Các tổ phụ nữ liên kết sản xuất hiệu quả ở Lâm Hà

09:08, 08/08/2017

Trong vòng 5 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Lâm Hà vận động thành lập 9 tổ liên kết nuôi tằm, 3 tổ dệt len, 2 tổ hợp tác nuôi heo, 4 tổ liên kết trồng rau… Các tổ liên kết giúp cho chị em chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo kế hoạch, tạo sản phẩm có chất lượng tốt, cùng nhau liên kết tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.

Trong vòng 5 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Lâm Hà vận động thành lập 9 tổ liên kết nuôi tằm, 3 tổ dệt len, 2 tổ hợp tác nuôi heo, 4 tổ liên kết trồng rau… Các tổ liên kết giúp cho chị em chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo kế hoạch, tạo sản phẩm có chất lượng tốt, cùng nhau liên kết tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.
 
Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của phụ nữ Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của phụ nữ Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
Chị Bùi Thị Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thanh cho biết: Đông Thanh là xã thuộc huyện kinh tế mới, mặc dù những năm qua có những bước phát triển kinh tế nhất định, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp, với 44 hộ nghèo, trong đó có 17 hộ là hội viên phụ nữ (chiếm 38,6%), tình trạng thiếu việc làm còn khá phổ biến. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, để giúp hội viên phụ nữ nghèo vượt khó vươn lên, Hội LHPN xã đã chọn nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế làm mũi nhọn để phát triển phong trào, tập hợp chị em đến với Hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. 
 
Qua khảo sát tình hình của xã, Hội nhận thấy việc trồng dâu nuôi tằm phù hợp với điều kiện tự nhiên và khả năng của chị em. Do đó, tháng 3/2015, Hội LHPN xã Đông Thanh đã tập hợp liên kết những phụ nữ trồng dâu nuôi tằm tại xã thành tổ hợp tác chăn nuôi tằm với 70 thành viên tham gia. Qua đó hỗ trợ chị em duy trì, phát triển nghề truyền thống, cải thiện nâng cao thu nhập và vận động chị em tham gia tổ chức Hội. 
 
Sau khi thành lập tổ hợp tác chăn nuôi tằm, Hội LHPN xã tranh thủ sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kinh phí của các cấp, các ngành liên quan để bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm cho các thành viên. Các thành viên trong tổ hợp tác được chia thành 7 nhóm (mỗi nhóm 10 chị) phù hợp theo địa bàn dân cư và chi hội phụ nữ nhằm tạo điều kiện cho chị em trong nhóm thuận lợi trong việc trao đổi kinh nghiệm chăm sóc tằm, cũng như phổ biến các hoạt động của Hội. Nổi bật trong tổ hợp tác là nhóm của thôn Tầm Xá, ngày đầu thành lập nhóm có 10 thành viên với số vốn 10 triệu đồng/thành viên giúp cho chị em mua nong né, đến nay, số thành viên tham gia tổ tăng lên 17 chị, số vốn cũng tăng lên 12 triệu đồng/thành viên, với tổng diện tích trồng dâu đạt 45 ha. Để duy trì và nâng cao chất lượng, sản lượng và chất lượng kén, giảm công chăm sóc, những phụ nữ ở thôn Tầm Xá đã không ngừng học hỏi đã có được kỹ thuật chăm sóc tằm vững vàng, cùng hỗ trợ về vốn, vần đổi công giúp nhau để giảm bớt khó khăn trong các công đoạn như: cắt dâu cho tằm ăn rỗi, xử lý bệnh của tằm. Ban đầu, sản phẩm kén tằm do chị em làm ra mỗi hộp sau khi trừ chi phí chị em còn thu được từ 3 -3,5 triệu đồng/hộp, đến nay, nhờ học hỏi được kinh nghiệm chăn nuôi tằm và tìm được đơn vị cung cấp tằm giống đảm bảo chất lượng, do đó sản lượng kén tằm tăng lên rõ rệt, mỗi hộp tằm sau khi trừ chi phí chị em còn thu được từ 4 -5 triệu đồng/hộp.
 
Nhờ mô hình sản xuất theo tổ hợp tác mà công việc nuôi tằm của những người phụ nữ ở Đông Thanh có thêm niềm vui từ sự hợp tác, chia sẻ, động viên và cùng hưởng lợi nhờ thành quả của việc cùng giúp nhau, cùng sản xuất, cùng nhau xây dựng kinh tế gia đình. Từ mô hình này, nghề trồng dâu nuôi tằm đã trở thành mũi nhọn kinh tế cho chị em phụ nữ Đông Thanh.
 
Chị Trần Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Hà cho biết: toàn huyện có trên 18.000 hội viên phụ nữ sinh hoạt, có 17 cơ sở Hội với 194 chi hội. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua, Hội LHPN huyện đã có nhiều phong trào giúp nhau giảm nghèo như: “5 giúp 1”, “1 chi hội giúp 1”... Từ đó đã động viên, cổ vũ chị em có những tư duy mới, cách làm mới trong lao động, sản xuất; mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình. Được sự hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi của UBND huyện, Hội LHPN huyện đã vận động hội viên thành lập được 16 tổ liên kết, tổ hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất: nuôi tằm, dệt len, nuôi heo, trồng rau ở Đông Thanh, Tân Văn, Mê Linh, Đinh Văn với 140 thành viên. Các thành viên tham gia tổ, nhóm liên kết, hợp tác sản xuất đã được dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ chính sách, kỹ thuật, vốn vay, công cụ sản xuất, cách thức tổ chức quản lý, duy trì và sinh hoạt. Thông qua các buổi sinh hoạt tổ, nhóm đã giúp các thành viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất gắn với sinh hoạt Hội, chia sẻ những vướng mắc trong xây dựng gia đình, từ đó hội viên ngày càng đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau, thu hút các thành viên tham gia ngày càng đông hơn. Đồng thời, các thành viên cùng nhau liên kết tiếp cận thị trường tiêu thụ, nhờ vậy, các sản phẩm được bán với giá cao và ổn định hơn. Từ hiệu quả của các mô hình này, trong thời gian tới, Hội LHPN Lâm Hà tiếp tục nhân rộng các mô hình trên địa bàn, góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
 
AN NHIÊN