Mưu sinh trên rác

08:03, 17/03/2017

Với bà con sống ở Khu vườn hộ, chắc hẳn không ai xa lạ gì với vợ chồng bà Ka Hiền - ông K'Biêng (đều 53 tuổi) . Bởi lẽ, nơi đây chỉ có gia đình bà là người chuyên đi lượm rác. Bà Ka Hiền tâm sự: Năm 2000, bà lấy ông K'Biêng (Quảng Khê, Đắk Nông) và cũng từ đó bà theo chồng về Đắk Nông xây dựng hạnh phúc gia đình...

Với bà con sống ở Khu vườn hộ, chắc hẳn không ai xa lạ gì với vợ chồng bà Ka Hiền - ông K’Biêng (đều 53 tuổi) . Bởi lẽ, nơi đây chỉ có gia đình bà là người chuyên đi lượm rác. Bà Ka Hiền tâm sự: Năm 2000, bà lấy ông K’Biêng (Quảng Khê, Đắk Nông) và cũng từ đó bà theo chồng về Đắk Nông xây dựng hạnh phúc gia đình. Do hoàn cảnh của ông K’Biêng cũng không khá là bao, nên hàng ngày, vợ chồng bà Ka Hiền phải vào rừng tìm đọt mây, lá bép và măng rừng… về bán kiếm tiền mua gạo để sống qua ngày.
 
Cùng mẹ mưu sinh. Ảnh: NDONG BRỪM
Cùng mẹ mưu sinh. Ảnh: NDONG BRỪM
Trong một lần vào rừng tìm đọt mây, không may bà Ka Hiền bị trượt chân rớt xuống vực sâu và bị đứt gân tay phải nằm viện điều trị một thời gian. Không thể sống mãi với nghề rừng đầy hiểm nguy, nên năm 2006, bà Ka Hiền rủ chồng về quê tại Khu vườn hộ (thôn 4), xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) tìm kế sinh nhai để mong sao cho cuộc sống gia đình được khấm khá hơn. 
 
Bà Ka Hiền cho biết: “Khi về đây, cuộc sống gia đình tôi hết sức khó khăn, tôi được em gái cho khoảng 20 m2 đất để dựng nhà, không đất đai nên vợ chồng tôi buộc phải chọn nghề nhặt rác để mưu sinh”.
 
Bất kể dù trời mưa hay nắng, hàng ngày vợ chồng bà Ka Hiền đều dậy sớm chuẩn bị “đồ nghề” từ cây que móc bằng sắt đến bao đựng rác…, lúc 5 giờ sáng là đã có mặt ở bãi rác và cho tới 17 giờ mới về đến nhà. Một tuần, bình quân vợ chồng tôi tìm kiếm và nhặt được khoảng 3 tạ rác các loại, như túi ni lông, bao, bìa cacton, giấy, sắt vụn…, hễ cái gì bán được là lượm hết. Có thời điểm cao nhất vợ chồng tôi chỉ lượm được đến 5 tạ/tuần. Với giá khoảng 600 đồng/kg thì một tuần vợ chồng tôi kiếm được một khoản thu nhập từ 200.000 - 400.000 đồng”.
 
 “Do cuộc sống đưa đẩy, chứ không ai muốn chọn cái nghề lượm rác đâu, vì đây là cái nghề nguy hiểm, dễ sinh ra các loại bệnh tật cho bản thân, bởi trực tiếp hít vào hơi rác bốc lên và thường xuyên sống trong môi trường bị ô nhiễm từ đống rác. Nhưng nếu không làm nghề lượm rác thì gia đình tôi không biết phải lấy gì để nuôi sống bản thân” - bà Ka Hiền phân trần.
 
Trong dịp nghỉ hè hay những ngày mà các cháu học sinh được nghỉ học, vợ chồng bà Ka Hiền còn cõng cháu nhỏ trên lưng cùng đi lượm rác để bố mẹ chúng yên tâm đi rẫy, làm thuê, làm mướn. Thấy bố mẹ lam lũ và còn vất vả hơn mình, nên người con gái út của bà Ka Hiền cho bố mẹ chiếc xe máy cà tàng, giúp ông bà đi lại, vận chuyển rác được thuận lợi hơn. 
 
Sau hơn 7 năm sống bằng nghề nhặt rác, đời sống kinh tế của gia đình bà Ka Hiền vẫn không thể khá lên được. Dáng vẻ vợ chồng bà già hơn so với tuổi, đặc biệt ông K’Biêng gầy còm, tiều tụy từng ngày vì bệnh tật.
 
Căn nhà của ông bà cũng khá đặc biệt so với những ngôi nhà của bà con ở trong buôn; nền nhà bằng đất, tường nhà được che chắn bởi những tấm ván, tấm bạt và mái nhà được lợp bằng những tấm tôn rách, pa nô… được vợ chồng bà lượm về từ bãi rác.
 
“Gia đình bà Ka Hiền là đối tượng thuộc diện đặc biệt khó khăn, hộ rất nghèo. Vì phụ thuộc vào nghề lượm rác, cơm ăn còn không đủ làm sao mà có tiền để làm nhà, nên phải sống trong căn nhà dột nát. Bà con ở đây cũng còn nhiều khó khăn, nên cũng không thể giúp bà Ka Hiền được. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, trợ giúp của xã hội” - ông K’Bụt, người dân Khu vườn hộ trải lòng. 
 
 NDONG BRỪM