Người H'Mông trên đất mới

08:03, 16/03/2017

"Đất lành chim đậu". Nhiều năm nay, đồng bào dân tộc H'Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào định cư trên đất Lâm Đồng ngày một đông đúc. Di cư tự do, dĩ nhiên trở thành gánh nặng đối với tỉnh Lâm Đồng...

“Đất lành chim đậu”. Nhiều năm nay, đồng bào dân tộc H’Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào định cư trên đất Lâm Đồng ngày một đông đúc. Di cư tự do, dĩ nhiên trở thành gánh nặng đối với tỉnh Lâm Đồng. Bài viết này, chúng tôi không bàn đến những nơi bà con đã được địa phương Lâm Đồng cố gắng tạo nhiều điều kiện để họ định cư, mà nói đến 113 hộ với 611 nhân khẩu đang sống tại thôn 2 và tiểu khu 179, xã Liêng Srônh - đang cần những giải pháp để thực sự có cuộc sống ổn định.     
 
Theo đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S dẫn đầu, chúng tôi phải vượt qua khoảng 155 km (tính từ thành phố Đà Lạt) mới đến nơi cư trú của bà con người H’Mông tại xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông. Phải vòng sang tỉnh Đắk Nông mới đến được với bà con. Rời Quốc lộ 27, chúng tôi xuyên sâu vào rừng bám theo con đường đất hết cheo leo lại rậm rì cành cây. Đất đỏ bazan mù mịt bùng lên từ bánh chiếc xe trước, xe sau cách 15 mét là không thể thấy đường đi. Thế nhưng, ra khỏi bìa rừng, cả một khoảng không gian có bình độ bằng phẳng, nép bên núi, đó là nơi cộng cư của đồng bào H’Mông tại tiểu khu 179.   
 
Giáo dục nơi đây đã đi vào ổn định. Ảnh: M.Đạo
Giáo dục nơi đây đã đi vào ổn định. Ảnh: M.Đạo
Ổn định từ giáo dục đến giá nông sản  
 
Hiện, tại thôn 2 có 18 hộ với 98 nhân khẩu và tại tiểu khu 179 có 95 hộ với 513 nhân khẩu. Họ là cư dân của 4 tỉnh di cư tự do vào từ cuối năm 2002 đến 2015; gồm 4 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên và Lai Châu. Đồng bào sống quần cư trên một khu đất bằng phẳng và màu mỡ, có đường ô tô vào tận nơi… Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực của huyện Đam Rông và sức phấn đấu vươn lên của chính đồng bào, nơi đây đang ngày càng có cuộc sống ổn định cao. Đó là nhà ở cơ bản, một số đã và đang tiếp tục nâng cấp thành nhà xây. Mỗi hộ đều có đất canh tác, trong đó chủ lực là hai loại cây cà phê và sắn. Thay mặt các hộ dân, Ma Seo Cháng, người duy nhất đã nhập khẩu ở Lâm Đồng ở thôn 5, xã Liêng Srônh cho đoàn biết khá nhiều thông tin rành rọt. Gia đình Ma Seo Cháng - bà Sùng Thị Dung có 6 người con; là hộ khá giả trong vùng, có 5 ha cà phê với 8 tấn nhân/năm, giá 45 - 46 ngàn/kg và mấy sào sắn có giá 2,8 ngàn/kg. Tôi vào nhà anh Thò A Sẻn cũng được biết nhà có 3 ha cà phê, thu hoạch 3 tấn vì còn thiếu vốn đầu tư. A Sẻn chỉ tay ra phía đầu bờ rào: “Nhà kia kìa, Sùng A Chỉnh thu hoạch nhiều hơn”. Đó là hộ đang chất nhiều gạch và xi măng trước sân để chuẩn bị làm nền. Theo Ma Seo Cháng, trung bình mỗi hộ khoảng 1 tấn cà phê trở lên và 1 tấn sắn. Nhiều hộ đã có ti vi, sử dụng năng lượng mặt trời; xe máy nhà nào cũng có… 
 
Tôi đến các phòng học thời điểm các học sinh đang chăm chỉ học bài. Đây là điểm trường Trường Tiểu học Liêng Srônh. Cô giáo Ka Iêng dân tộc người Châu Mạ, ở huyện Lâm Hà, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, phụ trách lớp 4D2 với 27 học sinh. Cô cho biết, mỗi tháng tổng thu nhập 6,5 triệu đồng… Đi qua lớp 1 của thầy giáo La Văn Phù, người dân tộc Nùng, quê ở Cao Bằng vào cư trú cùng anh chị tại xã Đạ Rsal. Cả 27 học sinh của thầy giáo Phù đều vui tươi và dạn dĩ khi tôi bước vào. Kế bên nữa là lớp 4D1 với 26 học sinh của Lãnh Văn Giang. Giang là người dân tộc Tày, từ Cao Bằng vào cư trú ở huyện Lăk. Thầy giáo Giang là một trong hai giáo viên đã có gia đình, nhưng vợ con ở nhà… Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liêng Srônh cho tôi biết: Toàn điểm trường có 5 lớp (trong đó 2 lớp 4 và 3 lớp 1, 2, 3; tổng số học sinh có 123 em, 100% là dân tộc H’Mông. Điểm trường có 4 phòng học, do đó buổi sáng học 4 lớp, buổi chiều 1 lớp, nhưng hầu như chiều nào cũng kín phòng vì các thầy cô phụ đạo. Mức độ duy trì sĩ số ở đây cơ bản ổn định 100%, chỉ có học sinh nào đó bất chợt “nhảy dù” vào học rồi bất chợt lại theo gia đình rời bản thì không tính. 5 giáo viên, đều có bằng tốt nghiệp về sư phạm, từ trung cấp đến cao đẳng; hàng tuần, thứ hai vào điểm trường ở tạm căn phòng công vụ rồi thứ sáu lại quay trở về nhà. Tất cả đều có đóng bảo hiểm xã hội và được thụ hưởng các chính sách theo điều kiện của ngành giáo dục huyện Đam Rông... 
 
