Ước mơ những tối sáng đèn

09:07, 06/07/2017

Về xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, nhìn những đường dây điện tự kéo giăng khắp đường làng ngõ xóm, những cột điện bằng cây tre lâu năm cũ kỹ xiêu vẹo bên đường... mới thấy, ước mơ về những buổi tối sáng ánh đèn điện đến bây giờ chưa nguôi chờ đợi đối với người dân nơi đây.

Về xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, nhìn những đường dây điện tự kéo giăng khắp đường làng ngõ xóm, những cột điện bằng cây tre lâu năm cũ kỹ xiêu vẹo bên đường... mới thấy, ước mơ về những buổi tối sáng ánh đèn điện đến bây giờ chưa nguôi chờ đợi đối với người dân nơi đây.
 
Người dân thôn Hoàn Kiếm 1 vẫn ngày ngày phập phồng lo âu với những cột điện xiêu vẹo. Ảnh: V.Quỳnh
Người dân thôn Hoàn Kiếm 1 vẫn ngày ngày phập phồng lo âu với những cột điện xiêu vẹo. Ảnh: V.Quỳnh
Ăn cơm dưới ánh đèn dầu
 
Mới 6 giờ tối, gia đình ông Nguyễn Đức Giản trú tại tổ 5, thôn Hoàn Kiếm 1, xã Nam Hà, đã lục đục chuẩn bị ăn cơm tối. Ông bảo: “Tranh thủ lúc trời còn sáng để ăn cơm, chứ không xíu nữa lại phải thắp đèn dầu hoặc rọi đèn pin, tù mù lại ăn cơm mất ngon”. 
 
Đã 20 năm đến lập nghiệp ở đây nhưng ông không hề nghĩ rằng đến tận bây giờ những buổi tối, những ngôi nhà nhỏ bên vườn cà phê vẫn không có ánh sáng đúng nghĩa.
 
Phó thôn Hoàn Kiếm 1, anh Mai Ngọc Long cũng đã vào Nam Hà sinh sống đã 17 năm nay. Anh hiểu rõ nỗi khổ khi điện yếu của bà con nơi đây. Anh Long cho hay: “Thôn Hoàn Kiếm 1 gồm 6 tổ, trong đó 2 tổ 4 và 5 thường xuyên rơi vào tình trạng điện yếu. Từ năm 1998, người dân đã tự đóng góp tiền kéo dây, xây trạm điện. 113 hộ trong thôn đều đã có điện sử dụng. Tuy nhiên, cứ đến giờ cao điểm, đa phần không ai sử dụng được các thiết bị điện do điện quá yếu. Bên cạnh đó, do thất thoát theo đường dây nên điện ở đây đội giá lên tới 5.000 đồng/kW. Mỗi tháng, bà con phải trả tiền điện cao hơn nhiều lần so với nơi khác nhưng lại không được đáp ứng đủ nhu cầu”.
 
Hôm chị Hòa - cán bộ phụ trách địa chính xã Nam Hà dẫn chúng tôi vào tổ 4 xem đường dây điện tự kéo bị đổ, người dân tập trung lại và như trút hết những bức xúc bấy lâu nay. Rằng điện quá yếu nên học trò dễ bị cận thị vì ban đêm phải học bài dưới ánh đèn ắc quy; ti vi không xem được, bà con không thể nào tiếp cận những cái hay, cái mới qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Buổi tối phải thắp đèn dầu, nhà nào cũng phải trữ từ 5-6 cái đèn pin; và ai muốn nấu cơm bằng nồi cơm điện thì phải tranh thủ nấu từ 2-3 h sáng...
 
Ở thôn Hoàn Kiếm 1 hiện nay, giữa những vườn cà phê xanh tốt, đã có thêm những giàn chanh dây đang đậu quả hay vườn đậu tốt tươi. Nhiều ngôi nhà đã được xây dựng khang trang, trong nhà đã có nhiều thiết bị điện. Nhưng chính vì điện chập chờn lúc có lúc không nên phần lớn ti vi, đầu máy, tủ lạnh trong nhà đều không thể sử dụng. 
 
