Sớm khắc phục thu gom và xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Phú Hội

10:10, 10/10/2016

Sau 8 năm đi vào hoạt động, đến nay nhiều vấn đề về môi trường tại khu công nghiệp cần được thường xuyên tiếp tục quan tâm.  

Khu công nghiệp (KCN) Phú Hội thuộc quản lý của Công ty Phát triển hạ tầng KCN Phú Hội (gọi tắt là Công ty) đứng chân tại thôn P’Ré, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Sau 8 năm đi vào hoạt động, đến nay nhiều vấn đề về môi trường tại KCN cần được thường xuyên tiếp tục quan tâm, đặc biệt sớm khắc phục hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.   
 
Toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp trong KCN chỉ chảy về cống này và vào sông Đa Nhim
Toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp trong KCN chỉ chảy về cống này
và vào sông Đa Nhim
KCN Phú Hội vốn có tổng diện tích 174 ha, nhưng nay đang điều chỉnh quy hoạch còn lại 109 ha (theo Công văn số 1349/TTg-KTN ngày 12/08/2015 của Thủ Tướng Chính phủ). Ngành nghề sản xuất trong KCN chủ yếu là chế biến thực phẩm - nông sản, lâm sản, công nghiệp giấy, vật liệu xây dựng cao cấp, cơ khí luyện kim - khí hóa lỏng và sản xuất phân bón. Ông Lê Hải Ninh - Giám đốc Công ty cho biết, hiện KCN có 26 dự án đầu tư, trong đó 5 dự án đang xây dựng, 3 dự án được cấp phép đầu tư nhưng chưa xây dựng, 2 dự án đang tạm ngưng xây dựng, 2 dự án đang tạm ngưng hoạt động và mới chỉ có 14 dự án đang hoạt động. Trong số các dự án đang hoạt động, có 6 dự án chế biến thực phẩm - nông sản, 2 dự án chế biến lâm sản, 1 dự án sản xuất giấy, 2 dự án sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, 2 dự án cơ khí luyện kim - khí hóa lỏng và 1 dự án sản xuất phân bón.
 
Năm 2008, Công ty đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Tuy nhiên, hiện Công ty chưa lập hồ sơ xin xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Đối với việc thực hiện giám sát môi trường định kỳ, từ năm 2014 đến nay, Công ty đã thực hiện đo đạc và lập báo cáo định kỳ 2 lần/năm với các thành phần môi trường như không khí xung quanh, nước thải, nước mặt, nước ngầm. Theo các cơ quan chức năng trong đoàn thanh tra của Bộ TN&MT, so với Báo cáo ĐTM, Công ty cần lưu ý một số vấn đề như sau: Đối với quan trắc khí thải, nước thải và báo cáo tình hình phát sinh chất thải rắn của các doanh nghiệp trong KCN phải thực hiện tần suất 4 lần/năm. Lý giải điều này, lãnh đạo Công ty cho biết, các doanh nghiệp có thực hiện giám sát và gửi cho Sở TN&MT Lâm Đồng mà không gửi cho Công ty nên chưa tập hợp được. Các cơ quan chức năng cũng cho biết, tại KCN các vị trí quan trắc chưa thực hiện đúng với Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Cụ thể, môi trường không khí xung quanh chỉ thực hiện 6/10 điểm quan trắc; nước thải 1/2 điểm; nước mặt 1/6 điểm; nước ngầm 3/5 điểm. Tại KCN cũng chưa thực hiện quan trắc 5 điểm bùn đáy trên sông Đa Nhim. Và tần suất quan trắc nước thải cũng mới chỉ thực hiện 2 lần/năm trong khi yêu cầu 4 lần/năm. Những tồn tại này, theo lãnh đạo Công ty, vì điều chỉnh diện tích KCN nên vị trí và tần suất quan trắc có thay đổi.
 
Vấn đề tài nguyên nước, tại KCN Phú Hội, các doanh nghiệp sử dụng 2 nguồn: nước từ Công ty cổ phần Cấp thoát nước và xây dựng Đức Trọng và bên cạnh có 8 cơ sở được cấp giấy phép khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất. Nhưng, đáng lưu ý là hiện chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho KCN Phú Hội. Theo ĐTM được phê duyệt năm 2008, Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Phú Hội sẽ được xây dựng với công suất thiết kế là 7.000 m3/ngày đêm, thế nhưng đến nay chưa có hệ thống thu gom nước thải và chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có lưu lượng xả thải đáng kể với dung tích từ 38 - 132 m3/ngày đêm. Thực tế cho thấy, hiện nước thải của các doanh nghiệp trong KCN được thải qua mương đất và chảy ra sông Đa Nhim. Đặc biệt, phía trên KCN hiện tồn tại bãi rác của huyện Đức Trọng hàng ngày nước rỉ từ đấy chảy theo mương đất thoát nước thải của KCN rồi ra sông Đa Nhim nên rất ô nhiễm (như báo Lâm Đồng đã phản ảnh). Đã đến lúc tỉnh và huyện Đức Trọng cần kiên quyết có giải pháp triển khai di dời bãi rác hiện tại cận kề KCN Phú Hội này. 
 
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, theo ông Phạm Thế Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng, Công ty đang tiến hành rà soát, hoàn chỉnh báo cáo về kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án nhóm B cho dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông và hệ thống thoát nước mặt và dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và hệ thống thu gom nước thải KCN Phú Hội. Theo đó, đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định. 
 
Tuy nhiên, theo chúng tôi, để sớm khắc phục tình trạng toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp trong KCN Phú Hội đang chảy về một cống duy nhất trước khi chảy vào sông Đa Nhim như hiện nay, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vì thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2017 - 2020 là quá chậm. Mặt khác, trong thời gian chưa xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung của KCN, việc quản lý các nguồn phát thải của các doanh nghiệp trong KCN cần được chú trọng thực hiện và duy trì thường xuyên. Đặc biệt, các đơn vị và cơ quan chức năng cần thực hiện công tác hậu kiểm sau khi các nhà máy trong KCN đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý môi trường cục bộ và báo cáo giám sát môi trường định kỳ cũng như thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường trong đề án bảo vệ môi trường và báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.
 
MINH ĐẠO