Để bia rượu không còn là "ma" phá thôn, xóm

09:05, 12/05/2017

Trong khi nhiều nơi treo băng rôn, khẩu hiệu để nói về tác hại của việc sử dụng bia rượu thì ở thôn Đa Hoa (xã Tu Tra, Đơn Dương) cán bộ và người dân lựa chọn cách "rỉ tai" nhau phải tránh xa "ma men".

Trong khi nhiều nơi treo băng rôn, khẩu hiệu để nói về tác hại của việc sử dụng bia rượu thì ở thôn Đa Hoa (xã Tu Tra, Đơn Dương) cán bộ và người dân lựa chọn cách “rỉ tai” nhau phải tránh xa “ma men”.
 
Ông Ha Pall cùng thanh niên trong xóm chuẩn bị tiệc mừng cho một gia đình nhưng không quên nhắc nhở chuyện bia rượu. Ảnh: Đức Tú
Ông Ha Pall cùng thanh niên trong xóm chuẩn bị tiệc mừng cho một gia đình nhưng không quên nhắc nhở chuyện bia rượu. Ảnh: Đức Tú
Thôn Đa Hoa hiện có 233 hộ dân với  1.612 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và làm thuê làm mướn đã dẫn đến thói quen tiêu tốn thời gian và tiền bạc vào những cuộc rượu chè trong thời gian dài. Nhiều năm làm công tác mặt trận, ông Ha Pall - cán bộ Mặt trận thôn suy nghĩ, con người có nhiều loại “ma” nó rủ rê và lôi kéo mình vào con đường sai trái. Bia rượu khi quá đà thì trở thành “ma men”, tác hại không chỉ đến bản thân và còn liên lụy đến gia đình và xã hội. Đau ốm, tai nạn giao thông chính là hậu quả “nhãn tiền” mà ai ai ở cái thôn này cũng nhìn thấy.
 
Vận động người dân không uống rượu là một điều hết sức khó khăn, vì chung quy nếu họ không ra đường và không gây rối trật tự công cộng thì khó mà có lý do để ngăn cản họ. Ngay bản thân cán bộ Mặt trận Ha Pall cũng khá “gay cấn” khi làm công tác tư tưởng này cho bà con. Và, cách duy nhất là bản thân mình phải nêu gương, rồi đến gia đình, vợ con, dâu rể. Ông tâm sự một cách rất chân tình rằng: “Cán bộ phải thể hiện được vai trò nêu gương, nếu mình nói hay đến đâu mà vi phạm thì chẳng ai muốn nghe, đừng nói gì là làm theo. Dựng vợ gả chồng cho con cái tôi đều có lời ghi chú ở trong thiệp hồng rằng gia đình chỉ dọn nước ngọt thay cho bia rượu, mong khách đến dự thông cảm. Nhiều trường hợp tôi phải gọi điện để nhận được sự đồng tình từ khách quý của mình”.
 
Người già dễ dàng tiếp thu và nhận thức được tác hại của bia rượu nhưng đối với con trẻ thì điều này quả thực là một việc hết sức khó khăn. Thôn Đa Hoa có hơn 700 người trong độ tuổi lao động, đa phần là thanh niên, một lực lượng “hùng hậu” về sức lao động và cả mức độ “tiêu thụ” bia rượu. Nhiều năm trước, mỗi lần thanh niên tụ tập ăn nhậu là cả thôn lo lắng, vì một lẽ họ đã ăn nhậu là thâu đêm suốt sáng, từ ngày này sang hôm khác. Bỏ bê công việc, lời qua tiếng lại sinh ra cãi vã, động tay động chân làm huyên náo cả một vùng là cám cảnh những hộ dân xung quanh phải chịu đựng. 
 
Tiếp xúc với những thanh niên thôn Đa Hoa trong một dịp chuẩn bị tiệc mừng cho một gia đình, Ha Gian (SN 1994) đã nhận thức được rõ ràng tác hại của việc uống bia rượu. Ha Gian kể: “Thanh niên trong thôn trước đây sử dụng bia rượu rất nhiều, uống vào rồi chạy xe lạng lách đánh võng, ngã xe là chuyện như cơm bữa. Nhưng được sự giáo dục của gia đình cũng như ban công tác thôn, xóm em đã tự giác không uống một giọt bia rượu, vì không ích lợi gì cả, vui thì có vui mà hậu quả thì khôn lường. Nhiều lúc đi địa phương khác dự các tiệc cưới của bạn bè, ai cũng dùng bia rượu, chỉ mỗi mình em sử dụng nước ngọt thôi cũng kỳ quặc lắm, mình cứ nói đại là bị bệnh đang dùng thuốc tây nên bác sĩ bảo không được sử dụng. Thế là họ không bắt ép nữa, cũng thông cảm, nói dối mà không làm hại ai và đôi khi có lợi nữa thì cũng không thấy thẹn lòng”.
 
Không áp dụng cách tuyên truyền “đao to búa lớn”, người dân Đa Hoa tự giác từ bỏ bia rượu, người này truyền tai người khác, cha dạy cho con, anh bảo ban em, họ hàng khuyên giải lẫn nhau. Ngay em trai của Ha Gian là Ha Thế (SN1996) cũng noi theo gương của anh trai mình, quyết tâm không sử dụng bia rượu vì Ha Thế thường nghe anh trai của mình kể câu chuyện một người thân trong thôn xóm do sử dụng rượu bia quá mức dẫn đến bệnh tật, đang nằm nhà trong những cơn đau đến tận cùng xương tủy.
 
Rời Đa Hoa. Một thông tin đáng mừng được các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cho biết, bây giờ Đa Hoa đã giảm và hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng bia rượu. Nếu không tin thì hãy tham dự một đám cưới của thôn xóm sẽ được “mục sở thị” điều này.  
 
ĐỨC TÚ