Lao đao vì nấm

09:03, 27/03/2017

Nhờ trồng nấm, hàng trăm hộ dân ở thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng) đã có của ăn, của để. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nấm làm ra không được thương lái thu mua đang khiến người dân nơi đây đứng ngồi không yên.

Nhờ trồng nấm, hàng trăm hộ dân ở thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng) đã có của ăn, của để. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nấm làm ra không được thương lái thu mua đang khiến người dân nơi đây đứng ngồi không yên.
 
Vì nấm vẫn chưa bán được nên thỉnh thoảng nông dân lại đem ra phơi cho khỏi mốc. Ảnh: T.Vũ
Vì nấm vẫn chưa bán được nên thỉnh thoảng nông dân lại đem ra phơi cho khỏi mốc. Ảnh: T.Vũ
Đầu tư ít, lãi suất cao
 
Nghề trồng nấm mèo được hình thành ở thị trấn Liên Nghĩa từ những năm 1990. Nếu như ở thời điểm đó, toàn thị trấn chỉ có khoảng trên dưới vài chục nhà trồng nấm mèo, thì đến nay, đã có hàng trăm nhà nấm được dựng nên. Hiện, hầu hết các hộ nông dân ở các tổ dân phố (thuộc khu phố 6 cũ) đều tham gia trồng nấm, hộ ít thì 1 nhà nấm, hộ nhiều thì 6, 7 nhà nấm, có hộ trồng tới hơn chục nhà nấm. 
 
Nghề trồng nấm mèo vốn đầu tư ít, cho lãi cao đã trở thành nghề truyền thống của bà con nơi đây, giúp được nhiều hộ thoát nghèo để vươn lên làm giàu. Với giá thu mua nấm trung bình 80-90 ngàn đồng/kg, sau 2 tháng, trừ công chăm sóc và thu hoạch, mỗi nhà nấm trên diện tích khoảng 170 m 2, bà con nông dân cũng thu lãi khoảng 4-5 triệu đồng. 
 
Mặt khác, nghề trồng nấm mèo cũng được coi là nghề tạo việc làm ổn định cho người dân nơi đây, góp phần giải quyết cho trên 500 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/tháng.
 
Đặc biệt, cuối tháng 12/2016 vừa qua, việc UBND tỉnh ra quyết định công nhận “Làng nghề trồng nấm Tổ dân phố 5, thị trấn Liên Nghĩa” thực sự là tín hiệu vui đối với bà con trồng nấm trong tổ.
 
 “Từ khi nghề trồng nấm được công nhận là làng nghề, bà con trong tổ rất phấn khởi, vì sản phẩm làm ra sau này sẽ được công nhận là sản phẩm làng nghề. Mặt khác, sau khi được công nhận làng nghề truyền thống, đợt vừa rồi, Nhà nước cũng đã hỗ trợ 96 ngàn bịch giống cho 8 hộ trong tổ dân phố trồng thử nghiệm với tỷ lệ nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí, nông dân chịu 40%. Giống nấm thử nghiệm này đang phát triển rất tốt” - cô Nguyễn Thị Châu - Tổ trưởng Tổ dân phố 5, thị trấn Liên Nghĩa cho biết.
 
Bán chẳng ai mua
 
Niềm vui được công nhận làng nghề truyền thống chưa kịp lắng xuống, người dân nơi đây đã phải đối mặt với việc nấm trồng ra không có người thu mua.
 
Cô Nguyễn Thị Châu là một trong những gia đình đầu tiên ở thị trấn Liên Nghĩa gắn bó với nghề trồng nấm mèo từ năm 1997 cho hay: Trước đây, nấm làm ra đến đâu được thương lái thu mua đến đó, nhưng 2 tháng nay, trong tổng số 8 nhà nấm thì gia đình cũng chỉ mới bán được sản phẩm của 3 nhà nấm”.
 
Đó cũng là nỗi buồn của cô Nguyễn Thị Tạo với 20 năm gắn bó với nghề trồng nấm, đến nay, gia đình cô trồng khoảng 14.000 bịch, tương đương với 14 nhà nấm.
 
“Chưa có năm nào nghề nấm lại gặp khó như 2 tháng gần đây. Trước, trung bình gia đình tôi bán khoảng 3 tấn nấm/tháng thì 2 tháng nay, gia đình cũng chỉ mới bán được 1 tấn nấm” - vừa chỉ tay vào từng khay nấm trong nhà, cô Tạo vừa thở dài nói.
 
Còn anh Lê Ngọc Hà, Tổ dân phố 4 cũng cho hay, gia đình anh hiện có 6 nhà nấm đã thu hoạch xong, nhưng 2 tháng nay vẫn chưa bán được nhà nấm nào. “Không riêng gia đình tôi, ở đây nhà nào trồng nấm cũng giống vậy thôi. Một vài người hàng xóm của tôi đã chuyển sang trồng nấm bào ngư, riêng gia đình tôi vì trại nấm cách xa nhà ở, không tiện lắm nên tôi đang treo nhà nấm, không xuống giống nữa, đợi khi nào bán được nấm mới tiếp tục trồng. Tình hình này nếu vài tháng nữa mà nấm vẫn không bán được chắc gia đình tôi cũng phải tính cách chuyển nghề chứ không thì đói mất” - anh Hà rầu rĩ bộc bạch.
 
Cần định hướng cụ thể, thiết thực
 
Từ chỗ chỉ có vài chục hộ trồng nấm thời gian đầu, đến nay, số hộ trồng nấm trong toàn thị trấn đã lên 330 hộ/435 hộ trong toàn huyện, chủ yếu là sản xuất nấm mèo, khiến cung vượt quá cầu. 
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng, việc nấm trồng ra không bán được thời gian gần đây chính là hệ quả của việc con số nhà nấm và các hộ trồng nấm cứ tăng ồ ạt mỗi năm. 
 
Khi được hỏi, trước thực tế đó, Hội có khuyến cáo người nông dân đừng nên mở rộng nhà xưởng hay có giải pháp nào giúp người nông dân? Ông Tuấn cho hay: “Hội cũng giới thiệu các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, nhưng con số này cũng không nhiều. Với lại, mình nói cũng không ai nghe nên cũng không đưa ra định hướng gì!”.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài một số ít hộ chuyển đổi mô hình sản xuất, hầu hết các hộ sản xuất nấm mèo vẫn đang “án binh bất động”, treo nhà nấm, không tiếp tục xuống giống, với hy vọng khi không xuống giống nữa, đầu ra sẽ khan hiếm, hàng tồn vì thế sẽ được thu mua. Thiết nghĩ về lâu dài, các ngành chức năng cần có giải pháp thiết thực, nhằm định hướng cụ thể cho người nông dân trồng nấm. Nhất là khi, nghề trồng nấm của bà con vừa mới được công nhận là làng nghề! 
 
THY VŨ