Phụ nữ xứ trà liên kết trồng rau an toàn

08:01, 11/01/2017

Xuất phát từ nhu cầu thị trường và điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ tại tổ dân phố 1A, phường Lộc Tiến (TP Bảo Lộc) đã liên kết thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn. Mô hình không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, mà còn góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho chị em phụ nữ.

Xuất phát từ nhu cầu thị trường và điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ tại tổ dân phố 1A, phường Lộc Tiến (TP Bảo Lộc) đã liên kết thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn. Mô hình không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, mà còn góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho chị em phụ nữ.
 
Chị em phụ nữ trồng dưa leo. Ảnh: K. Phúc
Chị em phụ nữ trồng dưa leo. Ảnh: K. Phúc
Phường Lộc Tiến đang có khoảng 10 ha đất trồng rau; trong đó, có hơn 5 ha được chị em phụ nữ trồng tập trung tại tổ dân phố 1A. Các loại rau được trồng tại đây chủ yếu là cải ngọt, cải thìa, cải xanh, cải cúc, hành ngò, dưa leo, mướp đắng… Để sản xuất rau vừa đạt số lượng, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Lộc Tiến (LHPN) đã thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn tại tổ dân phố 1A nhằm truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm sản xuất rau an toàn cho các hội viên. 
 
Trên cơ sở này, hội viên phụ nữ tổ dân phố 1A được tham gia các lớp tập huấn trồng rau theo hướng VietGAP thuộc Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn” của Trung tâm Nông nghiệp TP Bảo Lộc. Qua đó, các chị em tham gia trồng rau an toàn học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt về làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước cũng như thời gian cách ly giữa bón phân và thu hoạch. Hiện tổ hợp tác đã thu hút được hơn 20 chị em tham gia trồng rau an toàn. 
 
Chị Phan Thị Sợi, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn tổ dân phố 1A cho biết: “Thời gian qua, các chị em trong Tổ thường xuyên hỗ trợ nhau về giống, công lao động và kỹ thuật chăm sóc để rau trồng đạt năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn. Hiện, sản phẩm rau của chị em không chỉ được tiêu thụ tại các đầu mối ở các chợ trên địa bàn TP Bảo Lộc mà còn được các thương lái tìm đến vườn thu mua để cung cấp cho Siêu thị Coopmart Bảo Lộc và chuyển về thị trường TP Hồ Chí Minh tiêu thụ”.
 
Hiện nay, bên cạnh việc trồng rau ngoài trời, nhiều chị em trong Tổ hợp tác đã đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới tự động để trồng rau an toàn. Chị Hoàng Thị Trinh, hội viên Tổ hợp tác trồng rau an toàn tổ 1A (phường Lộc Tiến) phấn khởi: “Trước đây, phần lớn đất vườn của chúng tôi đều trồng chè, nhưng do ẩm thấp hay ngập nước và hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên những năm gần đây chị em đã chuyển qua trồng rau. Hiện, gia đình tôi đang có 7 sào đất trồng các loại rau cải, mồng tơi, dưa leo, mướp đắng… Nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất rau theo hướng VietGAP nên sản phẩm làm ra đến đâu là tiêu thụ hết đến đó và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Với 7 sào rau, củ, quả hiện có thì trung bình mỗi tháng mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng”.
 
Sản phẩm của Tổ hợp tác khi cung cấp ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Chị Đinh Thị Mộng Thu, một tiểu thương thường xuyên mua rau của Tổ hợp tác cho biết: “Tôi đã thu mua rau của Tổ hợp tác được gần 2 năm nay. Trung bình mỗi ngày tôi thu mua từ 3 - 5 tạ rau, củ, quả cho chị em hội viên Tổ hợp tác. Tôi thấy, rau chị em trồng ở đây ngon và đảm bảo an toàn nên tôi tìm đến thu mua. Sau khi thu mua, tôi chuyển về bỏ cho các mối quen tại TP Hồ Chí Minh và được khách hàng ở đây tin tưởng lựa chọn nên rau chuyển xuống ngày nào tiêu thụ hết ngày đó”.
 
Chị Vũ Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN phường Lộc Tiến cho hay: “Qua công tác kiểm tra của các ngành chức năng, sản phẩm rau khi thu hoạch của hội viên trong Tổ hợp tác luôn đạt tiêu chuẩn rau an toàn. Hiện, đã có hơn 20 chị em trong Tổ hợp tác được cấp chứng chỉ công nhận rau VietGAP nên bước đầu sản phẩm rau của chị em đã tạo được thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại trung bình mỗi hội viên trong Tổ đang có được nguồn thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng từ sản xuất rau an toàn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét để nhân rộng mô hình này tới những nơi có điều kiện đất đai thổ nhưỡng phù hợp với cây rau trên toàn địa phương để giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định đời sống”.            
 
KHÁNH PHÚC