Trữ sữa cho con

09:05, 19/05/2017

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tiến hành lắp đặt cabin vắt, trữ sữa tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ trong tỉnh. Việc làm này đã góp phần hỗ trợ cho nữ công nhân tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến ít nhất là 24 tháng tuổi, giúp trẻ có sự khởi đầu tốt nhất.

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tiến hành lắp đặt cabin vắt, trữ sữa tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ trong tỉnh. Việc làm này đã góp phần hỗ trợ cho nữ công nhân tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến ít nhất là 24 tháng tuổi, giúp trẻ có sự khởi đầu tốt nhất.
 
Công nhân Công ty Đà Lạt Hasfarm, Công ty Merkava đang tìm hiểu về máy vắt sữa. Ảnh: Thy Vũ
Công nhân Công ty Đà Lạt Hasfarm, Công ty Merkava đang tìm hiểu về máy vắt sữa. Ảnh: Thy Vũ
Hiệu quả thiết thực
 
Mới đây, LĐLĐ tỉnh đã bàn giao cabin vắt, trữ sữa giao cho nữ công nhân Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm (chi nhánh Đạ Ròn, huyện Đơn Dương). Phòng vắt, trữ sữa có diện tích hơn 6m2, được trang bị thêm tủ lạnh để bảo quản sữa mẹ, bồn rửa tay và một số ghế để chị em ngồi vắt sữa một cách kín đáo; poster vừa trang trí cho cabin thêm sinh động, vừa để hướng dẫn chị em các thao tác vắt, bảo quản và trữ sữa mẹ. 
 
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn trang bị 2 máy vắt sữa chuyên dụng. Sữa sau khi vắt được đựng vào các bình, chai sạch, bảo quản lạnh để sau giờ làm việc, mẹ mang sữa về cho con mà không bị hỏng, trẻ có thể sử dụng bình thường. 
 
Chi nhánh Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm tại Đạ Ròn hiện có khoảng 1.100 công nhân nữ/1.600 công nhân. Trong đó, công nhân ở độ tuổi sinh và nuôi con nhỏ là khoảng 900 người. Chị Cao Thị Thanh Liêm - Chủ tịch Công đoàn Công ty Đà Lạt Hasfarm cho biết: “Đây là một việc làm thật sự rất thiết thực. Sau khi mô hình trên đưa vào hoạt động, nếu thật sự hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục lắp đặt các cabin vắt trữ sữa tại các cơ sở khác của Công ty”.
 
Chị Phan Thị Tuyết Thu (Quản đốc bộ phận hoa) cũng phấn khởi nói thêm: “Tôi đang nuôi con nhỏ 8 tháng tuổi. Từ lúc đi làm lại tới nay, vì nhà xa nên tôi đi từ sáng, tới chiều mới về cho con bú được. Giờ có cabin vắt, trữ sữa rồi, tôi thấy vui lắm vì có thể tranh thủ vắt, trữ sữa cho con bất cứ lúc nào”.
 
 Công ty Merkava (Khu Công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) cũng vừa được LĐLĐ tỉnh trang bị một cabin vắt trữ sữa. “Công ty Merkava hiện có gần 500 lao động nữ/550 lao động. Việc LĐLĐ tỉnh trang bị máy vắt, trữ sữa tại Công ty là một việc làm rất thiết thực vì bình thường, chị em nhà ở xa thì đi từ sáng tới tối không cho con bú được; các bạn nhà ở gần thì trưa xin về được một chút cũng mất thời gian. Vì vậy, khi có máy vắt, trữ sữa rồi, chị em yên tâm làm việc mà Công ty cũng được lợi vì công việc không bị gián đoạn” - Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch CĐCS Công ty Merkava nói.
 
Chị Trần Thị Vân (bộ phận may chuyền 4) cũng không giấu nổi xúc động: “Tôi sinh em bé mới đi làm được gần 2 tháng nay. Vì thuê trọ ở tận Lộc An nên sáng đi làm, tối tôi mới về cho con bú được, nhiều khi sữa về mà không biết làm sao, phải vào nhà vệ sinh vắt bỏ đi, trong khi con ở nhà thì thèm sữa mẹ. Giờ ngày nào cũng tranh thủ vắt sữa để dành về cho con, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm!”.
 
Cần sự chung tay của các doanh nghiệp
 
Theo bà Vũ Mỹ Hạnh - Trưởng ban Nữ công LĐLĐ tỉnh, từ sự hỗ trợ trang bị cabin vắt, trữ sữa tại Công ty Dream Vina 3 năm nay, qua thống kê cho thấy, hàng ngày, có trên 10 lượt chị em sử dụng cabin vắt, trữ sữa. Trước hiệu quả thiết thực mà mô hình này mang lại LĐLĐ tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ không chỉ tiết kiệm chi phí cho người lao động mà còn có lợi cho doanh nghiệp bởi sữa mẹ giúp trẻ tăng sức đề kháng cho trẻ nên mẹ ít phải xin nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con. 
 
“Lao động nữ trên địa bàn tỉnh chiếm gần 60%, vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi rất muốn nhân rộng mô hình này và mong  các cấp, các ngành, nhất là các chủ doanh nghiệp chung tay tạo điều kiện hỗ trợ lắp đặt nhiều cabin vắt, trữ sữa tại nơi làm việc có nữ CNVCLĐ. Đó cũng là cách giúp cho trẻ có một sự khởi đầu tốt nhất từ nguồn sữa mẹ” - bà Vũ Mỹ Hạnh nói thêm. 
 
THY VŨ