Mùa măng rừng...

08:08, 31/08/2017

Vào những ngày đầu năm học, trong câu chuyện với thầy Trần Phú Vinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Ðam Rông, ông hồ hởi khoe "Ðến thời điểm hiện tại có trên 13.000 học sinh ra lớp đầu năm, đạt tỷ lệ 98,6%". Chẳng hiểu sao con số hơn 13.000 học sinh ấy lại làm tôi miên man nghĩ về những đứa trẻ gùi măng ở cái huyện nghèo này vào mấy tháng trước. 

Vào những ngày đầu năm học, trong câu chuyện với thầy Trần Phú Vinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Ðam Rông, ông hồ hởi khoe “Ðến thời điểm hiện tại có trên 13.000 học sinh ra lớp đầu năm, đạt tỷ lệ 98,6%”. Chẳng hiểu sao con số hơn 13.000 học sinh ấy lại làm tôi miên man nghĩ về những đứa trẻ gùi măng ở cái huyện nghèo này vào mấy tháng trước. 
 
Dòng người trở về sau một ngày luồn rừng vất vả mưu sinh. Ảnh: Chính Thành
Dòng người trở về sau một ngày luồn rừng vất vả mưu sinh. Ảnh: Chính Thành

Và những cặp sách, áo mới hôm nay của rất nhiều trong số 13.000 đứa trẻ ấy cũng là kết quả chúng thu về từ một mùa măng rừng khó nhọc.
 
Lại nói chuyện măng rừng, Tây Nguyên vào mùa mưa, lũ trẻ vào kỳ nghỉ hè cũng là khi măng rừng đội đất sinh sôi. Bởi vậy kỳ nghỉ hè của đám trẻ vùng sâu là chuỗi ngày mà các em theo chân cha mẹ, lên lỏi vào rừng kiếm thêm tiền mưu sinh từ mùa măng rừng. “Ngày xưa rừng còn nhiều, lồ ô, tre, nứa mọc khắp nơi nên chỉ cần đi một lúc là kiếm đầy gùi măng. Nay rừng ngày một xa thôn buôn nên muốn tìm măng phải đi xa lắm, tít vào tận trong rừng già mới hy vọng thu được đầy gùi khi mặt trời xuống núi”, Bon Rơ Đê - người đàn bà đã trải qua hàng chục mùa măng ở đất này, nói.
 
Theo chân chị Bon Rơ Hơ Dung ở Thôn 2, xã Rô Men, chúng tôi đi vào rừng thuộc xã Liêng Srônh để tìm măng. Vừa đi, chị Hơ Dung vừa chia sẻ cho chúng tôi những kinh nghiệm nằm lòng về công việc này. Rằng: Muốn tìm măng phải tìm tới những bụi lồ ô có lá to, cây thấp, nằm ở khu vực thoáng đãng, có nước, đặc biệt là cạnh các con suối. Gặp được những cây măng mọc ngoài thì khỏi nói, nhưng có những cây oái ăm nằm sâu giữa bụi lồ ô được các thân cây mẹ, các nhành, lá che chắn kỹ, lúc này những con dao dài được phát huy. Luồn tay nhẹ nhàng qua những gốc cây, những cành, chị Hơ Dung khéo léo đưa con dao vào chặt nhẹ gốc măng nằm chình ình trên đất để lấy ra. “Mình mang bầu 5 tháng rồi, bụng bắt đầu to rồi nên không luồn lách vào sâu được, chứ người ta luồn lách vào sâu mới có nhiều măng ngon, bán được giá hơn”. Cái bụng đã lùm lùm đứa con 5 tháng, như những người phụ nữ thành phố người ta sẽ hết sức giữ gìn, đi lại nhẹ nhàng còn Hơ Dung thì không được như thế. Bởi “Không vào rừng lấy măng thì lấy gì mà ăn” . Cứ thế những người đi lấy măng miệt mài luồn từ bụi này sang bụi khác. Mặt trời lên quá đỉnh đầu nhưng chẳng ai trong số những người đi tìm măng có ý định ăn gì đó cho bữa trưa. Bởi “Mùa này trời hay mưa chiều, trời nhanh tối lắm, tranh thủ kiếm măng rồi còn bóc măng cho kịp về khi trời còn sáng. Mệt thì chỉ cần uống nước được rồi”, chị Hơ Dung nói.
 
