Xã hội hóa trong lĩnh vực KHHGĐ

08:09, 11/09/2017

Đề án "Xã hội hóa phương tiện tránh thai tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Lâm Đồng" giai đoạn 2016-2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, đa dạng về chủng loại, hình thức và chất lượng ngày càng cao của PTTT, hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với điều kiện...

Đề án “Xã hội hóa phương tiện tránh thai (XHH PTTT) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Lâm Đồng” giai đoạn 2016-2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, đa dạng về chủng loại, hình thức và chất lượng ngày càng cao của PTTT, hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) phù hợp với điều kiện, khả năng của các nhóm khách hàng, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và thực hiện thành công Chiến lược DS và SKSS giai đoạn 2011-2020.
 
Các PTTT chỉ cấp miễn phí cho đối tượng nghèo, cận nghèo nên những bà mẹ trẻ không thuộc đối tượng miễn phí cần được tuyên truyền, vận động sử dụng PTTT qua kênh tiếp thị xã hội và XHH. Ảnh: An Nhiên
Các PTTT chỉ cấp miễn phí cho đối tượng nghèo, cận nghèo nên những bà mẹ trẻ không thuộc đối tượng miễn phí cần được tuyên truyền, vận động sử dụng PTTT qua kênh tiếp thị xã hội và XHH. Ảnh: An Nhiên
Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đầu đề án chọn 2 loại PTTT (bao cao su, thuốc uống tránh thai) thực hiện XHH. Giai đoạn 2 chọn 2 loại PTTT lâm sàng (triệt sản, thuốc cấy tránh thai) thực hiện XHH trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo 100% phường, thị trấn và nông thôn phát triển có cơ sở thực hiện XHH cung cấp PTTT  và dịch vụ tránh thai hình thức phù hợp. Có 3 loại hàng hóa SKSS đảm bảo chất lượng được cung cấp tới người dân bao gồm: PTTT như bao cao su, thuốc uống tránh thai có từ 2 - 3 chủng loại khác nhau cho sự lựa chọn của khách hàng; cơ sở dịch vụ cung cấp phương tiện tránh thai lâm sàng (triệt sản, thuốc cấy tránh thai) thực hiện tại tuyến bệnh viện tỉnh, bệnh viện tư nhân, bệnh viện tuyến huyện; 100% các đối tượng thụ hưởng dịch vụ tránh thai lâm sàng, phi lâm sàng được tư vấn và quản lý theo dõi trước trong và sau nhận dịch vụ. Đồng thời, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cán bộ các ban, ngành, đoàn thể về lợi ích sử dụng PTTT, hàng hóa SKSS XHH và sự chuyển đổi hành vi của các nhóm khách hàng từ cung cấp miễn phí sang tự chi trả PTTT, hàng hóa SKSS, dịch vụ SKSS - KHHGĐ.
 
Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh ban hành văn bản triển khai XHH cung cấp PTTT, hàng hóa SKSS theo phân khúc thị trường để các đơn vị căn cứ vào nhu cầu thực tế tại địa phương đăng ký các sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện phân phối sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS; đẩy mạnh triển khai tiến độ thực hiện chương trình Choice năm 2016; tăng cường quản lý chất lượng PTTT, dịch vụ KHHGĐ - SKSS; đôn đốc các đơn vị tổ chức sự kiện truyền thông về một số chủng loại PTTT tại địa phương.
 
Củng cố và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tránh thai lâm sàng, phi lâm sàng: Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trình độ chuyên môn cán bộ y tế cung cấp dịch vụ; nâng cao nhận thức, tránh nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân về các quy định của nhà nước trong tham gia dịch vụ cung cấp XHH PTTT và dịch vụ KHHGĐ - SKSS; ổn định, nâng cao kỹ năng đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên (CTV) DS tham gia XHH phương tiện tránh thai tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển. Cụ thể, Chi cục DS - KHHGĐ cấp phát tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn về các PTTT, tổ chức tập huấn cập nhật, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tư vấn sử dụng các chủng loại PTTT cho người cung ứng PTTT, người cung cấp dịch vụ KHHGĐ - SKSS trên thị trường và trong chương trình. Truyền thông cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương, người có thu nhập cao thay đổi nhận thức về XHH PTTT, chấp nhận chi trả khi thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT).
 
Nhân rộng các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ có chất lượng và hiệu quả đã triển khai thành công hoặc đánh giá có hiệu quả của các cơ sở y tế công lập để thực hiện XHH và đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận của người nghèo, cận nghèo và các nhóm dân cư được ưu tiên theo chính sách của nhà nước, phù hợp nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả, tập quán của từng vùng miền, từng đối tượng. Thực hiện chính sách khuyến khích cơ sở y tế công lập thực hiện XHH cung cấp PTTT. Khuyến khích và huy động các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia thực hiện XHH dịch vụ KHHGĐ. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành quản lý hậu cần PTTT XHH. Sử dụng nhân viên và trang thiết bị tin học của cơ sở XHH để hình thành các điểm thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin trực tuyến qua internet của kho dữ liệu điện tử thông tin quản lý, hậu cần của Đề án. 
 
