Sự chuyển mình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

11:09, 18/09/2019

"Trước đây, người đồng bào DTTS chúng tôi chỉ cần đủ ăn thôi là mừng lắm rồi. Bây giờ, nhiều người không những thoát được nghèo, còn biết vươn lên làm giàu. Ðó là nhận xét của nhiều người khi được hỏi về sự đổi thay ở vùng DTTS trên địa bàn huyện Di Linh.

“Trước đây, người đồng bào DTTS chúng tôi chỉ cần đủ ăn thôi là mừng lắm rồi. Bây giờ, nhiều người không những thoát được nghèo, còn biết vươn lên làm giàu. Ðó là nhận xét của nhiều người khi được hỏi về sự đổi thay ở vùng DTTS trên địa bàn huyện Di Linh.
 
Bây giờ, người DTTS đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong việc chăm sóc cây cà phê để tăng thu nhập
Bây giờ, người DTTS đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong việc chăm sóc cây cà phê để tăng thu nhập
 
Thay da đổi thịt qua từng ngày
 
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Di Linh Lê Văn Lượng cho rằng, mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng sự thay da đổi thịt là điều thấy rõ trong vùng DTTS huyện Di Linh. Nổi bật là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng từng bước hoàn thiện, đời sống người dân ngày một nâng cao, tình hình trật tự - an toàn xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh giữ vững, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS giảm sâu qua từng năm. “Năm 2015, huyện Di Linh có 2.463 hộ nghèo DTTS (chiếm tỷ lệ 18,06%), đến năm 2018, số hộ nghèo DTTS giảm xuống còn 1.118 hộ (chiếm tỷ lệ 8,09%)”, ông Lê Văn Lượng cho biết.
 
Theo ông Lê Văn Lượng, để đạt được kết quả quan trọng đó, trong những năm qua, huyện Di Linh đã lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh và địa phương. Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2019, từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Di Linh đầu tư trên 35,6 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, cũng như hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo mua phân bón, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng - vật nuôi, với số tiền hơn 15,5 tỷ đồng của Chương trình 30a. Từ năm 2014 - 2019, 4.098 hộ sinh sống tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn cũng đã được huyện Di Linh hỗ trợ trên 3 tỷ đồng và tạo điều kiện giúp 484 hộ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Ngoài ra, huyện Di Linh còn hỗ trợ chi phí học tập cho 3.332 học sinh, sinh viên, với số tiền trên 7,6 tỷ đồng. Cùng với đó, các chính sách đối với già làng, người uy tín trong vùng DTTS luôn được huyện Di Linh đặc biệt quan tâm. Hàng năm, huyện Di Linh đều tổ chức gặp gỡ các già làng, người uy tín, đồng thời tổ chức cho các già làng, người uy tín đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh. Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo cũng được huyện Di Linh thực hiện tốt. Giai đoạn 2014 - 2018, huyện Di Linh hỗ trợ cây giống cho 1.804 hộ với số tiền hơn 1,7 triệu đồng và hỗ trợ trên 3,7 tỷ đồng cho 20.108 khẩu. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn vùng DTTS. Giai đoạn 2015 - 2018, tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Di Linh là hơn 11.670 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp trên 32 tỷ đồng. “Bộ mặt vùng DTTS có nhiều chuyển biến tích cực như vậy, trước hết là nhờ sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, sau nữa là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của bản thân người DTTS. Từ đó, sản xuất nông nghiệp phát triển, cuộc sống của bà con được nâng lên, đặc biệt là nhận thức của bà con đã có nhiều thay đổi rõ nét”, ông Lê Văn Lượng chia sẻ.
 
Nâng cao thu nhập cho người dân
 
Ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, chia sẻ rằng, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của huyện Di Linh là nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho người dân vùng DTTS, giảm sự chênh lệch về thu nhập với vùng khác, để đảm bảo đạt tiêu chí thu nhập...
 
Thế nên, huyện Di Linh chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giúp phát triển sản xuất, đồng thời tạo sinh kế cho người dân trong việc giao 75.000 ha rừng cho 2.324 hộ nhận khoán bảo vệ, cũng như vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, gắn với thị trường tiêu thụ. “Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở vùng DTTS huyện Di Linh đã có nhiều chuyển biến theo hướng đa dạng cây trồng. Bên cạnh cây chủ lực cà phê, người dân nơi đây còn trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, mắc ca, hồ tiêu, dâu tằm... nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Nếu trước đây, người DTTS còn hạn chế về nhận thức, thì nay bà con đã chịu khó làm ăn, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... nên đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng bền vững. Nhiều hộ DTTS đã vươn lên làm giàu, nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp điển hình đã xuất hiện. Điển hình như mô hình trồng cây và chăn nuôi sinh thái của anh K’Brooke, mô hình ghép cải tạo cây cà phê của chị K’Chi Hoa...”, ông Trần Nhật Thi tâm sự.
 
Tuy nhiên, ông Trần Nhật Thi cũng lưu ý, trong các dự án đa dạng hóa sinh kế mà huyện Di Linh tổ chức, vẫn còn một bộ phận người DTTS có ý ỷ lại, nên việc huy động nguồn vốn đối ứng bị hạn chế. “Quan điểm của chúng tôi là phải có nguồn đối ứng khi triển khai các chương trình, dự án trong vùng DTTS để bà con có trách nhiệm hơn với đồng tiền mình bỏ ra. Từ đó, việc đầu tư chắc chắn sẽ hiệu quả tốt hơn”, ông Trần Nhật Thi nói.
 
TRỊNH CHU