Dù có ráng thì chị Hơ Dung và những người đi lấy măng vẫn không tránh được cơn mưa chiều. Mưa ướt nhẹp nhưng chẳng ai có ý định mang áo mưa bởi ngoài việc nó vướng víu thì bà con cũng phải ra lội suối bóc măng. Gùi măng được đổ ra bên bờ suối, những con dao nhỏ được sử dụng để bóc các lớp vỏ bên ngoài. Khi lớp măng vàng, tươi nõn được lộ ra cũng là khi tay những người hái măng bị cắm bởi lông măng và có đôi ba vết dao cứa. 
 
Khoảng 4h chiều, khi mặt trời đã không đủ sức chống chọi với sức nặng của những áng mây mù, những giọt mưa vẫn chưa ngừng rơi, bà con rời núi. Vẫn là hành trình đi bộ của những người phụ nữ. Thi thoảng có người đàn ông chạy xe máy ra đón vợ về còn lại đa phần những người phụ nữ vẫn lầm lũi đi bộ. Những bàn tay đen nhẻm, gân guốc nay da nhăn nheo lại, lòng bàn tay trắng bệch, những vết thương vì bị dao cứa, gai đâm, mao măng cào tím ngắt lại vì nhúng nước suối lúc rửa măng và cũng vì ngấm nước mưa, vì lạnh. Người lớn đã ý thức được việc bảo vệ thân thể nên những đôi ủng, đôi giày đã che chở cho những bàn chân. Còn lũ nhỏ, chúng vào rừng hồn nhiên như cây cỏ nên khi trở về, quần áo ướt nhẹp, đôi bàn chân cũng tím ngắt vì lạnh. Những ngón chân nhỏ bé cong lại, bám chặt vào mặt đường cho khỏi trơn ngã. 
 
Tất cả những người đi lấy măng lúc này trở về cùng một địa điểm - nơi người thu mua măng chờ sẵn. Chị Bùi Thị Thanh Phương - người mua măng ở đây nói: “Giá măng cũng dao động lắm em, lúc lên, lúc xuống tùy thị trường”. Hôm ấy, măng củ có giá 7.000 đồng/kg. Măng ống đẹp có giá 6.500 đồng/kg, măng không đẹp lắm chỉ bán được giá 3.500 đồng/kg. Những người phụ nữ có sức khỏe, kinh nghiệm đa phần đều tìm được măng đẹp, còn măng giá thấp nhất chủ yếu của các em nhỏ. Tới điểm thu mua, mỗi người tự đặt gùi lên cân và đổ măng vào bao tải rồi nhận tiền. Hôm nay mưa sớm nên bà con lấy cũng chẳng được nhiều. Bà Bon Rơ Đê được 24 kg, chị Bon Hơ Dung lấy được 30 kg... Nhưng dù ít, dù nhiều đó cũng là thời khắc họ vui vẻ sau một ngày luồn rừng vất vả. Cầm 60 ngàn đồng trên tay Bon Rơ Hoa (năm nay vào lớp 6) khoe, “mùa măng này em không nghỉ ngày nào nên đủ tiền mua sách đi học rồi. Thứ hai này em tới trường tập trung đấy”. Cất tiền cẩn thận, dòng người lại lầm lũi trở về khi mặt trời đã không thể gắng gượng được trước mây mù và mưa rơi.
 
Đêm nay trở về, trong căn bếp nhỏ nơi phố phường Đà Lạt, chị dâu tôi luộc mớ măng mua ở chợ từ sáng. Chị bảo “mùa này mùa măng nên giá chỉ 15.000đ/kg. Chị mua nhiều luộc dự trữ trong tủ lạnh, ăn dần”. Mùi măng luộc quyện vào cái lạnh đêm Đà Lạt thơm phưng phức, tôi lại miên man nghĩ về hình ảnh những đứa trẻ gùi măng và đôi bàn chân tím ngắt vì lạnh...
 
N. NGÀ