Siết chặt quản lý, đẩy lùi thực phẩm bẩn

09:06, 27/06/2017

UBND huyện Đức Trọng quyết tâm ngăn chặn, hạn chế tình trạng mất vệ sinh ATTP, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt trong năm 2017, huyện sẽ siết chặt hơn việc quản lý với nỗ lực đẩy lùi thực phẩm bẩn.

Từ năm 2011 - 2016, thống kê trên địa bàn Đức Trọng xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thức ăn đường phố làm hơn 150 người mắc. UBND huyện Đức Trọng quyết tâm ngăn chặn, hạn chế tình trạng mất vệ sinh ATTP, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt trong năm 2017, huyện sẽ siết chặt hơn việc quản lý với nỗ lực đẩy lùi thực phẩm bẩn.
 
Nhiều người ngộ độc thức ăn đường phố do ăn bánh mì nhiễm khuẩn đã nhập viện điều trị tại Khoa Lây - BVĐK tỉnh. Ảnh: An Nhiên
Nhiều người ngộ độc thức ăn đường phố do ăn bánh mì nhiễm khuẩn đã nhập viện điều trị tại Khoa Lây - BVĐK tỉnh. Ảnh: An Nhiên
Trên địa bàn huyện Đức Trọng hiện có 2.261 cơ sở thực phẩm. Trong đó có 534 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 780 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 336 cơ sở dịch vụ ăn uống, 77 bếp ăn tập thể và 534 cơ sở thức ăn đường phố. 
 
Theo thói quen người dân sử dụng các loại thức ăn đường phố ngày càng phổ biến bởi ưu thế tiện lợi, giá thành rẻ. Các loại thức ăn này cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các dịch bệnh liên quan đến thực phẩm rất cao. Từ năm 2011 - 2016, thống kê trên địa bàn Đức Trọng xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thức ăn đường phố làm hơn 150 người mắc. Ngộ độc thức ăn chủ yếu xảy ra ở tại các xã vùng ven, vùng có tỉ lệ dân nhập cư cao, còn khó khăn về kinh tế và kiến thức thực hành ATTP còn hạn chế. 
 
Di Linh: Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm 
 
Trong thời gian gần đây, huyện Di Linh đã tăng cường công tác quản lý và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). UBND huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và đã tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Trong số 598 cơ sở được kiểm tra từ đầu năm 2017 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 52 cơ sở vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý ATVSTP. Các cơ sở vi phạm đã được lập biên bản và nhắc nhở, xử lý theo quy định. 
 
Cùng với việc tăng cường quản lý ATVSTP, huyện Di Linh cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành y, dược, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Đoàn đã tiến hành kiểm tra đợt 1 được 51 cơ sở và đã phát hiện 3 cơ sở vi phạm. Các cơ sở vi phạm đã bị xử lý đóng cửa, tháo dỡ bảng hiệu và xử phạt vi phạm hành chính.                                                         XL

Qua kiểm tra, thanh tra có đến 70% số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn huyện Đức Trọng chưa đáp ứng được các điều kiện về kinh doanh thức ăn đường phố theo Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế (ngày 5/12/2012) quy định về điều kiện ATTP, đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố phải đáp ứng đủ tiêu chí về nơi bảo quản thức ăn, khu ăn uống thoáng mát… 

 
Thực tế, đa số hàng quán đều thô sơ, thiếu trang thiết bị bảo quản thức ăn, nguồn nguyên liệu đầu vào không rõ nguồn gốc và được mua bán tại các chợ cóc, chợ tạm, người bán hàng đều dùng tay trần bốc thức ăn, việc bảo quản, chế biến thực phẩm chứa đựng nguy cơ mất ATTP cao. Thông qua công tác kiểm tra ATTP tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cho thấy lỗi vi phạm chủ yếu là không có Giấy xác nhận kiến thức vệ sinh ATTP, giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm…
 
Bà Phạm Thị Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết: Thực hiện Thông tư 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014 của Bộ Y tế “Hướng dẫn quản lý ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống” và Quyết định 539/QĐ-SYT ngày 17/11/2014 của Sở Y tế Lâm Đồng về việc ban hành quy định phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý nhà nước về ATTP trong ngành Y tế”, với tinh thần quyết tâm từng bước kiểm soát điều kiện vệ sinh ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, UBND huyện Đức Trọng đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường quản lý thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. 
 
Các hoạt động đã triển khai trong thời gian qua như: Kiện toàn Ban chỉ đạo về vệ sinh ATTP của huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban; chỉ đạo quyết liệt UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ thức ăn đường phố theo đúng thẩm quyền được phân cấp, trong đó trạm y tế là đơn vị thường trực tham mưu cho UBND các xã, thị trấn thực hiện quản lý và kiểm tra định kỳ, hàng năm các cơ sở thức ăn đường phố. Phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống quản lý ATTP trên địa bàn huyện; tăng cường hoạt động liên ngành trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP. Đồng thời, huyện ban hành đầy đủ các văn bản về quản lý, tổ chức, chỉ đạo, triển khai liên quan đến ATTP, tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động giám sát ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm đã được các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kinh tế và Hạ tầng của huyện chủ động thực hiện theo từng nhóm hàng, ngành hàng, nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
 
Tuy nhiên, trong thực tế, theo phân cấp các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thuộc UBND các xã, thị trấn quản lý, nhưng hiện nay chính quyền cấp xã chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện nên công tác kiểm tra, quản lý cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở tuyến xã còn gặp nhiều khó khăn.
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng, với quyết tâm ngăn chặn, hạn chế tình trạng mất vệ sinh ATTP, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, chính quyền huyện đã có nhiều chỉ đạo sát sao và quyết liệt. Đặc biệt, trong năm 2017, huyện Đức Trọng sẽ siết chặt hơn việc quản lý với nỗ lực đẩy lùi thực phẩm bẩn. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP tạo điều kiện nâng cao nhận thức của người dân, người kinh doanh thức ăn đường phố, nâng cao kiến thức hiểu biết đúng, thực hành đúng về ATTP cho người kinh doanh. Tất cả các cấp quản lý từ huyện đến xã, thị trấn có kế hoạch bảo đảm ATTP buôn bán trên hè phố. Các cán bộ làm công tác quản lý, chuyên trách ATTP được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với các hàng quán sẽ được thống kê đưa vào quản lý và có cam kết đảm bảo điều kiện ATTP. Trong đó, 99% người kinh doanh thức ăn đường phố sẽ được tập huấn về ATTP, có giấy xác nhận kiến thức ATTP và có giấy khám sức khỏe, đảm bảo 99% hàng quán đạt điều kiện bảo đảm ATTP theo nội dung Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.  
                      
AN NHIÊN