Tăng sức hút của hàng Việt về nông thôn

08:05, 16/05/2017

Để hàng Việt trở thành thói quen tiêu dùng của người dân địa phương, năm 2017, Lâm Đồng tiếp tục triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, tăng cường sức hút của hàng Việt và các sản phẩm thế mạnh của các doanh nghiệp địa phương.

Để hàng Việt trở thành thói quen tiêu dùng của người dân địa phương, năm 2017, Lâm Đồng tiếp tục triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, tăng cường sức hút của hàng Việt và các sản phẩm thế mạnh của các doanh nghiệp địa phương.
 
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ảnh V.Báu
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ảnh V.Báu
Theo báo cáo từ Phòng Quản lý thươn mại, Sở Công thương Lâm Đồng: Năm 2016, Lâm Đồng đã tổ chức trên 20 kỳ hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh. 
 
Qua các phiên chợ đã thu hút trên 70.000 lượt người đến tham quan và mua sắm, doanh số mỗi kỳ hội chợ đạt từ 300 triệu - 1 tỷ đồng, với các sản phẩm hàng Việt Nam và của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 
 
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đây không chỉ là cầu nối mà còn tạo nên những hiệu ứng tích cực giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. 
 
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn năm 2017 được tổ chức tại huyện Cát Tiên từ ngày 11-13/5/2017, với 39 gian hàng của 35 doanh nghiệp tham gia. Các sản phẩm chủ yếu là lương thực thực phẩm, hàng gia dụng… 

Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: Từ những kết quả đạt được trong những năm vừa qua, năm 2017, ngành công thương xác định nhiệm vụ trọng tâm đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đó chính là tăng cường sức hút của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Hằng năm, Sở Công thương vẫn liên tục tổ chức các phiên chợ, kỳ hội chợ đưa hàng Việt về các huyện, xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, điều này đã tạo được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng, bây giờ phải làm sao để người tiêu dùng thực sự yêu thích, lựa chọn hàng Việt, đó là phải tăng sức hút cho các phiên chợ, muốn làm được điều đó thì ngoài việc tuyên truyền, vận động, quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm mà các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp địa phương đưa đến cho người tiêu dùng.

 
Cũng theo ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Lâm Đồng: Tại các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, 100% các mặt hàng được bày bán đều là các sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo. Hàng hóa tham gia chương trình chủ yếu tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng… mẫu mã ngày càng đa dạng, giá cả hợp lý nên hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng nông thôn ưa chuộng, ưu tiên chọn lựa. 
 
Có thể đánh giá, kết quả nổi bật nhất trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đó là tạo được sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, thói quen của người tiêu dùng, thay đổi thói quen mua sắm theo hướng ưu tiên hàng Việt. 
 
Đồng thời, tăng cường kiến thức nhận diện sản phẩm, đánh giá đúng chất lượng sản phẩm Việt so với các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trôi nổi trên thị trường.
 
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng cũng chia sẻ: Tham gia các kỳ hội chợ, Chương trình hàng Việt về nông thôn cũng như các chương trình xúc tiến thương mại của Lâm Đồng, doanh nghiệp chúng tôi thấy hiệu quả rõ rệt của chương trình này, các sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, doanh thu sản phẩm cũng tăng theo từng năm. Thực tế thì số lượng hàng bán ra tại các phiên chợ, hội chợ vẫn chưa thật sự cao, tuy nhiên về lâu dài, thương hiệu của doanh nghiệp lại được biết đến, người tiêu dùng cũng dần so sánh và yêu thích sản phẩm, tạo chỗ đứng bền vững cho sản phẩm. Và để có kết quả đó thì doanh nghiệp cần phải đưa ra những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng để bắt kịp với thị hiếu tiêu dùng.
 
Để tăng sức hút của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các ngành chức năng, các cấp chính quyền và ngay chính các doanh nghiệp cũng cần một chiến lược “dài hơi” đồng bộ và hiệu quả. Không chỉ là vấn đề bán lẻ, số lượng hàng hóa được bán tại chỗ tại các phiên chợ mà còn tạo cơ hội để người tiêu dùng nhìn nhận được chất lượng của hàng Việt, từ đó ưu tiên dùng hàng Việt, đặc biệt là phân khúc thị trường nông thôn. Để làm được điều đó: “Cần phải có những giải pháp thiết thực trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp phát triển điểm bán hàng cố định tại địa phương, triển khai hiệu quả chương trình kết nối nhà sản xuất, nhà phân phối để hàng hóa, sản phẩm đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất. Qua đó, tăng cường kiểm soát thị trường, hàng gian, hàng giả, chống các hành vi bán phá giá, hàng kém chất lượng… bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”- ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng nhấn mạnh. 
 
DIỄM THƯƠNG