Quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ

09:07, 12/07/2017

Sở Công thương được giao theo dõi, quản lý đối với 8 nhóm sản phẩm hàng hóa gồm: rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật; sản phẩm chế biến bột, tinh bột; bánh, mứt, kẹo; bao bì chứa đựng thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt, quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị và các cơ sở thuộc hệ thống lưu trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm.

Sở Công thương được giao theo dõi, quản lý đối với 8 nhóm sản phẩm hàng hóa gồm: rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật; sản phẩm chế biến bột, tinh bột; bánh, mứt, kẹo; bao bì chứa đựng thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt, quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các chợ, siêu thị và các cơ sở thuộc hệ thống lưu trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm.
 
Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh kiểm tra tại Siêu thị Big C Đà Lạt. Ảnh: An Nhiên
Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh kiểm tra tại Siêu thị Big C Đà Lạt. Ảnh: An Nhiên
Trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 519 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm ngành Công thương quản lý. Trong đó có 124 cơ sở sản xuất rượu, đồ uống có cồn; 218 cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo; 143 cơ sở sản xuất sản phẩm từ bột và tinh bột; 32 cơ sở sản xuất nước giải khát; 1 cơ sở sản xuất dầu thực vật; 1 cơ sở sản xuất sữa chế biến.  Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất bia và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Công thương quản lý. 
 
Thống kê toàn tỉnh hiện có 75 chợ, trong đó theo phân hạng có 6 chợ hạng 1, 6 chợ hạng 2 và 63 chợ hạng 3. Phân theo khu vực có 18 chợ thành thị và 57 chợ nông thôn (44 chợ xã, 13 chợ thị trấn). Phân theo công trình có 31 chợ kiên cố, 35 chợ bán kiên cố và 9 chợ tạm. 
 
Từ năm 2015, Sở Công thương đã chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm chợ bảo đảm vệ sinh ATTP tại Chợ mới Đà Lạt và ưu tiên thực hiện với nhóm ngành hàng thịt (heo, bò, gà, vịt) với kinh phí được phân bổ là 180 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Kết quả, đến nay có 84 hộ kinh doanh đăng ký thực hiện và 90 người tham gia buôn bán tại các quầy thịt đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu về ATTP như: khám sức khỏe, xác nhận kiến thức, tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP, trang bị các vật dụng cần thiết trong kinh doanh bảo đảm vệ sinh ATTP như mang tạp dề, đeo gang tay, mũ chụp tóc… Cơ quan chuyên môn đã quản lý, giám sát chặt chẽ ngành hàng thịt thí điểm này, đã tiến hành xét nghiệm định tính 100% mẫu thịt heo, gà (38 mẫu heo, 11 mẫu gà) với 2 chỉ tiêu Salbutamol (chất tạo nạc) và hàn the. Kết quả cho thấy cơ bản các mẫu thịt đều không có 2 chất này. Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn lại 5 năm qua công tác quản lý đảm bảo ATTP tại các chợ, điểm chợ còn tồn tại hạn chế đó là: Hiện nay, hàng thực phẩm nhập về tỉnh bằng nhiều con đường rất khó kiểm soát, nhất là mặt hàng trái cây, thịt, trứng… Tại các chợ, cơ sở vật chất còn hạn chế, không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm còn đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác; hệ thống cấp thoát nước trong khu vực chợ còn khá tạm bợ… làm cho công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại các chợ gặp không ít khó khăn. Một bộ phận các chủ cơ sở thực phẩm, hộ tiểu thương còn chạy theo lợi nhuận, cố tình đưa hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ hoặc cố tình bàn hàng không đúng xuất xứ, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP vào buôn bán trong chợ. Nạn buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP ngày càng tinh vi, bất chấp mọi thủ đoạn nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. 
 
Trong giai đoạn 2011 - 2016 có 10 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công thương, trong đó có 3 vụ ngộ độc rượu (do hàm lượng Methanol cao, ngâm với gốc cây lạ) và 7 vụ ngộ độc do bánh mì (do nhiễm Salmonella). 
 
Qua kiểm tra 2.283 vụ, có 1.357 vụ vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt hành chính hơn 2 tỷ đồng, trong đó có đến gần 60% cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, vi phạm về ATTP. Ngoài ra, Sở Công thương tham gia 7 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra ATTP và quảng cáo thực phẩm trên địa bàn tỉnh với 270 cơ sở, phát hiện vi phạm và xử phạt hành chính 90 cơ sở với số tiền gần 231 triệu đồng. Trong đó, nổi cộm như: Phát hiện và xử lý 1 cơ sở vi phạm kinh doanh rượu nhập lậu, xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng, tịch thu 18 chai rượu nhập lậu trị giá hơn 16 triệu đồng; Sở Công thương phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt kiểm tra theo chuyên đề đối với mặt hàng đặc sản tại 73 cơ sở, phát hiện và xử lý 53 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính gần 66 triệu đồng, tịch thu 87,5 kg mứt và trà các loại; kiểm tra 53 cơ sở, phát hiện và xử lý 5 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 94 triệu đồng, tịch thu 805 chai rượu trái cây nhập lậu trị giá gần 17 triệu đồng. 
 
Hiện vẫn còn nhiều chợ, điểm chợ chưa được quản lý ATTP (chưa có phân công quản lý, kế hoạch đảm bảo ATTP), các điều kiện về cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là nguyên liệu, phụ gia, nước dùng tại các quầy hàng trong chợ chưa được kiểm soát. Do bất cập hiện nay trong quản lý ATTP các chợ là: các chợ (trừ Chợ đầu mối và Chợ đấu giá nông sản) thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng hiện tại không đủ cơ sở pháp lý để cấp Giấy chứng nhận cho Ban quản lý chợ vì Ban quản lý chợ không có Giấy đăng ký kinh doanh và cũng không thể cấp Giấy chứng nhận cho từng hộ tiểu thương trong chợ vì không đảm bảo điều kiện theo quy định tại Thông tư số 58/2014/TT-BCT ngày 22/12/2014 của Bộ Công thương. Do vậy việc quản lý ATTP trong chợ chủ yếu là yêu cầu các hộ tiểu thương phải có Giấy chứng nhận kiến thức ATTP theo quy định. Đối với các siêu thị như: Big C Đà Lạt, Sài Gòn Coop Bảo Lộc đảm bảo điều kiện ATTP và đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP. 
 
Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong giai đoạn 2017 - 2020, Sở Công thương tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo ATTP tại các chợ, điểm chợ như sau: Thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP tại các chợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức về ATTP. Tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành và liên ngành trong công tác đảm bảo ATTP, tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra hàng thực phẩm ra vào chợ… Phát động phong trào thi đua thực hiện tiêu chuẩn siêu thị, chợ văn minh trong đó tiêu chí đảm bảo vệ sinh ATTP là tiêu chí bắt buộc phải đạt. Xây dựng các tờ bướm hướng dẫn công tác thực hành ATTP cho các cơ sở, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, đặc biệt là việc kinh doanh các sản phẩm có giá cả, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, thiết lập hệ thống thông tin giữa các đơn vị để phối hợp quản lý, kiểm tra về ATTP; tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin nhanh và kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho nhân dân được biết và chủ động phòng ngừa đối với cơ sở sản xuất cũng như loại thực phẩm không đảm bảo an toàn.
 
AN NHIÊN