Kết quả đạt được năm 2016 cho thấy, nhận thức vấn đề XHH về y tế - DS của các cấp và cộng đồng được nâng lên một bước, đặc biệt các cấp ủy đảng, chính quyền đã nhận thức hơn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác XHH. Các nguồn lực xã hội bước đầu được khai thác, phát huy có hiệu quả, nguồn lực XHH đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp DS - KHHGĐ. Khu vực ngoài công lập phát triển với nhiều loại hình và phương thức hoạt động đa dạng. Các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ SKSS - KHHGĐ ngoài công lập tiếp tục được hình thành và tăng cả về số lượng và chất lượng, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên. Đội ngũ làm công tác DS từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đội ngũ CTV DS - KHHGĐ đã tích cực tham gia tiếp thị xã hội các PTTT.
 
Trong năm 2016, các PTTT tiếp nhận từ Tổng cục DS - KHHGĐ và cấp phát cho các đơn vị thực hiện dịch vụ để cung cấp cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông qua 3 kênh gồm: Miễn phí, tiếp thị xã hội và XHH với tổng số PTTT tiếp nhận là 210.790, số PTTT cấp phát 417.023. Trong đó: Kênh miễn phí cấp 357.121 (chiếm 85,6%); kênh tiếp thị xã hội cấp 29.600 (chiếm 7,1%); kênh XHH cấp 30.302 (chiếm 7,3%).  
 
Cùng thời điểm này, toàn tỉnh có 167.892 cặp vợ chồng áp dụng các BPTT, tỷ lệ sử dụng các BPTT chung là 73,49%, giảm 2,5% so với năm 2015. Trong đó, tỉ lệ áp dụng các BPTT hiện đại là 63,95%, không đạt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. 
 
BS Đinh Đức Thọ - Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho biết: Thuận lợi trong công tác XHH các PTTT tại Lâm Đồng là các nhóm đối tượng sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ. Đội ngũ phân phối sẵn có 2.216 CTV DS ở tổ dân phố, thôn, bản và 147 cán bộ chuyên trách DS nhiệt tình, trách nhiệm có nhiều năm tham gia cung cấp dịch vụ tránh thai miễn phí và tiếp thị xã hội. Hàng năm khách hành sử dụng dịch vụ tránh thai lâm sàng, phi lâm sàng tại khu vực đô thị và nông thôn phát triển (khách hàng hưởng lương, khách hàng khá giả) tăng dần sẵn sàng tự chi trả dịch vụ tránh thai thông qua kênh tiếp thị xã hội được triển khai từ năm 2010. Các cơ sở cung cấp dịch vụ tránh thai lâm sàng (triệt sản, đặt vòng, thuốc tiêm, thuốc cấy) tại các tuyến đáp ứng nhu cầu dịch vụ có chất lượng, an toàn cho khách hàng tham gia các dịch vụ tránh thai. Các sản phẩm PTTT đa dạng phong phú về chủng loại để cho đối tượng có nhiều sự lựa chọn.
 
Ngoài ra, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh nhận được các dịch vụ hỗ trợ từ chương trình Choice nên góp phần vào hoàn thành các chỉ tiêu DS - KHHGĐ. Năm 2016 Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh được phân bổ 8.700 chỉ tiêu đặt dụng cụ tử cung (DCTC) của chương trình Choice. Đến hết tháng 12/2016 Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã thực hiện được 7.236 ca đặt DCTC, đạt 83,2% so với kế hoạch năm.
 
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều khó khăn như cùng thời điểm, trên cùng địa bàn triển khai cùng lúc 3 kênh cung cấp dịch vụ (kênh miễn phí, tiếp thị xã hội, XHH) cũng tạo rào cản cho cơ sở cung cấp dịch vụ tránh thai lâm sàng, phi  lâm sàng. Một bộ phận khách hàng còn chưa thích ứng với kênh XHH, còn quen trong việc được sử dụng các phương tiện miễn phí, nhất là đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, việc vận động tuyên truyền đến người dân gặp không ít khó khăn.
 
Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT - BTC - BYT quy định đối tượng ưu tiên được miễn phí thực hiện dịch vụ KHHGĐ phải là đối tượng nghèo, cận nghèo, trong khi việc chậm ban hành khung giá XHH về các dịch vụ này dẫn đến việc không đáp ứng kịp thời nhu cầu người dân. Kinh phí truyền thông còn ít nên khó khăn trong công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người sử dụng chuyển dần từ miễn phí sang tự chi trả, vận động thực hiện XHH cho khách hàng chưa được thường xuyên, liên tục.
 
AN NHIÊN