Làng nghề nâng cao chất lượng kén tằm

09:07, 11/07/2017

Hai làng nghề trồng dâu nuôi tằm Đông Anh 3 và Đông Anh 5 của thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà những ngày này vui mừng bởi giá kén ổn định ở mức khá. Và đi cùng với giá kén tăng, người trồng dâu nuôi tằm cũng chủ động đảm bảo kỹ thuật, nâng cao chất lượng kén, gia tăng thu nhập. 

Hai làng nghề trồng dâu nuôi tằm Đông Anh 3 và Đông Anh 5 của thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà những ngày này vui mừng bởi giá kén ổn định ở mức khá. Và đi cùng với giá kén tăng, người trồng dâu nuôi tằm cũng chủ động đảm bảo kỹ thuật, nâng cao chất lượng kén, gia tăng thu nhập. 
 
Gỡ kén tằm tại Đông Anh 5, Nam Ban, Lâm Hà. Ảnh: D.Q
Gỡ kén tằm tại Đông Anh 5, Nam Ban, Lâm Hà. Ảnh: D.Q
Thị trấn Nam Ban có tới 60% dân số trồng dâu nuôi tằm và với hai làng nghề đã được công nhận nghề truyền thống. Không thể mở rộng  diện tích đất trồng dâu nuôi tằm nên các hộ phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng kén nhằm đạt thu nhập cao nhất trên một diện tích trồng dâu. Bà Nguyễn Thị Xuyến, ở Đông Anh 5, người đã có hàng chục năm gắn bó với cây dâu con tằm cho biết, hiện kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm ngày càng phát triển, chất lượng kén cũng ngày nâng cao. Bà cung cấp: “Trước chúng tôi thường nuôi tằm trên từng nong, việc dọn phân khiến con tằm bơ sơ sứt sát, bệnh, kén nhỏ. Khi kén đủ tuổi cũng thường phơi kén nhanh rồi gỡ nên kén khá mềm, nhiều khi gỡ hay vận chuyển qua lại kén bị dập, chất lượng tơ giảm, giá thấp. Hiện giờ tằm nuôi trên sàn, trên lưới nên không cần dọn phân, bà con đã rút kinh nghiệm, phơi né thật kỹ, kén cứng cáp, khô ráo, không dập, thu mua có giá cao hơn từ 3-4 ngàn đồng/kg”.  
 
Bà Dương Thị Tuyên, làng nghề Đông Anh 5, thường xuyên nuôi 2 “ổ” trứng/đợt tằm chia sẻ, muốn kén đạt chất lượng là cả một quá trình, từ chất lượng tằm con, cách chăm sóc, giữ vệ sinh cho tằm, lượng thức ăn cũng như kỹ thuật lên né của từng người nuôi. Bà cũng đánh giá nông dân rất tinh mắt, công ty nào cung cấp tằm con tốt, ít bệnh tật sẽ được bà con đặt hàng. Bà cho biết: “Chất lượng tằm con tốt thì nói chung lứa tằm sẽ khá. Ngoài ra còn là chuyện cho ăn, nhà nào cho tằm ăn đủ 4 bữa/ngày, ăn đẫy thì tằm nhanh lớn, con tằm mập và kén sẽ to”. Bà Tuyên đánh giá rất cao chuyện giữ vệ sinh sạch sẽ cho nhà tằm. Bà nhận xét ,nhà nào cẩn thận, đầu tư riêng một nhà tằm sẽ mang lại hiệu quả cao. Nhà nào chưa có điều kiện thì cần mắc mùng cho tằm, tránh bị ruồi đục thân vì đó là bệnh chủ yếu ở tằm. Bà Tuyên cũng cung cấp thêm, người thu mua cũng “kị” kén ngả vàng hay có các vết ố, kén trắng, già được giá hơn rất nhiều. Đây là “mẹo” của người nuôi tằm. Khi tằm chín, “bắt né” thì phải để né nằm ngang, tránh để phân, nước tiểu của con tằm này rơi vào con tằm khác, kén sẽ trắng sạch. Nếu diện tích hẹp, người nuôi lười, để né đứng dọc, chất thải tằm sẽ rơi lẫn vào nhau, kén bị ngả vàng và khi bán, giá thấp xuống nhiều so với kén trắng. 
 
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nam Ban Nguyễn Văn Đông đánh giá, hầu hết dân cư Nam Ban đều đã và đang trồng dâu, nuôi tằm. Bà con đang hàng ngày rút kinh nghiệm từ, trồng dâu, chăm sóc tằm và lên né, bóc kén, đến tìm kiếm  những cải tiến mới nâng cao chất lượng kén tằm và luôn  chia sẻ thông tin với nhau. Vì vậy, sản lượng và chất lượng kén tằm của Nam Ban và những xã xung quanh càng ngày càng ổn định, ngoài những nhà máy se tơ có sẵn thì đã có nhà máy se tơ hiện đại, quy mô lớn tìm tới, đặt cơ sở sản xuất ngay khu vực 5 xã vùng kinh tế mới Hà Nội. Ông nói: “Người dân vùng tằm không chỉ chạy theo số lượng mà còn nâng cao và giữ vững chất lượng kén tằm, góp phần để các nhà máy có nguồn kén tốt, tơ đẹp, giữ vùng dâu tằm phát triển bền vững”.
 
DIỆP QUỲNH