Anh Hưng làm giàu từ hạt điều

09:08, 24/08/2017

Tôi từ thị trấn Đạ Tẻh vào xã Hà Đông lúc 8 giờ sáng. Cạnh đường 725, một cổng chào bề thế nổi lên hàng chữ "Nhân dân thôn I Hà Đông quyết tâm giữ vững danh hiệu Thôn văn hoá". Hỏi thăm rồi tôi tìm đến cơ ngơi của Lê Văn Hưng. Một người đàn ông tầm thước, khỏe mạnh. Chiếc áo sơ mi và chiếc quần lửng cũ dính đầy nhựa hạt điều. Chân dung ban đầu của một giám đốc "hay lam hay làm" đã lôi cuốn tôi.

Tôi từ thị trấn Đạ Tẻh vào xã Hà Đông lúc 8 giờ sáng. Cạnh đường 725, một cổng chào bề thế nổi lên hàng chữ “Nhân dân thôn I Hà Đông quyết tâm giữ vững danh hiệu Thôn văn hoá”. Hỏi thăm rồi tôi tìm đến cơ ngơi của Lê Văn Hưng. Một người đàn ông tầm thước, khỏe mạnh. Chiếc áo sơ mi và chiếc quần lửng cũ dính đầy nhựa hạt điều. Chân dung ban đầu của một giám đốc “hay lam hay làm” đã lôi cuốn tôi.
 
Anh Lê Văn Hưng bên hàng tấn điều nguyên liệu mới thu mua. Ảnh: N.T.Thiêm
Anh Lê Văn Hưng bên hàng tấn điều nguyên liệu mới thu mua. Ảnh: N.T.Thiêm
Vừa dẫn tôi đi xem các công đoạn chế biến hạt điều, Hưng vừa kể tôi nghe:
 
- Quê em ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Em lớn lên bên con sông Hồng khi hiền khi dữ, làm lụng thì vất vả mà cũng không đủ no… 
 
Nghe Hưng nói, tôi nhớ lại cái đận 1969, sông Hồng năm ấy nước lên cao. Cả tuyến đê thuộc các xã Khai Thái, Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) bị vỡ. Nước ngập mênh mông chìm cả mái nhà. Sau lũ, mùa màng, của cải mất sạch. Đời sống nhân dân muôn vàn khó khăn. Những năm sau, việc đi tìm vùng đất mới như một điều tất yếu của kế sinh nhai. Và, năm 1984, khi 13 tuổi, Hưng theo gia đình vào lập nghiệp tại xã Hà Đông, huyện Đạ Tẻh bây giờ.
 
Trước khi vào đây, ông Trương Quang Lang - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho tôi biết: Hưng được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2016, một điển hình trong phong trào học tập và làm theo Bác. Khi nghe dự tính muốn viết về anh, Hưng nhìn tôi như thăm dò, rồi bộc bạch:
 
- Em sinh ra thì Bác Hồ kính yêu đã đi xa được hai năm. Em có gì để đáng cho anh viết báo đâu. Em chỉ biết làm ăn thôi mà…
 
- Vậy anh em mình chỉ nói chuyện làm ăn thôi. Thế từ khi vào vùng đất này, Hưng làm những gì? 
 
Hưng tâm sự: - Gần 10 năm bươn trải, lúc làm ruộng, khi chăn nuôi. Em bỏ ra cả 12 năm làm thầu xây dựng… nhưng, vẫn không giàu có được. Em xin vào Hội Nông dân, thế là được đi học các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đi tham quan. Em thích nhất là được Hội cho sang Bình Phước học cách sản xuất và chế biến hạt điều.
 
Đưa tôi đến xem công đoạn phân loại thành phẩm trước khi đóng gói xuất khẩu, Hưng say sưa kể:
 
- Anh biết không? Hạt điều rất giàu sắt, phốt pho, selen, magiê và kẽm. Chúng cũng là nguồn cung cấp tốt các chất chống oxy hóa và protein. Nó có 7 tác dụng như: Ngăn ngừa ung thư. Tốt cho tim, da và tóc. Giúp xương chắc khỏe. Tốt cho các dây thần kinh. Ngăn chặn sỏi mật và giảm cân cho người béo phì. À, anh có nhậu được không? Nếu được thì hạt điều là món rất hợp. Ngoài việc rang, nướng để khai vị, anh bẻ hạt điều ra từng miếng, thêm chúng vào món salad… rất ngon. Ngâm nửa chén hạt điều trong nước độ 15 phút sau đó xay cho mịn và cho chúng vào các món hầm hoặc cà ri… rất tuyệt!
 
