Xã hội hóa bể bơi trong trường học

09:07, 27/07/2017

Để rèn luyện kỹ năng bơi cho học sinh giúp phòng tránh tai nạn đuối nước, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã "tự thân vận động" bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa xây dựng bể bơi trong khi kinh phí Nhà nước đầu tư cho hạng mục này còn hạn hẹp. 

Để rèn luyện kỹ năng bơi cho học sinh giúp phòng tránh tai nạn đuối nước, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã “tự thân vận động” bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa xây dựng bể bơi trong khi kinh phí Nhà nước đầu tư cho hạng mục này còn hạn hẹp. 
 
Bể bơi Trường PT DTNT Bảo Lâm được xây dựng từ sự đóng góp kinh phí của phụ huynh. Ảnh: Tuấn Hương
Bể bơi Trường PT DTNT Bảo Lâm được xây dựng từ sự đóng góp kinh phí của phụ huynh. Ảnh: Tuấn Hương
Trước đó, Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu các sở GDĐT tăng cường giáo dục, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh. Đồng thời, ra văn bản yêu cầu các Sở GDĐT tham mưu với địa phương đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp; tăng cường xã hội hóa để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy và học bơi cho học sinh. 
 
Tuy nhiên, theo Phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GDĐT Lâm Đồng), việc xây bể bơi trong trường học trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do quy hoạch đất đai, vốn đầu tư… nên chỉ huy động từ xã hội hóa là chính. Nhưng việc xã hội hóa bể bơi trong trường học hiện nay vẫn chưa nhiều. Toàn tỉnh chỉ mới có 3 trường học xây dựng bể bơi nhằm rèn luyện kỹ năng bơi cho học sinh. Đó là các trường: PT Dân tộc nội trú (PT DTNT) huyện Bảo Lâm, THPT Nguyễn Du (Bảo Lộc) và Tiểu học Tư thục Việt Anh (Đạ Tẻh). 
 
Trước thực trạng xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em thương tâm, Trường PT DTNT Bảo Lâm đã họp bàn với phụ huynh của trường về việc xây dựng bể bơi để dạy bơi cho học sinh. “Nghĩ thì lâu lắm rồi, nhưng từ khi bàn với phụ huynh cho đến khi bể bơi hoàn thành cũng phải mất 3 năm đấy. Nguồn kinh phí được phụ huynh đóng góp dần, việc này có lợi cho học sinh nên phụ huynh đồng ý cả”, thầy Nguyễn Ry - Hiệu trưởng Trường PT DTNT Bảo Lâm chia sẻ.
 
Hồ bơi Trường PT DTNT Bảo Lâm có diện tích 2.000 m2, độ dốc thoai thoải từ 0,8 m đến 1,5 m, phù hợp cho lứa tuổi học sinh cấp 2 của trường, với kinh phí xây dựng khoảng 400 triệu đồng. Bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 4/2016, nhà trường đưa môn bơi là môn tự chọn trong giáo dục thể chất và khuyến khích học sinh tham gia. Xác định trọng tâm hoạt động của bể bơi khi vận hành là an toàn, vệ sinh, kỷ luật, trật tự và thân thiện, để tổ chức dạy bơi, trường thành lập CLB bơi lội, có ban chủ nhiệm, giáo viên bơi lội được đi huấn luyện thường xuyên, ban quản lý bảo vệ an toàn và vệ sinh… đáp ứng đủ các yêu cầu cần thiết của bể bơi. Nội dung tập bơi của nhà trường theo giáo trình chuyên môn bơi lội của Bộ GDĐT quy định. Trong đó, nhà trường chú trọng các mục tiêu cơ bản và cần thiết như: các em tập nổi khi bất ngờ rơi xuống nước, cách thoát hiểm, cách bơi dễ nhất để tiếp cận bờ, cách cứu bạn bị đuối nước… Đến nay, 100% học sinh của trường đã biết bơi. “Hè năm ngoái, nhà trường có tổ chức lớp bơi lội cho học sinh các trường ngoài. Nhưng năm nay do nhiều yếu tố nên không tổ chức nữa. Nếu trường nào có nhu cầu dạy bơi cho học sinh chúng tôi vẫn sẽ tạo điều kiện cho thuê hồ bơi trong những ngày học sinh của trường không học môn này”, thầy Ry cho biết thêm. 
 
Trường Tiểu học Tư thục Việt Anh cũng xây dựng bể bơi để dạy bơi không những cho học sinh của trường mà còn mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trong huyện Đạ Tẻh vào các dịp hè. Còn Trường THPT Nguyễn Du (Bảo Lộc) lại hợp đồng với một doanh nghiệp để xây bể bơi. Ngoài việc dạy bơi cho học sinh trong trường, những ngày cuối tuần bể bơi này còn phục vụ nhu cầu của người dân. 
 
Đại diện Phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GDĐT Lâm Đồng) cho hay: Để thực hiện Đề án xây dựng bể bơi và dạy bơi trong trường học, rất cần sự quan tâm phối hợp của các sở, ngành liên quan và các địa phương. Trong khi chờ đề án này chính thức được “khởi động”, việc huy động xã hội hóa để xây bể bơi trong các trường học là rất cần thiết. Còn theo bà Hoàng Thị Kim Hương - Phó trưởng Phòng Quản lý Thể dục thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng), hàng năm, Sở đều tổ chức các lớp tập huấn bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em cho cán bộ, công chức, viên chức, hướng dẫn viên, cộng tác viên làm công tác thể dục thể thao, giáo viên dạy môn thể dục và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các bể bơi trường học hình thành, phụ huynh nên chủ động đưa con em đi học bơi để trẻ có kỹ năng bơi lội cần thiết nhằm tránh tai nạn đuối nước. Các trường học cũng nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức có cơ sở vật chất đầu tư xây dựng bể bơi theo hướng xã hội hóa. 
 
TUẤN HƯƠNG