năm 2015, Sở Công thương thực hiện đề án hỗ trợ thu gom xử lý CTNH cho 12 doanh nghiệp hoạt động tại 5 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bà Hoàng Thị Kim Cúc, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật An toàn Môi trường cho biết, qua khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp không nắm cụ thể khối lượng chất thải nguy hại lưu trữ tại các doanh nghiệp mà chủ yếu là con số ước lượng. Và điều thường thấy ở các doanh nghiệp là phân loại không chính xác các loại chất thải nguy hại nên việc thống kê tên và lượng chất thải nguy hại còn chung chung, thiếu chi tiết, cụ thể. Xử lý CTNH tại các cụm công nghiệp khá khó khăn do phát sinh lượng chất thải ít, trong khi chi phí vận chuyển, xử lý cao so với số lượng CTNH.
 
Ngoài ra, điều còn vướng mắc trong xử lý CTNH tại Lâm Đồng thuộc về ngành y tế. Bà Nguyễn Thị Anh Hoa cho biết, hiện hầu hết chất thải y tế nguy hại được xử lý bằng công nghệ đốt và hấp vô trùng. Ở hai thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt, hoạt động xử lý này được chuyển giao cho hai công ty là Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt và Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc xử lý bằng công nghệ đốt, các đơn vị y tế cấp huyện tiến hành xử lý CTNH bằng lò đốt hoặc lò hấp chất thải. Nhưng tất cả các đơn vị trên, chưa đơn vị nào được cấp phép để xử lý chất thải nguy hại và việc xử lý này vẫn mang tính giải pháp tình thế, các đơn vị trên chưa đáp ứng yêu cầu vầ hành nghề quản lý chất thải nguy hại.
 
Ngoài ra, lượng CTNH phát sinh từ các cơ sở y tế tư nhân rất khó kiểm soát do lượng chất thải nguy hại phát sinh quá ít nên chi phí cho quá trình vận chuyển quá cao so với giá thành xử lý chung. 
 
CTNH là một mối nguy với môi trường nếu bỏ lỏng công tác quản lý. Lâm Đồng, do đặc thù ít phát triển các ngành công nghiệp nặng nên lượng CTNH ít phát sinh. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước quản lý vẫn siết chặt quản lý nhằm tránh việc rò rỉ CTNH ra môi trường. Riêng năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã cấp mã số quản lý CTNH cho 6 chủ nguồn thải, tính tới hiện tại, toàn tỉnh có 71 chủ nguồn thải CTNH được cấp mã số. Việc kiểm tra các quy định về phân loại, thu gom và lưu trữ CTNH được kiểm tra thường xuyên và liên tục. Nhưng điều cần tính toán tới là trong tương lai, Lâm Đồng cần có đơn vị xử lý CTNH tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển, tránh tình trạng lưu trữ CTNH lâu dài, giảm gánh nặng chi phí, đảm bảo nguồn CTNH được xử lý triệt để, đảm bảo an toàn cho môi trường sống.
 
DIỆP QUỲNH