Khoảng 67% người cao tuổi Việt trong tình trạng sức khỏe kém

09:10, 03/10/2017

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến hơn 67% người cao tuổi sống trong tình trạng sức khỏe kém. Đa số người cao tuổi gặp khó khăn về vật chất. 

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến hơn 67% người cao tuổi sống trong tình trạng sức khỏe kém. Đa số người cao tuổi gặp khó khăn về vật chất. 
 
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Người cao tuổi Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính (tiểu đường, huyết áp…). 
 
Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi...
 
Thông tin trên được Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đưa ra nhân ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10).
 
Năm 1990, nhằm tập trung sự quan tâm chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi, Đại hội đồng Liên Hợp quốc quyết định lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm là ngày Quốc tế người cao tuổi.
 
Báo cáo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi, tức trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi lục tuần. Số người cao tuổi dự báo sẽ tăng từ 900 triệu người lên 2 tỷ vào năm 2050.
 
Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, tương đương khoảng 11%. Riêng số người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người. 
 
Tại Việt Nam hiện nay, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, làm nông dân và làm nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa là mỗi người cao tuổi có khoảng 10 năm sống không khỏe.
 
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như Australia 73 năm, Hoa Kỳ 69 năm, Canada 65 năm… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm. 
 
Dự báo đến năm 2030, người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% (19 triệu người) và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050 (28 triệu người).
 
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, dòng di cư quốc tế… Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
 
Năm nay, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của APEC, vì vậy vấn đề già hóa dân số và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đã được coi là một ưu tiên của APEC. Già hóa dân số là một vấn đề mang tính quốc tế và là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo trong khu vực cũng như của thế giới.
 
Kỷ niệm 27 năm Ngày Quốc tế người cao tuổi, năm nay Liên hợp quốc đã chọn chủ đề: “Bước vào tương lai: Khai thác tài năng, huy động sự đóng góp và tham gia của người cao tuổi trong xã hội” và chủ đề của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế là: “Chủ động với thích ứng già hóa dân số.” 
 
Trong dịp này, nhiều hoạt động hướng tới người cao tuổi được tổ chức với mục đích đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi./.
 
(Theo vietnam+)