Thỏa ước mơ thoát cảnh đói nghèo

08:03, 22/03/2017

Ông K'Bít ở thôn Preh Riyong, xã Phú Hội (Đức Trọng) được xem là tấm gương sáng, người tiên phong thay đổi tập quán canh tác truyền thống từ trồng lúa, ngô giá trị kinh tế thấp sang trồng hoa và các loại rau, màu thương phẩm. 

Ông K’Bít kiểm tra sản phẩm trước khi giao hàng. Ảnh: N.Brừm
Ông K’Bít kiểm tra sản phẩm trước khi giao hàng. Ảnh: N.Brừm
Ông K’Bít ở thôn Preh Riyong, xã Phú Hội (Đức Trọng) được xem là tấm gương sáng, người tiên phong thay đổi tập quán canh tác truyền thống từ trồng lúa, ngô giá trị kinh tế thấp sang trồng hoa và các loại rau, màu thương phẩm. 
 
Ông K’Bít cho biết: “Với 0,8 ha đất sản xuất, nếu chỉ trồng lúa, ngô như trước kia thì kinh tế gia đình tôi sẽ không thể nào khá lên được. Vì vậy, mình phải mạnh dạn thay đổi cách làm ăn; chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất từ những người đi trước, nhất là bạn bè ở các xã lân cận”. 
 
Những ngày đầu làm quen với mô hình sản xuất mới (trồng hoa lay-ơn, cà chua, đậu leo, bắp cải, ớt…), gia đình ông K’Bít cũng gặp không ít khó khăn. Không chùn bước, ông luôn chịu khó, vừa học vừa làm, dần dần ông K’Bít cũng đã nắm bắt được kỹ thuật và tích lũy kinh nghiệm canh tác hoa lay-ơn cũng như một số loại rau màu để về áp dụng trên những diện tích đất của gia đình.
 
Nhờ tích lũy dần từ 0,8 ha hoa, rau ban đầu, đến nay, gia đình ông đã đầu tư mua thêm gần 3 ha đất để mở rộng qui mô sản xuất, trong đó, 2 ha trồng hoa lay-ơn, gần 1 ha trồng rau màu, nuôi thả cá và kết hợp chăn nuôi đàn gia cầm… Với mô hình sản xuất rau, hoa mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của gia đình K’Bít đã có nhiều chuyển biến đáng kể; tổng thu nhập bình quân đạt 400 triệu đồng/năm.
 
Không những mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông K’Bít còn vận động, giúp đỡ nhiều hộ đồng bào về kiến thức khoa học kỹ thuật và vốn để bà con làm theo. Đến nay, nhiều hộ đồng bào DTTS ở thôn Preh Riyoung đã có đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Riêng hộ ông K’Bít trở thành một trong những gia đình có kinh tế khá giả nhất, nhì của thôn, xây dựng cơ ngơi rất khang trang. 
 
Tương tự, ông K’Bội ở thôn 4, xã Tam Bố (Di Linh) tuy chỉ học hết lớp 5, nhưng nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi… đến nay, ông là một trong những hội viên nông dân là người dân tộc thiểu số năng động và vinh dự được công nhận là “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”.
 
Ông K’Bội chăm sóc cà phê. Ảnh: N.Brừm
Ông K’Bội chăm sóc cà phê.
Ảnh: N.Brừm
Sau khi lập gia đình, phụ giúp gia đình vợ vực dậy kinh tế, xây cất nhà cửa… rồi ra ở riêng, K’Bội được gia đình vợ chia cho 5 sào đất màu, 3 sào ruộng lúa nước. Với mong muốn sớm thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, ông vừa đầu tư diện tích đất hiện có vừa khai phá và mua thêm, nên đến nay gia đình K’Bội đã có 4 ha cà phê. Nhưng điều trở ngại lớn nhất của ông, đó là vốn kiến thức KHKT còn nhiều hạn chế vì thế ông xin tham gia vào Hội Nông dân xã.
 
K’Bội cho biết: “Từ khi tôi được vào Hội nông dân, được hội quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, tôi cùng một số anh em trong thôn còn đi tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình sản xuất hiệu quả ở Lâm Hà…”. 
 
Với những kiến thức đã được trang bị, ông K’Bội đã bắt tay ngay vào việc chuyển đổi cà phê giống cũ năng suất thấp sang ghép cải tạo, trồng mới cà phê giống cao sản cho năng suất cao. Năm 2010, song song với việc ghép chồi 8 sào, ông còn trồng tái canh với diện tích 1,8 ha, đến nay đã cho năng suất khá ổn định và đạt 4 tấn/ha.
 
Ngoài cà phê, ông K’Bội đã trồng xen khoảng 500 gốc hồ tiêu, đến nay một số gốc cũng đã cho thu hoạch và tận dụng nước ao để duy trì nuôi cá… Hằng năm, ông đã tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động địa phương theo mùa vụ và 3 lao động thường xuyên với tiền công bình quân 3 triệu đồng/tháng.
 
“Nếu so với những người ở trong thôn, xã và ở các địa phương khác, thì tôi và gia đình tôi chưa phải là người giỏi, người giàu có. Nhưng tôi rất đỗi vui mừng vì trước hết mình cũng đã thỏa ước mơ thoát cảnh đói nghèo” - ông K’Bội phấn khởi.
 
NDONG BRỪM