Lâm Hà: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong phát triển trang trại chăn nuôi

09:07, 31/07/2017

Thực trạng chăn nuôi, nhất là ở quy mô trang trại trên địa bàn cho thấy lượng chất thải quá lớn nên huyện Lâm Hà đã có nhiều giải pháp quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thực trạng chăn nuôi, nhất là ở quy mô trang trại trên địa bàn cho thấy lượng chất thải quá lớn nên huyện Lâm Hà đã có nhiều giải pháp quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
 
Phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: H.Y
Phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: H.Y
Đưa công nghệ vào chăn nuôi trang trại
 
Hiện nay các trang trại chăn nuôi tập trung nhiều ở các xã Mê Linh, Phúc Thọ, Tân Thanh, thị trấn Đinh Văn, Gia Lâm… Đa số các trang trại đang hợp đồng nuôi gia công với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P). Các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ hầu hết tất cả các xã đều có, trong đó thị trấn Đinh Văn và Nam Ban chiếm số lượng khá nhiều.
 
Trên địa bàn huyện hiện có 138 trang trại chăn nuôi. Trong đó 95 trang trại chăn nuôi heo (67 trang trại chăn nuôi gia công, 28 trang trại do các hộ tự đầu tư chăn nuôi) và 13 trang trại chăn nuôi gà (12 trang trại chăn nuôi gà gia công, 1 trang trại do hộ dân đầu tư chăn nuôi). Bình quân mỗi trang trại có tổng vốn đầu tư từ 300-400 triệu đồng, đặc biệt có trang trại có vốn đầu tư ban đầu trên 5 tỷ đồng, giá trị sản xuất 250-300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên và lao động thời vụ. 

Bà Cao Bích Thủy tại thôn Buôn Chuối, xã Mê Linh - một trong những nông dân đầu tiên tại địa phương đầu tư xây dựng trang trại trên diện tích 5 ha đất. Bà Thủy đã liên doanh với Công ty C.P để nuôi gia công với quy mô 700 con heo theo mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín. Với ưu thế diện tích đất trang trại rộng rãi, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc và chăn nuôi nên hiệu quả kinh doanh của trang trại ngày một tăng cao và đến nay bà đã mở rộng ra 5 trang trại với quy mô 3.000 con heo. Đặc biệt, ngay từ khi đi vào hoạt động, khâu vệ sinh được trang trại nhà bà Thúy thực hiện thường xuyên, chất thải của vật nuôi được phân loại để xử lý riêng, trong đó phân được thu gom bán lại cho những hộ nông dân bón cây, còn lại toàn bộ nước thải, nước tắm, rửa chuồng của vật nuôi được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về các bể biogas xử lý rồi mới xả thải ra môi trường. 

 
Tương tự, ông Trương Mạnh Hữu cùng thôn  đầu tư hàng tỷ đồng vào xây dựng chuồng trại, để chăn nuôi gà đẻ, vào thời điểm hiện tại,  mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 3 triệu quả trứng. Hệ thống chuồng trại được thiết kế khoa học với 2 dãy chuồng chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín, có hệ thống quạt gió lọc khí tự động. Nhờ áp dụng các công nghệ tiên tiến vào quy trình chăn nuôi nên trang trại của ông liên tục thu lợi nhuận cao. 
 
Nhờ triển khai các mô hình trang trại chăn nuôi tiên tiến, đầu tư công nghệ, chăn nuôi kết hợp trồng trọt mà hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
 
Lập quy hoạch để bảo vệ môi trường
 
Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế, tuy nhiên, việc chăn nuôi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực. Quá trình chăn nuôi làm phát sinh mùi hôi và nước thải gây ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay trên địa bàn huyện, tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi vẫn còn diễn ra. Đặc biệt tại các cơ sở chăn nuôi hộ gia đình nằm trong khu dân cư như thị trấn Nam Ban, thị trấn Đinh Văn, xã Mê Linh... 
 
Ông Vũ Bá Yêu, Phó trưởng Phòng NN và PTNT  huyện Lâm Hà cho biết, hiện có 43/96 cơ sở chăn nuôi nằm gần khu dân cư hiện hữu. Đa số các hộ gia đình phát triển kinh tế từ chăn nuôi trên đất ở của gia đình từ lâu nên việc di dời khá khó khăn. Nhiều cơ sở chăn nuôi xây dựng trước khi có dân cư nên diện tích đất khá nhỏ, nằm sát với các hộ dân xung quanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư hệ thống xử lý còn rất hạn chế. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi heo, trong thời gian tới, chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, từng bước hạn chế chăn nuôi xen kẽ trong các khu dân cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các hộ chăn nuôi. Xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu chăn nuôi tập trung trọng điểm; triển khai các mô hình chăn nuôi tiên tiến, chăn nuôi kết hợp trồng trọt, các mô hình xử lý chất thải tại các khu chăn nuôi tập trung. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đưa vào ứng dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sử dụng công nghệ sạch trong chăn nuôi như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải chăn nuôi cho các trang trại chăn nuôi, công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn. Mục tiêu, đưa Lâm Hà trở thành huyện đi đầu trong phát triển chăn nuôi trang trại theo Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng 2030”.
 
HOÀNG YÊN