Loay hoay xử lý nuôi gia súc, gia cầm trong nội thành

09:07, 19/07/2017

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quy định chi tiết về khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là khu vực trong thành phố, khu dân cư tập trung nhưng thực tế vẫn còn nhiều người dân vi phạm các quy định trên. 

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quy định chi tiết về khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là khu vực trong thành phố, khu dân cư tập trung nhưng thực tế vẫn còn nhiều người dân vi phạm các quy định trên. 
 
Đàn heo khoảng 30 con của ông Thịnh nuôi thả rông trong khu dân cư nằm trên đường Yersin phát sinh mùi hôi ảnh hưởng tới khu dân cư. Ảnh: C.Thành
Đàn heo khoảng 30 con của ông T. nuôi thả rông  trên đường Yersin phát sinh mùi hôi ảnh hưởng tới khu dân cư. Ảnh: C.Thành
Chịu đựng nhiều năm
 
Theo Quyết định số 2201/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng tới năm 2030” thì tại TP Đà Lạt chỉ có Tiểu khu 160B xã Tà Nung và Tiểu khu 155 xã Xuân Thọ là được phép chăn nuôi heo nhưng hiện nay vẫn tồn tại nhiều hộ nuôi heo trong khu dân cư đông đúc.
 
Như trường hợp ông H.N.T (đường Yersin, Phường 9), từ nhiều năm nay nuôi hẳn một đàn dê, heo lên tới vài chục con tại miếng đất giáp nhà thuộc sở hữu của một hộ dân khác. Tới khi người dân và chủ miếng đất trên phản ứng nhiều lần, UBND Phường 9 kết hợp với các phòng, ban TP Đà Lạt tiến hành cưỡng chế tháo dỡ chuồng nuôi dê, heo trên. Tuy nhiên, tới giờ ông T. mới chuyển đàn dê tới khu vực huyện Lạc Dương để tiếp tục chăn nuôi, còn đàn heo khoảng 30 con vẫn tiếp tục thả rông quanh khu vực đường Yersin gây mùi hôi từ thức ăn bị ứ và phân gia súc thải ra môi trường xung quanh.
 
Hay trường hợp bà N.T.T (đường Ngô Tất Tố, Phường 8) nuôi heo, gà với số lượng lớn từ nhiều năm nay. Gần đây bà T. đã chủ động giảm đàn gà còn 34.000 con, xây hầm biogas và có hẳn đề án bảo vệ môi trường do Sở Nông nghiệp cấp nhưng theo một số hộ dân, hoạt động chăn nuôi trang trại gà trên vẫn ảnh hưởng tới cuộc sống người dân xung quanh.
 
Ngoài các hộ dân trên, chúng tôi ghi nhận người dân trong khu vực đường Trạng Trình, Hồ Xuân Hương (Phường 9), đường Nguyên Tử Lực, Mai Anh Đào, Ngô Tất Tố… (Phường 8)… nhiều hộ dân vẫn còn thói quen nuôi gà, vịt khoảng 10 tới 30 con/ mỗi hộ. Theo tìm hiểu, hầu hết người dân nuôi theo dạng nhỏ, lẻ để sử dụng trong gia đình. Tuy nhiên, do chưa chú ý đúng mức tới môi trường nuôi, nhốt, nhiều hộ vẫn để phân gia cầm bốc mùi hôi làm các hộ dân sống gần đó phải chịu cảnh ô nhiễm cùng. Ngoài ra, tại khu vực đường Quang Trung, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hùng Vương… một số hộ còn thả gia súc như heo, bò, ngựa đi rông làm ảnh hưởng đến môi trường, việc đi lại của người dân. 
 
Khó xử lý
 
Về trường hợp của ông T., qua trao đổi, UBND Phường 9 xác nhận, nhiều lần người dân, Tổ dân phố đã có kiến nghị trước tình trạng phát sinh mùi hôi từ hoạt động nuôi heo gây lên nhưng chưa thể giải quyết triệt để vì một số nguyên do. Trong đó, chủ yếu là việc ông này không chịu hợp tác trong quá trình làm việc với chính quyền. “Bình thường ông T. là người hiền lành, chấp hành các quy định pháp luật nhưng khi uống rượu, bia vào thì lại trở thành con người khác. Thậm chí, không dưới 2 lần ông T. lên UBND phường khi đã có men rượu, có lời lẽ khó nghe đối với cán bộ phường do ngăn cấm việc nuôi heo của gia đình ông” - một cán bộ UBND Phường 9 nói. Vị cán bộ này cũng chia sẻ thêm, trường hợp cưỡng chế, tịch thu đàn heo của người dân nuôi số lượng lớn sẽ rất khó khăn do phường không có chuồng trại để nuôi nhốt, chăm sóc.
 
Phòng Kinh tế TP Đà Lạt thông tin, hiện trên địa bàn nội ô thành phố còn khoảng 50 hộ nuôi gia cầm như gà, vịt nhỏ lẻ rải rác ở một số phường. Về nuôi heo còn khoảng 15 hộ với số lượng từ 10 tới 30 con heo/mỗi hộ, tập trung chủ yếu ở Phường 4, Phường 8, Phường 3. 
 
Hầu hết các hộ nuôi gia súc, gia cầm không đúng quy định nên Phòng Kinh tế, Phòng TNMT kết hợp với UBND các phường đều vận động người dân khắc phục tình trạng môi trường ô nhiễm bằng cách làm hầm biogas, che chắn chuồng nuôi kín đáo, khử độc khử mùi… Những trường hợp chuyển biến chậm hay cố tình chây ì, Phòng Kinh tế cho biết, sắp tới tiếp tục vận động để người dân tự giác di dời đàn heo. Trường hợp vận động không có kết quả, đơn vị sẽ tính toán đề xuất thành phố thực hiện cưỡng chế, tịch thu đàn heo theo quy định của pháp luật.
 
Ông Nguyễn Đức Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, trước đây một số hộ nuôi heo khi dân cư còn khá thưa thớt nhưng quá trình đô thị hóa nhanh khiến khoảng cách cho phép, môi trường xử lý… với các hộ dân khác hiện tại không đảm bảo. Với trường hợp người dân nuôi gia súc, gia cầm nhiều năm như trên, cơ quan chức năng chủ yếu vận động để người dân giảm đàn, cam kết bảo đảm các yếu tố môi trường và dần chấm dứt chăn nuôi theo lộ trình hợp lý. Riêng mức xử phạt đối với các hành vi chăn nuôi, giết mổ gia cầm theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP ông Hưng nhận định mức xử phạt đã ban hành rất chi tiết nhưng cơ quan chức năng nhìn chung còn loay hoay trong khâu kiểm tra, xử phạt. “Sắp tới, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động chúng tôi sẽ cùng các đơn vị chuyên trách cấp phường, thành phố, Thanh tra môi trường tỉnh tăng cường kiểm tra các địa điểm chăn nuôi gia súc, giết mổ sai quy định nhằm siết chặt công tác quản lý chung” - ông Hưng nhấn mạnh. 
 
C.THÀNH