Hương ước, quy ước và bản sắc văn hóa

09:06, 01/06/2017

Dù phong tục, đời sống văn hóa có khác nhau nhưng người dân Tân Thanh (Lâm Hà) biết sống hòa hợp, cùng nhau chung sống, làm ăn nhờ phát huy vai trò của hương ước, quy ước. Qua đó, không những phát triển kinh tế mà còn giữ gìn phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 

Dù phong tục, đời sống văn hóa có khác nhau nhưng người dân Tân Thanh (Lâm Hà) biết sống hòa hợp, cùng nhau chung sống, làm ăn nhờ phát huy vai trò của hương ước, quy ước. Qua đó, không những phát triển kinh tế mà còn giữ gìn phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 
 
Hương ước, quy ước góp phần xây dựng Tân Thanh ngày càng giàu, mạnh. Ảnh: H.Y
Hương ước, quy ước góp phần xây dựng Tân Thanh ngày càng giàu, mạnh. Ảnh: H.Y
Xây dựng hương ước, quy ước
 
Tân Thanh là xã vùng sâu, vùng xa có 12 dân tộc đến từ 39 tỉnh, thành khác nhau, hơn 3.200 hộ với 13.000 người sinh sống.
 
Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Hòa Bình, Lê Văn Phán chia sẻ: Tân Thanh là một trong những xã phần lớn là dân di cư từ nhiều nơi khác đến đây, để ổn định đời sống cho bà con, những người có uy tín đối với cộng đồng cùng với người dân đã đứng ra soạn thảo, góp ý bản hương ước, quy ước dưới sự giám sát, công nhận của chính quyền. Hương ước không chỉ quy định nghĩa vụ của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng mà còn định rõ trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống thường nhật. Đồng thời, khuyên răn mọi người ăn ở hòa thuận theo đúng đạo hiếu gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, góp phần phát huy đức tính truyền thống tốt đẹp và quý báu. 
 
Cứ mỗi năm một lần, thông qua hội nghị toàn dân, người dân lại chung tay xây dựng, sửa đổi lại hương ước, quy ước cho sát với tình hình thực tế như: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; chủ trương vay vốn phát triển kinh tế…, được chính quyền địa phương phê duyệt. Đặc biệt, ở một số thôn còn đưa nội dung về bảo vệ, phát triển rừng, định canh, định cư, chống các phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan… “Nếu hộ gia đình nào vi phạm các cam kết trong bản hương ước thì sẽ bị đưa ra kiểm điểm, phê bình trước mọi người, nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị dân làng chê cười, cách ly quan hệ; và ngược lại, hộ nào thực hiện tốt các quy định sẽ được đề nghị khen thưởng”.
 
Xã Tân Thanh có 11 thôn thì cả 11 thôn đều xây dựng được hương ước, quy ước, chính vì vậy đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở đây không ngừng được nâng cao hơn.
 
Nâng cao đời sống văn hóa mới
 
Lâu dần, các quy định trong hương ước, quy ước đi sâu vào nếp nghĩ, lối sống của người dân Tân Thanh. Vì vậy, trước khi làm việc gì, người dân đều cân nhắc xem có phù hợp với quy ước, hương ước của thôn hay không. Nội dung các hương ước, quy ước ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, chủ yếu tập trung vào điều chỉnh các quan hệ tự quản tại cộng đồng dân cư, như: Bảo vệ trật tự trị an, phát triển sản xuất, giải quyết các tranh chấp, phòng chống tệ nạn xã hội... Đặc biệt, việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống, nề nếp gia phong của gia đình, dòng họ luôn được đặt lên hàng đầu. Theo đó, ông bà phải sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con cháu trở thành người có ích cho xã hội; còn con cháu phải hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Hàng xóm, láng giềng đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất lẫn khi hoạn nạn, khó khăn.
 
Ở nhiều thôn trong xã còn chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào xây dựng quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa, như: Thanh niên nam, nữ kết hôn đúng tuổi quy định; vận động nhân dân đóng góp xây dựng các quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, “Khuyến học”... Một số quy định của hương ước, quy ước cũng đã được lồng ghép vào các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới” thu hút được số đông nhân dân hưởng ứng tham gia… Nhờ thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và ban hành quy ước, hương ước, tại Tân Thanh các đám cưới, đám tang, mừng thọ đã tổ chức tiết kiệm, không phô trương, hình thức, ăn uống linh đình dài ngày… 
 
Ông Nhữ Văn Hiếu - Phó chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết, những năm qua, nhờ chấp hành những quy định, ràng buộc từ hương ước, quy ước vấn đề an ninh trật tự của các thôn luôn được đảm bảo, duy trì cuộc sống bình yên cho người dân. Mọi việc trong thôn từ việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ngăn chặn bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội… và tham gia xây dựng nếp sống mới được bà con đồng lòng thực hiện. Nhiều năm qua, xã Tân Thanh trở thành xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới của Lâm Hà, đời sống của người dân trong xã ngày càng khấm khá, thu nhập bình quân đầu người của xã khoảng 39 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh chỉ còn 7,39%.
 
Nhìn nhận về giá trị của hương ước, quy ước, ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà chia sẻ: Hương ước, quy ước ra đời nhằm giữ gìn và phát huy các thuần phong mỹ tục của quê hương, đề cao các chuẩn mực đạo đức và tập quán tốt đẹp của người dân, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát triển các hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh và tiến bộ xã hội; phát huy tình đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Vì vậy, ngoài xã Tân Thanh, huyện cũng khuyến khích và tạo cơ chế hỗ trợ các thôn, xã khác trên địa bàn xây dựng và phát huy giá trị hương ước, quy ước thôn. Đây sẽ là cầu nối giữa người dân và chính quyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, phát luật của Nhà nước đến người dân một cách gần gũi, nhanh chóng nhất”.
 
PHONG VÂN