Nghe Hưng nói mà thèm, chắc người này cũng kể vào bậc thầy các món nhậu. Tôi ngắt lời anh: Được rồi để lát nữa “trà dư, tửu hậu” ta sẽ bàn tiếp, thế sau khi ở Bình Phước về thì sao?
 
- Mê điều rồi, em xây dựng ngay một đề án sản xuất và chế biến điều xuất khẩu trình Hội Nông dân. Được Hội đứng ra tín chấp, em vay của Ngân hàng Chính sách, Quỹ hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Nông nghiệp được một tỷ đồng. Cộng với tiền tích luỹ, em xây dựng 250 m 2 nhà xưởng. Mua các loại máy móc hiện đại như: Máy tách, máy hấp, máy thổi vỏ lụa, nồi hơi và một số máy móc khác… hết trên 2 tỷ đồng.
 
Tôi dạo vòng quanh xưởng. Tiếng máy rộn ràng. Tiếng người râm ran. Sự manh nha của nền móng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang hiện ra. Xưởng có 65 công nhân, đều là lao động địa phương. Mỗi tháng chế biến 100 tấn điều thô, bán trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mỗi kg thành phẩm có giá 10 đô-la. Lợi nhuận thu về từ 5 đến 10%. Năm 2013, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 950.000 triệu đồng. Từ 2014 đến nay, năm sau nguồn thu đều cao hơn năm trước. Tôi hỏi về thu nhập của công nhân, Hưng cho biết bình quân mỗi công nhân một tháng 5,5 triệu đồng. Cá biệt do công việc, có người 8 triệu đồng. Anh cho biết mình còn ủng hộ 50 triệu đồng cho xã thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê”, giúp 5 hộ nghèo 95 triệu đồng không tính lãi để họ xóa nhà tạm và phát triển chăn nuôi. Riêng gia đình có 4 người, vợ chồng và hai con, thu nhập bình quân 20 triệu đồng một người, một tháng. Gia đình đã xây nhà riêng, có các phương tiện đắt tiền phục vụ cho đời sống hàng ngày. 
 
Ngồi trên bộ salon gỗ thật đẹp, Hưng lấy trong tủ 2 cốc nước, anh gọi là “Sữa điều” mời tôi. Chỉ cần nửa chén hạt điều xay ra rồi cho vào 2 chén nước lọc, thêm chút đường là thành thứ nước uống thơm và bổ dưỡng. Nhâm nhi để thẩm thấu từng giọt “Sữa điều”, tôi có cảm giác là lạ, uống đến đâu biết đến đó. Dịu, thanh, tinh khiết, đậm đà…
 
Như một chuyên gia về dinh dưỡng, Hưng giới thiệu:
 
- Anh ạ, điều cũng giúp mọi người tránh được bệnh tiểu đường vì nó có thể làm giảm mức độ chất béo trung tính và giúp bảo vệ cơ thể khỏi các biến chứng của bệnh tiểu đường. Nó giúp bảo vệ răng và nướu răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Hạt điều có thể bị hỏng nếu chỉ bảo quản ở nhiệt độ phòng, vì vậy nên giữ cho chúng trong tủ lạnh sau khi đã đóng gói kĩ càng. Hạt điều được bảo quản cẩn thận có thể sử dụng kéo dài đến cả năm. 
 
Tôi tản bộ quanh chiếc sân rộng đang phơi hàng tấn điều nguyên liệu, chỗ nào cũng sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, vệ sinh. Như hiểu ý tôi, Hưng nói ngay: Anh yên tâm, em rất tuân thủ nguyên tắc, phát triển kinh tế phải gắn với việc bảo vệ môi trường. Không làm được như thế chắc em bị bà con đuổi đi khỏi chỗ này rồi.
 
Nghe Hưng nói, tận mắt xem Hưng làm, tôi có cảm giác anh chính là tấm gương điển hình của những người nông dân làm theo tấm gương Bác Hồ kính yêu. Học Bác chính là làm theo Bác. Dân giàu thì nước mạnh đấy Hưng ơi.
 
Ghi chép: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM