"Mái nhà chung" Quý Anh

09:04, 24/04/2017

Quý Anh là tên một hợp tác xã chuyên gia công hàng len hoạt động tại Phường II (TP Bảo Lộc). Với nhiều chị em làm việc tại đây, Quý Anh như một "mái nhà chung" khi họ được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định với sự chăm chút, tận tâm của chủ nhân hợp tác xã là bà Trần Thị Diện. 

Quý Anh là tên một hợp tác xã chuyên gia công hàng len hoạt động tại Phường II (TP Bảo Lộc). Với nhiều chị em làm việc tại đây, Quý Anh như một “mái nhà chung” khi họ được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định với sự chăm chút, tận tâm của chủ nhân hợp tác xã là bà Trần Thị Diện. 
 
Bà Diện hướng dẫn người lao động đang học nghề tại HTX Quý Anh. Ảnh: Đ.A
Bà Diện hướng dẫn người lao động đang học nghề tại HTX Quý Anh. Ảnh: Đ.A
Từng là công nhân làm việc trong ngành dâu tằm tơ và may mặc, bà Diện hiểu rõ những nỗi khổ của người lao động. Cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong tổ chức công đoàn, trong việc quản lý điều hành sản xuất nên bà Diện cũng rất thông hiểu những mong mỏi của công nhân lao động. Khi về hưu vào năm 2012, bà luôn mang trong mình trăn trở làm sao tạo được công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, nhất là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, gặp trở ngại từ công việc gia đình nên không thể đi làm công nhân tại các công ty. Sau nhiều trăn trở và chuẩn bị, năm 2015, HTX Quý Anh chính thức đi vào hoạt động. Ngành nghề hoạt động chính của HTX là gia công sản phẩm may mặc mà chủ yếu là áo len. Ban đầu, bà Diện cũng phải “ngược xuôi” để tìm nguồn hàng từ các công ty ở các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai để cho 20 công nhân làm. Lâu dần, nguồn hàng ngày càng nhiều nên bà Diện đã lập các nhóm lao động không chỉ ở Bảo Lộc mà còn ở một số huyện, thành như Đà Lạt, Đức Trọng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh. Hiện, tổng số lao động làm việc cho HTX vào khoảng 100 người. Trong đó, Bảo Lộc có 60 người, còn lại là các nhóm ở huyện, thành. Lý giải về việc phải lập nhóm lao động tại các huyện, thành khác ngoài Bảo Lộc, bà Diện chia sẻ: “Đây cũng là một cách thức quản lý và sử dụng lao động cho hiệu quả. Bởi lẽ, nếu chỉ tập trung tại TP Bảo Lộc thì vào những thời điểm nguồn hàng nhiều mà lao động tại địa phương lại khan hiếm thì mình sẽ bị động. Xây dựng đội ngũ lao động trên phạm vi rộng là để mình chủ động thực hiện những hợp đồng có số lượng lớn”. 
 
Hầu hết người lao động khi đến HTX Quý Anh đều được đào tạo nghề miễn phí. Mỗi năm có khoảng 15 đến 20 lao động được bà Diện dạy nghề miễn phí, không những vậy, họ còn được miễn phí một suất cơm trưa trong suốt 3 tháng học nghề. Bà bảo, dạy nghề chủ yếu theo nhu cầu của người lao động. Thấy họ cần có một công việc ổn định mới tìm đến mình nên mình đảm nhận vai trò đào tạo nghề mà không nhận bất cứ một khoản thù lao hoặc sự hỗ trợ nào. Nếu không, mình tuyển lao động có tay nghề thì đã đỡ tốn kém và đỡ mất thời gian hơn. Trong số những lao động được đào tạo và đang làm việc cho HTX Quý Anh, có 10 phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm). Hoàn cảnh khó khăn, họ không thể tự mua máy móc để gia công sản phẩm, bà Diện sẵn sàng cho mượn máy về nhà làm. Trong suốt thời gian trò chuyện, thỉnh thoảng bà phải dừng lại để trả lời những cuộc gọi, giải đáp những thắc mắc về đơn hàng, chất lượng sản phẩm. Cũng có rất nhiều người đến nhận hoặc giao sản phẩm gia công. Theo chia sẻ của họ, việc nhận sản phẩm về gia công tại nhà giúp họ có thêm thời gian chăm lo cho gia đình, con cái, không bị bó buộc như khi phải đi làm công nhân cho các công ty. Trong khi đó, nguồn thu nhập cũng ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. 
 
Hiện tại, bình quân mỗi tháng, HTX Quý Anh gia công khoảng 12.000 - 15.000 sản phẩm. Đây là một con số khá lớn theo đánh giá của bà Diện. Bà cho biết: “Cơ sở của mình tương đối nhỏ nhưng uy tín và chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, nhiều đối tác đã đặt niềm tin và giới thiệu nhau tìm đến HTX để đặt hợp đồng gia công, trong đó, có cả những công ty Hàn Quốc, Nhật Bản...”. Nguồn hàng được đưa về sẽ được phân phối đi các nơi có nhóm lao động và giao cho các lao động tại địa phương. Sau khi gia công hoàn thiện, họ lại chuyển hàng về. Để đảm bảo chất lượng cho từng sản phẩm, tại HTX luôn có đội ngũ KCS để kiểm tra sản phẩm trước khi giao lại cho các đối tác. Với một HTX chuyên gia công thì con số doanh thu gần 7 tỷ đồng và nộp ngân sách địa phương hơn 500 triệu đồng vào năm 2016 là một con số không nhỏ. Và theo chia sẻ của bà Diện, so với mục tiêu ban đầu đặt ra thì đến nay hoạt động của HTX được xem là đã đạt mục tiêu. Trong suy nghĩ, bà không nghĩ quy mô HTX sẽ phát triển như hiện tại. Bà luôn nhắc về tuổi tác của mình, nhắc về cơ sở vật chất còn hạn hẹp nên bà chỉ muốn duy trì quy mô như hiện tại, không có ý định mở rộng. Thế nhưng, mong muốn được bố trí một quỹ đất để xây dựng HTX quy mô, bài bản hơn, để người lao động tại địa phương có một nơi làm việc ổn định, cũng được bà nhen nhóm và chia sẻ.
 
ĐÔNG ANH