Tiếng vĩ cầm trên sân ga

09:02, 16/02/2017

Tiếng đàn violon văng vẳng ngân lên giữa không khí tấp nập của những đoàn khách du lịch và dòng người vội vã tại nhà ga Đà Lạt vào buổi chiều đầu năm mới 2017. Mọi người vẫn qua lại ngược xuôi, một vài cái đầu ngoái nhìn tìm kiếm, rồi một vài người chợt dừng lại và chăm chăm hướng về một phía. Những ánh nhìn tán thưởng, những tiếng click máy ảnh liên tục và những nụ cười...

Tiếng đàn violon văng vẳng ngân lên giữa không khí tấp nập của những đoàn khách du lịch và dòng người vội vã tại nhà ga Đà Lạt vào buổi chiều đầu năm mới 2017. Mọi người vẫn qua lại ngược xuôi, một vài cái đầu ngoái nhìn tìm kiếm, rồi một vài người chợt dừng lại và chăm chăm hướng về một phía. Những ánh nhìn tán thưởng, những tiếng click máy ảnh liên tục và những nụ cười...
 
Nghệ sỹ Hồ Tuấn biểu diễn tại ga Đà Lạt. Ảnh: H.Vũ
Nghệ sỹ Hồ Tuấn biểu diễn tại ga Đà Lạt. Ảnh: H.Vũ
Anh chàng với dáng vẻ phong trần, đầy chân chất, khoác trên vai chiếc vĩ cầm say sưa dạo những bản nhạc du dương nhưng rất đỗi quen thuộc. Từ những nhạc phẩm bolero đến tình khúc Trịnh Công Sơn hay những bản nhạc cổ điển của Mozart, Beethoven,... Một chút lãng mạn, ấm áp như ùa về sưởi ấm bao tâm hồn đồng điệu giữa cái se lạnh của Đà Lạt, giữa chốn sân ga nhuốm màu xưa cũ của thời gian. 
 
Người nghệ sĩ ấy là Hồ Tuấn - một người con của Lâm Đồng, đam mê violon. Anh tâm sự: Anh đến với vĩ cầm cách đây hơn 10 năm vì yêu âm thanh trong trẻo và vẻ thanh lịch của nó. Dù loại nhạc cụ này rất kén người chơi và anh cũng từng dừng chơi một thời gian, nhưng với tình yêu âm nhạc và violon cháy bỏng, anh đã quyết tâm tự học trở lại. Để rồi từ đam mê, kéo vĩ cầm đã trở thành nghề kiếm sống của anh. Bộ nhạc cụ của anh cũng thật đơn giản như chính con người nghệ sĩ ấy. Chỉ là một chiếc hộp gỗ vừa dùng để đựng đàn và 2 cây vĩ, vừa dùng để những người khách bộ hành qua lại để tiền ủng hộ. Tôi lặng lẽ ngồi nghe anh ve vuốt từng giai điệu cũ, miệng nhẩm theo lời ca của bài hát ấy. Đôi mắt anh lim dim, đầu nghiêng về một phía để cùng bờ vai kẹp lấy cây vĩ cầm, một tay rung rung trên những dây đàn, tay kia bắt đầu kéo nhè nhẹ… Anh lặng lẽ kéo vĩ cầm, đôi mắt luôn nhắm, anh chơi nhạc theo cách cực kỳ phóng túng và nhập thân tuyệt đối, như thể chỉ còn duy nhất anh và âm nhạc trong một kết nối thiêng liêng vĩnh cửu.
 
Thành phố nào nhớ không em? / Nơi chúng mình tìm phút êm đềm / Thành phố nào vừa đi đã mỏi / Đường quanh co quyện gốc thông già... Những giai điệu bolero nhẹ nhàng, sâu lắng được cất lên trong cái se lạnh của buổi chiều đông Đà Lạt bằng tiếng đàn trong trẻo và sâu lắng của anh. Tiếng đàn của anh làm cảm động bao người xa lạ lại qua, họ ghé xuống để nhẹ vài đồng tiền lẻ vào hộp đàn như thay lời cảm ơn.
 
Giống với nhiều người, tôi thắc mắc tại sao anh không chọn một không gian âm nhạc nào đó như: quán cà phê hay một phòng trà mà lại chọn sân ga Đà Lạt này làm nơi để thể hiện tài năng của mình. Anh chỉ cười, đơn giản vì anh muốn đem âm nhạc đến gần hơn với nhiều người và đây có lẽ cũng là nơi anh dễ dàng thể hiện xúc cảm của mình nhất. 
 
Có thể với nhiều người âm nhạc phải là quán xá, là những fanzone hay club thì với những thứ chắp nhặt, với một ý tưởng khác lạ, với vẻ mặt say mê ngân nga yêu đời, người nghệ sĩ violon Hồ Tuấn đã tạo nên nét âm nhạc đậm chất đời thường, góp vui cho những người khách bộ hành và tạo nên vẻ đẹp riêng, sức sống riêng cho nhà ga Đà Lạt. Để rồi trong cái xô bồ của cuộc sống nơi đây, tiếng đàn anh vẫn hằng ngày len lỏi, đánh thức thính giác mọi người trong cái không khí lãng mạn của thành phố cao nguyên này.
 
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ 
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua 
Trên bước chân em âm thầm lá đổ 
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa.
 
Các nghệ sĩ nổi tiếng diễn trên sân khấu dưới ánh đèn nhiều màu sắc, khi kết thúc màn biểu diễn sẽ nhận được hoa, thú nhồi bông và những tràng pháo tay của người hâm mộ. Còn những nghệ sĩ đường phố như anh Tuấn thì khác, “sân khấu” của anh chỉ là một góc sân ga giữa dòng người xuôi ngược. Và dĩ nhiên, nghệ sĩ đường phố thì làm gì có ai tặng hoa, tặng gấu bông dù cho có diễn nhiệt tình đến bao nhiêu. Tuấn chia sẻ: “Nghề nào cũng vậy, nhất là âm nhạc, muốn thành công, muốn sống được với nó thì phải có đam mê thật sự và một khi đã trót đam mê thì bằng mọi giá phải theo đuổi tới cùng”
 
Với anh Tuấn, “đi diễn” là niềm hạnh phúc, góc sân ga hay đường phố là nhà, bởi ngoài việc mưu sinh anh còn xem đây là nơi để được thỏa mãn niềm đam mê của mình. Dù bất kể nắng mưa hay ngày lễ, tết thì ở một góc nhỏ nào đó của Đà Lạt vẫn vang lên những tiếng vĩ cầm của anh. Vài người đi qua để lại vài tờ tiền lẻ, anh lại gật đầu cảm ơn và nở một nụ cười hạnh phúc. Chỉ cần thế thôi, mỗi giai điệu, mỗi tiếng đàn như càng tha thiết hơn. Tôi tin rằng, ít hay nhiều, chắc chắn anh cũng đã mang đến những âm thanh rung động, những khoảnh khắc khó quên cho một ai đó trong một ngày đặc biệt như những ngày đầu năm mới này giữa thành phố ngàn hoa Đà Lạt.
 
TRẦN HOÀI VŨ