Gương sáng ở bản Mường

09:03, 01/03/2017

Trở lại bản Mường ở thôn 7, xã Tân Lâm (huyện Di Linh) lần này, rất vui mừng khi tôi và anh Bùi Duy Hùng được gặp lại nhau. Tại thời điểm lúc đến, tuy đang tất bật công việc thu hái cà phê, nhưng anh dừng tay chốc lát mời tôi vào nhà dùng nước và dành ít thời gian cùng hàn huyên, tâm sự. 

Trở lại bản Mường ở thôn 7, xã Tân Lâm (huyện Di Linh) lần này, rất vui mừng khi tôi và anh Bùi Duy Hùng được gặp lại nhau. Tại thời điểm lúc đến, tuy đang tất bật công việc thu hái cà phê, nhưng anh dừng tay chốc lát mời tôi vào nhà dùng nước và dành ít thời gian cùng hàn huyên, tâm sự. 
 
Ông Bùi Duy Hùng. Ảnh: X.Long
Ông Bùi Duy Hùng. Ảnh: X.Long
Trong gian nhà sàn khang trang mới xây dựng theo thiết kế đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, anh Bùi Duy Hùng vui vẻ: “Kể ra còn rất nhiều công việc phải lo và phải đầu tư, nhưng thôi, chẳng nhẽ cứ ở trong căn nhà lụp xụp mãi, vợ chồng em ráng xây dựng ngôi nhà này từ nguồn tích góp bấy lâu nay, anh ạ!”. Giữa mênh mông núi đồi nam Tây Nguyên này, trông căn nhà khang trang của Hùng, tôi quá “khâm phục” và vui mừng lây, bởi vợ chồng anh thực sự là quá tuyệt vời, từ hai bàn tay “trắng”, trong gần 25 năm nay, đã tích góp gần 1 tỷ đồng làm nên. 
 
Xong ngụm nước trà, anh Hùng kể lại: “Năm 1992, tìm được vùng đất mới, gia đình em từ Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) chuyển vào bản Mường (thôn 7), xã Tân Thượng (nay là xã Tân Lâm), huyện Di Linh để sinh cư lập nghiệp. Ban đầu mới vào đây, quả thực là từ tay trắng, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực, không ngại khó ngại khổ, gia đình em đã dần dần phát triển kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên từ đó!”. 
 
Theo lời anh kể, buổi ban đầu từ Hòa Bình vào thôn 7 lập nghiệp, cũng như bao người khác, gia đình anh nghèo lắm. Từ diện tích trồng cây ngắn ngày để nuôi sống gia đình, trong thời gian 1994 - 1995, mấy anh em trong gia đình cùng nhau khai phá đất hoang và chuyển sang trồng 5.000 cây cà phê. Sau đó, chia cho các em một nửa, còn lại vợ chồng anh Hùng chỉ sở hữu 2.500 cây cà phê (với diện tích 2,3 ha). Cho dù vợ chồng anh tích cực chăm sóc, nhưng do giống cà phê Robusta chưa được chọn lựa, nên năng suất và sản lượng hàng năm thu hoạch đạt không cao lắm. Nhờ được tham quan các mô hình thâm canh giống mới, học hỏi kinh nghiệm của những “lão nông tri điền” ở các địa phương và được tham dự các lớp tập huấn, từ năm 2008, anh là một trong những nông dân đầu tiên trong xã Tân Lâm thực hiện việc tái canh cà phê bằng cách đào bỏ cây cũ trồng lại bằng cây giống thực sinh hoặc cây giống ghép và ghép chồi bằng các giống cà phê cao sản. 
 
Để thực hiện tốt việc tái canh cà phê, anh Bùi Duy Hùng thường xuyên liên hệ với Trung tâm Nông nghiệp huyện và các công ty cây giống để được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật tái canh và chăm sóc. Nhờ vậy, năng suất và sản lượng cà phê của gia đình anh ngày càng cao. Anh Hùng cho biết, hiện nay, năng suất cà phê đã đạt bình quân 5 tấn/1 ha và sản lượng hàng năm đạt từ 12 đến 14 tấn nhân. Ngoài nguồn thu nhập chính là từ cây cà phê, năm 2010, anh Bùi Duy Hùng còn đầu tư đào 800 m2 ao nuôi cá lăng và ba ba. Hàng năm, anh tạo thêm nguồn thu nhập trên 60 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, cuộc sống của gia đình anh được cải thiện và ổn định, 2 con được học hành.
 
Theo anh Hoàng Công Trọng, Bí thư Chi bộ thôn 7: Anh Bùi Duy Hùng là một gương sáng ở bản Mường này. Ngoài việc chịu khó lao động sản xuất và trở nên khá giả, gia đình anh Hùng còn là một “gia đình văn hóa” tiêu biểu trong nhiều năm và luôn đi đầu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
 
Qua tìm hiểu, tôi còn biết thêm, bản thân anh đã có một thời gian tham gia công tác xã hội tại địa phương. Từ năm 2009 đến năm 2013, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, Trưởng Ban vận động phong trào xây dựng đời sống văn hóa thôn. Gia đình anh luôn gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; mẫu mực trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế và các khoản đóng góp ở địa phương. 
 
Trong những năm qua, anh đã hỗ trợ nhiều gia đình vay mượn tiền không tính lãi; cung cấp mầm chồi cà phê giống cao sản giúp những gia đình có nhu cầu ghép, cải tạo vườn cà phê. Để chung tay xây dựng nông thôn mới, ngoài định mức đã đóng góp 400.000 đồng/1 hộ, năm 2013, gia đình còn ủng hộ thêm 6 triệu đồng xây dựng hội trường thôn; năm 2014, gia đình anh đã hiến trên 300 m2 đất (đã trồng cà phê) để mở đường giao thông nông thôn...
 
XUÂN LONG