Toàn cảnh làng dân cư H’Mông tại tiểu khu 179. Ảnh: M.Đạo
Toàn cảnh làng dân cư H’Mông tại tiểu khu 179. Ảnh: M.Đạo
Cần sớm quy hoạch định cư tại chỗ
 
Nhóm trưởng Ma Seo Cháng cho biết, từ cuối những năm 2002-2003, bà con người Mông đã định cư tại tiểu khu 179 này rồi; một số hộ khác vào sau này. Nghĩa là họ đã “an cư” tại vùng đất Liêng Srônh này 14-15 năm nay. Vì vậy, tính ổn định của một nếp sống là biểu hiện thấy rất rõ ở bản làng này. Anh Seo Cháng đề đạt với Phó Chủ tịch UBND Phạm S: Từ hơn 10 năm nay, bà con đã gửi đơn đến các cấp chính quyền đề đạt nguyện vọng được thành lập đơn vị hành chính thôn để sau triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong thôn, vì rất xa chính quyền xã. Mong muốn chính quyền quan tâm để bà con an cư lập nghiệp; thứ nữa là tạo điều kiện cho bà con có hộ khẩu thường trú, muốn vươn lên để có vốn đầu tư, mặc dù đã canh tác nhiều rồi. “Nếu bà con được giao đất giao rừng thì bà con sẽ quản lý được vì bà con có quyền nói không cho người này người kia phát”, ông Seo Cháng nói.
 
Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Bùi Văn Hởi cho biết: Trên 240 ha là tổng diện tích bà con dân tộc H’Mông đang định cư. Cũng là đất lâm nghiệp, bà con tự khai thác. Nếu mở được con đường 12 km vào đây thì rất tốt. Nếu nhập khẩu cho họ thì nay mai giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho chính những hộ này. Từ năm 2016 đến nay, không còn tình trạng bà con tiếp tục đến định cư. Vì vậy, cần có giải pháp phối hợp với các tỉnh nơi đi ở phía Bắc kiên quyết không để hộ dân nào tiếp tục đến nữa; đồng thời đối với các hộ đã định cư phải cam kết không được lấn chiếm đất lâm nghiệp nữa.     
 
Tôi gặp đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk, Phó Ban Bùi Công Tuấn bày tỏ: Nên để bà con định cư tại chỗ này nhưng cần khoanh lại diện tích sản xuất. Bà con được ổn định tại chỗ thì Ban cũng quản lý tiếp xúc dễ và nhờ đó mà tuyên truyền giáo dục công tác quản lý, bảo vệ và trồng rừng hiệu quả hơn rất nhiều. Còn báo cáo với tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - Liêng Hót Ha Hai cho biết: Đối với các hộ di cư tự do chưa được sắp xếp, những năm qua, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở và các đơn vị chủ rừng, thường xuyên kiểm tra, vận động, tuyên truyền để bảo đảm an ninh, trật tự, hạn chế phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đồng thời chỉ đạo chăm lo việc thực hiện chính sách an sinh xã hội như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, cử đội ngũ y tá, bác sĩ định kỳ vào chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh; đầu tư xây dựng nhà bán trú tại thôn 2, xã Liêng Srônh để vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các hộ di cư tự do này được tới trường. Khi các hộ dân di cư tự do chưa được bố trí sắp xếp có cuộc sống ổn định, đi lại rất khó khăn tạo áp lực cho huyện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và giải quyết an sinh xã hội ở địa phương. Với những thực tế nêu trên, huyện Đam Rông đã kiến nghị với tỉnh cho chủ trương sắp xếp ổn định các hộ dân đang định cư tại chỗ. Theo đó, bổ sung điểm dân cư này vào quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Lâm Đồng để sớm ưu tiên đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ nhân dân. 
 
Sau khi kiểm tra khảo sát thực tế cùng với lãnh đạo các ngành liên quan của tỉnh, Huyện ủy và UBND huyện Đam Rông…, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho rằng: Bước đầu ghi nhận nhiều mặt về kinh tế - xã hội của đồng bào H’Mông tại tiểu khu 179 cơ bản ổn định. Đây là điều kiện thuận lợi để hướng đến việc quy hoạch định cư tại chỗ. Tuy nhiên, ông Phạm S cũng căn dặn nhiều lần đối với người dân đang định cư tại tiểu khu 179 rằng, dứt khoát không được một hộ nào tiếp tục phá rừng hay lấn chiếm đất lâm nghiệp nữa. Ông nêu vấn đề: Mục đích đặt ra là ổn định đời sống tại chỗ, đảm bảo tổng diện tích này và cam kết không được vào rừng tác động đến lâm nghiệp. Bình quân mỗi hộ 2 ha đất canh tác, đưa giống mới, và tác động vốn thâm canh, cùng cán bộ kỹ thuật tập huấn hướng dẫn cho bà con là sẽ phát triển kinh tế khả quan. Trên cơ sở này, ổn định về hộ khẩu, đầu tư về giáo dục, y tế để bà con có cuộc sống ổn định lâu dài. Cùng đó là giao thông, điện tiếp tục nghiên cứu đầu tư… 
 
Ghi chép: MINH ĐẠO