Tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ

09:05, 02/05/2017

Bên cạnh việc đảm bảo các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tại địa phương thì trong thời gian gần đây, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Lạc Dương đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đem lại thu nhập và cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ.

Bên cạnh việc đảm bảo các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tại địa phương thì trong thời gian gần đây, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Lạc Dương đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đem lại thu nhập và cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ.
 
Vườn dâu được chăm sóc bởi chính bàn tay những người chiến sĩ. Ảnh: Hồng Thắm
Vườn dâu được chăm sóc bởi chính bàn tay những người chiến sĩ. Ảnh: Hồng Thắm
Nói về khu căn cứ Hậu cần - kỹ thuật của huyện, Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lạc Dương không khỏi tự hào: “Đây là mô hình đầu tiên được Quân khu 7 chọn làm mô hình điểm trong toàn Quân khu. Hiện khu căn cứ Hậu cần - kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình, với kinh phí trên 4 tỷ đồng, trong đó có hơn 2 ha diện tích được tận dụng để cán bộ chiến sĩ tăng gia sản xuất”. 
 
Từ cuối năm 2015, đầu năm 2016, căn cứ vào tình hình nhiệm vụ quân sự quốc phòng của huyện, huyện ủy, UBND huyện Lạc Dương đã thống nhất tạm bố trí một phần quỹ đất của địa phương giao cho quân sự quản lý để phục vụ cho mục đích quốc phòng. Mục đích của Căn cứ hậu cần - kỹ thuật (tại xã Đa Nhim) là đáp ứng các nhiệm vụ về quân sự quốc phòng trong thời bình và xây dựng các công trình thế phòng thủ của huyện trong thế trận phòng thủ chung của cả tỉnh; đồng thời tận dụng quỹ đất còn trống để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. 
 
Và năm 2016, Ban CHQS huyện Lạc Dương được ghi nhận là đơn vị vượt khó vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành lá cờ đầu của phong trào thi đua trong toàn tỉnh. Trong đó không thể không nhắc đến thành tích trong việc tăng gia sản xuất của đơn vị.
 
Nói về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh cho hay, 2 năm trở lại đây, công tác hậu cần, tăng gia sản xuất luôn được chỉ huy đơn vị chú trọng và đẩy mạnh thực hiện thành một phong trào rộng khắp, thường xuyên trong tất cả cán bộ, chiến sỹ. Hiện tại, diện tích đất tăng gia sản xuất của huyện đội Lạc Dương được mở rộng hơn 2 ha. Trong đó các cây trồng chủ yếu gồm các loại rau xanh như sú, súp lơ, cải thảo, cây atiso… Ngoài ra đơn vị còn xây dựng một hồ nuôi cá với diện tích mặt nước là 3,5 sào. Đó vừa là nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệpđồng thời tăng thêm thực phẩm phục vụ bữa ăn của cán bộ chiến sỹ trong đơn vị. Việc tăng gia sản xuất hiệu quả không chỉ đáp ứng đủ rau sạch cho bữa ăn hàng ngày của cán bộ chiến sĩ, mà đáng nói hơn là sản phẩm tăng gia của huyện đội Lạc Dương còn cung cấp ra thị trường hàng chục tấn mỗi vụ, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi quý. 
 
Không chỉ dừng lại ở tăng gia sản xuất thông thường, Ban chỉ huy quân sự huyện đội Lạc Dương còn mạnh dạn đầu tư trồng dâu tây công nghệ cao. 
 
Vườn dâu công nghệ cao trồng trong nhà kính được Ban CHQS đưa vào xây dựng từ đầu năm 2016 với số tiền đầu tư lên tới 700 triệu đồng. Để có được vườn dâu này, cán bộ chỉ huy huyện đội Lạc Dương đã mất nhiều ngày công mày mò học hỏi trong các vườn dâu công nghệ cao ở Đà Lạt và các doanh nghiệp sản xuất dâu tây xuất khẩu trên địa bàn huyện. Hiện 1.000 m 2 với số lượng 14 ngàn cây dâu đang cho năng suất trung bình là 25 - 30 kg/ngày. Hằng ngày, sau giờ làm việc, huấn luyện, hầu hết cán bộ, chiến sĩ tập trung vào việc chăm sóc, chia sẻ những kinh nghiệm đã học hỏi được.
 
Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm, tận dụng lợi thế là địa phương đi đầu trong cả nước về sản xuất rau công nghệ cao, Ban CHQS huyện có cơ hội tiếp cận với nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn để tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị có lợi thế về nhân lực và đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó ham học hỏi của người lính đơn vị hoàn toàn có thể tăng gia theo hướng công nghệ cao. Vườn dâu của đơn vị mặc dù đã cho thu hoạch với kết quả khả quả song vườn dâu vẫn chưa đạt hết công suất, nhưng với đầu ra ổn định khi đã ký hợp đồng tiêu thụ với công ty thì hiện cán bộ chiến sĩ ở đây hoàn toàn yên tâm vào kết quả khả quan trong tương lai. Sản phẩm dâu hiện được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 180.000 đồng/kg. Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cũng không ít lần gặp phải khó khăn về kỹ thuật trồng và chăm sóc, cán bộ chiến sỹ thuộc Ban CHQS đang dần hoàn thiện để tìm ra công thức chăm sóc “chuẩn nhất”.
 
Sau mỗi ngày làm việc, đến “giờ thứ 8” tăng gia sản xuất, cán bộ chiến sĩ của Ban CHQS tiến hành tập trung chăm sóc, cùng nhau trao đổi và học tập kinh nghiệm. Nhưng quan trọng hơn cả, mục tiêu mà anh thượng tá Nguyễn Tuấn Anh cùng lãnh đạo Ban CHQS nhắm đến là từ mô hình này của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ sẽ có điều kiện trực tiếp để học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật để phát triển kinh tế tại gia đình.
 
HỒNG THẮM