Điện yếu cũng khiến bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, bởi muốn trồng cây khác cũng không trồng được, vì trồng cây nào cũng phải có điện, ít nhất đủ để tưới tiêu. Anh Điểu Quốc, nhà ở xóm 4, thôn Hoàn Kiếm 1 than thở: “Vườn cà phê nhà mình phần lớn già cỗi rồi, muốn trồng thay thế bằng loại cây khác cũng chưa dám làm”.
 
Ở thôn Nam Bàn của xã Nam Hà, tình trạng điện cũng không khá hơn bao nhiêu. Anh Đặng Văn Mười, Trưởng thôn Nam Bàn cho biết, thôn Nam Bàn có điện từ năm 1995, đến nay, 136 hộ trong thôn đều đã có điện sử dụng. Người dân ở đây không trồng nhiều cà phê, nhưng bà con dù thấy được hiệu quả kinh tế từ cây thanh long hoặc cây hoa, vẫn không thể trồng được do nguồn điện không phục vụ đủ nhu cầu tưới tiêu, thắp sáng. 
 
Ngay bản thân anh Mười hiện đang trồng 2 sào hoa đồng tiền cũng gặp nhiều khó khăn. Anh chia sẻ: “Diện tích nhà kính trồng hoa và thanh long yêu cầu bắt buộc phải có điện nên nông dân phải mua thêm máy phát điện, máy ổn áp, hoặc máy nổ để phục vụ tưới tiêu. Để trang bị máy nổ, gia đình tôi mất gần 20 triệu đồng, giá điện lại cao hơn 3.000 đồng so với nơi khác nên chi phí sản xuất từ đó cũng bị đội lên nhiều”.
 
Điện yếu là tình trạng chung
 
Đó là khẳng định của ông Tiêu Văn Bính - Chủ tịch UBND xã Nam Hà, khi điện đến nay vẫn còn là một trong những tiêu chí chưa bền vững trong xây dựng NTM của xã. Mặc dù đã đạt chuẩn xã NTM từ năm 2016, và đến nay đã có 99% hộ dân có điện để sinh hoạt, nhưng nguồn điện yếu và giá điện cao khiến bà con gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Ông Bính cho biết, hiện tại, thực trạng có đến 1/3 dân số tại cả 6 thôn trong xã phải sử dụng điện trung gian qua đồng hồ tổng, các hộ cuối nguồn có khi còn không sử dụng được.
 
Theo ông Bính, tình trạng điện yếu là xã nào cũng gặp phải, nhưng Nam Hà nặng hơn do đặc thù vườn ở đâu, nhà ở đó. Vườn rải đều nên nhà cũng rải đều, do đó, nguồn điện không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. 
 
Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lâm Hà vào năm 2015, toàn bộ nhân dân tổ 4, tổ 5 thôn Hoàn Kiếm 1, xã Nam Hà sử dụng điện qua một điện kế tổng với tổng số 40 hộ, sử dụng điện qua trạm biến áp Đống Đa 2, công suất 25 kVA. Tổng chiều dài đường dây hạ thế sau điện kế tổng là 2,2 km, điện áp cuối đường dây rất thấp, khoảng 70 V trong giờ bình thường, do đó không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh đó, toàn bộ lưới điện khu vực này đã xuống cấp và không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nên Điện lực Lâm Hà không thể bán lẻ và thu tiền điện trực tiếp đến từng hộ dân, khiến nhân dân phải chịu giá điện cao.
 
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cũng khẳng định: “Điện yếu là tình trạng chung mà hầu hết các xã của huyện Lâm Hà đều đang gặp phải. Do trước đây, mạng lưới điện chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt của người dân, còn hiện tại nhu cầu điện phục vụ cho cả sinh hoạt lẫn sản xuất nên bị quá tải. Năm 2017, huyện Lâm Hà đã được bố trí 17 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện, tuy nhiên đến hiện tại, nguồn vốn vẫn chưa về với huyện”.
 
Và, những buổi tối sáng ánh đèn điện, có lẽ vẫn tiếp tục là niềm mong mỏi lâu dài của người dân nơi đây. Như ông Giản, nói buồn bã khi chiều tắt nắng: “Thế hệ mình đã không có điện, thôi thì giờ chỉ mong bọn trẻ lớn lên trong ánh đèn, đừng mãi tù mù như cả cuộc đời của ông bà, cha mẹ chúng”.
 
VIỆT QUỲNH