Ðổi thay ở Hang Hớt

08:09, 27/09/2017

Rời xa những tháng ngày tăm tối, bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở thôn Hang Hớt (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) đang ra sức phấn đấu sản xuất, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, con em được đến trường học hành tử tế dưới ánh sáng soi đường của Ðảng, Nhà nước và sự quan tâm của các cấp chính quyền…

Rời xa những tháng ngày tăm tối, bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở thôn Hang Hớt (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) đang ra sức phấn đấu sản xuất, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, con em được đến trường học hành tử tế dưới ánh sáng soi đường của Ðảng, Nhà nước và sự quan tâm của các cấp chính quyền…
 
Bà con thôn Hang Hớt bên những vườn cà phê trĩu quả, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ảnh: Ð.Tú
Bà con thôn Hang Hớt bên những vườn cà phê trĩu quả, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ảnh: Ð.Tú

Mặt trời ló rạng sưởi ấm mảnh đất Hang Hớt qua một đêm sương rừng và khí núi, một không khí mới, tràn đầy sức sống trên con đường bê tông thênh thang của thôn vừa mới hoàn tất. Đã hết rồi cái cảnh bà con bì bõm trên những cung đường sình lầy mà thay vào đó là cảnh trẻ thơ tung tăng đến trường, người người, nhà nhà tích cực vào công cuộc lao động sản xuất, để không phải đói nghèo mãi trên chính mảnh đất cha ông mình để lại. 
 
Ông Mơ Bon Ha Ba, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn phấn khởi cho biết, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, đời sống của người dân thôn Hang Hớt đã thay đổi một cách rõ rệt: điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư một cách bài bản. Và, nếu so sánh với những năm trước thì phải khẳng định rằng đó là sự “đổi đời”.
 
Những ngày cơ cực, du canh, du cư, sốt rét hành hạ là điều mà ông Mơ Bon Ha Ba cũng như bà con thôn Hang Hớt này muốn quên đi để định canh, định cư, ổn định cuộc sống. “So với nhiều địa phương khác trong huyện, cuộc sống của người dân thôn Hang Hớt còn nhiều khó khăn và vất vả, nhưng chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện nhanh chóng”. Đó không phải là hy vọng mà là lời khẳng định chắc chắn của vị cán bộ thôn luôn sâu sát với từng người dân này. Sở dĩ, ông Mơ Bon Ha Ba khẳng định điều đó là vì trong những tháng đầu năm 2017, hệ thống đường giao thông trong thôn cơ bản đã được bê tông hóa, một số hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ xây dựng nhà ở, trường học được chỉnh trang, xây mới, hệ thống điện lưới được đầu tư một cách bài bản. Ngoài ra, các giống cây trồng, vật nuôi cũng được hỗ trợ đến tận tay bà con cùng với sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ làm công tác nông nghiệp. 
 
Gia đình chị K’ Phết là một hộ dân khó khăn thuộc dạng nhất nhì của cái thôn này, ngoài trông đợi vào một số ít cà phê thì không còn nguồn thu nào khác, ngay cả căn nhà che mưa che nắng cũng không thể là nơi dung thân lâu dài cho bốn mẹ con vì quá tồi tàn. Nhưng, niềm vui đã đến với người phụ nữ đơn thân này, khi được quan tâm đầu tư xây dựng nhà tình nghĩa và hỗ trợ 100 cây giống mắc ca cùng phân bón. Chị K’Phết phấn khởi: “Nhờ ơn Đảng và Nhà nước mà mình mới có được ngày hôm nay. Bây giờ nhà có, cây giống có mình sẽ tích cực làm ăn để phát triển kinh tế, nuôi con cái cho thành người, không để khổ cực, lầm lũi như ba mẹ của chúng nữa”.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lơ Mu Ha Pol - Bí thư Chi bộ thôn Hang Hớt vui mừng thông báo những kết quả nổi bật của địa phương: Hiện nay thôn có trên 287 ha trồng cà phê, là nguồn thu nhập chính của bà con. Một số hộ dân điển hình trong làm ăn kinh tế có thu nhập ổn định chừng 300 triệu đồng/năm, còn thu nhập chừng 50 triệu đến 80 triệu thì nhiều lắm. 50 triệu một năm đối với các nơi khác thì không phải là cao, nhưng đối với người dân thôn Hang Hớt quả là một kỳ tích, vì trước đây bà con phải chạy ăn từng bữa, thậm chí phải vào rừng để kiếm củ mài, củ mì lót dạ. Hiện, nông dân thôn chúng tôi đã biết tiếp cận và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điển hình như đã thực hiện tái canh cây cà phê, rồi đưa vào trồng dâu nuôi tằm đạt hiệu quả bước đầu trên diện tích 10 ha. Khởi điểm với nghề mới này chỉ vỏn vẹn 3 hộ dân, giờ thì 10 hộ, dự định thời gian tới sẽ có nhiều hộ dân tham gia nữa, diện mạo sản xuất sẽ có bước thay đổi rõ rệt. Ka Bình, Ha Li, Ha Thanh… là những hộ dân dám mạnh dạn với nghề trồng dâu nuôi tằm, tất cả họ đều cảm thấy vui sướng vì nguồn thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể, sắm sửa được nhiều vật dụng thiết yếu, đắt tiền để phục vụ cuộc sống. Ngoài ra, 6 ha rau, hoa phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao đang là một mô hình đáng để người dân học hỏi, đầu tư sản xuất trong thời gian tới. 
 
Diện mạo nông thôn thay đổi là điều rõ ràng nhận thấy ở Hang Hớt, nhưng điều không đổi của bà con chính là tâm tư, tình cảm luôn một lòng với Đảng và Nhà nước, bởi giờ đây họ không tin, không nghe và không làm theo những lời xúi giục của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để hòng nói xấu Đảng và Nhà nước nữa. Đối với họ, những người con của núi rừng Nam Tây Nguyên thì chính Đảng và Nhà nước đã cho họ một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, con em được đến trường chứ không phải những lời hứa suông của các thế lực thù địch.                   
 
ÐỨC TÚ