Giải quyết vấn đề rác thải y tế nguy hại

06:10, 01/10/2019

Theo Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn Lâm Đồng, UBND tỉnh định hướng xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo cụm cơ sở y tế...

Theo Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn Lâm Đồng, UBND tỉnh định hướng xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo cụm cơ sở y tế. Việc tổ chức 12 cụm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phù hợp với tình hình thực tế của địa phương chưa có mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung cho cả tỉnh. 
 
Kim châm cứu đã qua sử dụng thuộc loại chất thải y tế nguy hại lây nhiễm sắc nhọn
Kim châm cứu đã qua sử dụng thuộc loại chất thải y tế nguy hại lây nhiễm sắc nhọn
 
Thực trạng xử lý chất thải rắn y tế nguy hại 
 
Theo ước tính năm 2018, lượng chất thải y tế nguy hại dạng rắn phát sinh từ hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh gần 330 tấn/năm; trong đó chất thải nguy hại lây nhiễm là 113 tấn/năm, chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm 7,6 tấn/năm, còn lại là chất thải y tế thông thường gần 209 tấn/năm.
 
Trong y tế phân loại chất thải nguy hại lây nhiễm bao gồm: Chất thải lây nhiễm sắc nhọn (có thể gây ra vết cắt hoặc xuyên thủng như kim tiêm, bơm liền kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, kim chọc dò, kim châm cứu, lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật…). Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (chất thải thấm, dính chứa máu hoặc dịch sinh học cơ thể, các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly). Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên theo quy định tại Nghị định 92 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm. Chất thải giải phẫu (mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ và xác động vật thí nghiệm). 
 
Chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm bao gồm: hóa chất thải bỏ có các thành phần gây hại; dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất; thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng; chất hàn răng amalgam thải; chất thải nguy hại khác theo quy định tại Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh nhận định chung, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại còn nhiều hạn chế, điều này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng nếu không kịp thời xử lý, khắc phục. Hầu hết các cơ sở y tế đã bố trí túi nilon, hộp an toàn và các xô, thùng để phục vụ công tác thu gom, phân loại. Về cơ bản, công tác thu gom, phân loại chất thải y tế, trong đó có chất thải rắn y tế nguy hại đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc bố trí túi nilon, hộp an toàn đảm bảo theo quy định chưa đầy đủ, hoặc túi nilon, hộp an toàn chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật; tại một số cơ sở y tế còn có hiện tượng để chất thải nguy hại không đúng với dụng cụ, thiết bị thu gom theo quy định, hoặc có lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường và chất thải nguy hại khác loại.
 
Lâm Đồng đã và đang áp dụng 2 mô hình xử lý chất thải rắn y tế cho các bệnh viện, đó là xử lý tại chỗ và xử lý theo cụm. 
 
Các bệnh viện chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn để xử lý tại chỗ thì hợp đồng với các Công ty Dịch vụ Đô thị Đà Lạt và Bảo Lộc để vận chuyển và xử lý tập trung. Cụ thể, mô hình xử lý tại chỗ hiện có các cơ sở y tế có lò đốt chất thải gồm: Trung tâm Y tế Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Đạ Huoai, Cát Tiên, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt. Có 2 cơ sở y tế sử dụng phương pháp xử lý rác thải y tế khác là Trung tâm Y tế Đức Trọng (hấp) và Bảo Lâm (chôn lấp). Công nghệ lò đốt rác y tế của các đơn vị này là buồng đốt 2 cấp sử dụng nhiên liệu đốt là dầu DO, cho nên, hiện nay các lò đốt hoạt động trong tình trạng gây ô nhiễm không khí rất lớn, với công suất nhỏ không đáp ứng được yêu cầu xử lý khối lượng lớn chất thải rắn nguy hại phát sinh tại bệnh viện. Ngoài ra, do lò đốt gần khu dân cư nên đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh.
 
Để đảm bảo môi trường và thực tế hoạt động khám chữa bệnh ngày càng mở rộng quy mô và số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng đông, lượng rác thải rắn y tế phát sinh càng nhiều, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt đã ngưng sử dụng lò đốt rác tại chỗ, bắt đầu từ năm 2019 thực hiện hợp đồng với Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt để xử lý rác y tế.
 
Hiện nay, Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt đang hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế nguy hại với 77 bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, với khối lượng khoảng 85 tấn/năm.
 
Nước thải y tế chưa được giám sát chặt chẽ
 
Thống kê lượng nước thải từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay xả ra môi trường khoảng 950 m3/ngày đêm. Tại các bệnh viện, lưu lượng nước thải y tế xả ra môi trường nhiều nhất tập trung vào buổi sáng. Đối với nước thải y tế, tại phần lớn các bệnh viện tuyến huyện không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không đạt chuẩn hoặc đã xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư xung quanh. 
 
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở y tế thực hiện xử lý nước thải bằng công nghệ AAO cho kết quả đạt tiêu chuẩn nước thải đầu ra (2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh); còn lại các công trình xử lý nước thải tại các cơ sở y tế nếu có đều áp dụng công nghệ xử lý sinh học và được khử trùng trước khi thải ra môi trường. Quá trình nâng cấp quy mô giường bệnh những năm qua và tình trạng quá tải tại các bệnh viện dẫn đến quá tải các hệ thống xử lý nước thải. Hiệu quả xử lý và chất lượng nước thải y tế sau khi xử lý chưa được thực hiện giám sát định kỳ nên chưa đánh giá được hiệu quả và chất lượng nước sau khi xử lý. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong thời gian tới cần chấn chỉnh hoạt động vận hành của hệ thống xử lý nước thải y tế, thường xuyên giám sát hoạt động và các kết quả kiểm tra phân tích chất lượng nước thải y tế xả ra môi trường.
 
Định hướng xử lý chất thải nguy hại theo cụm cơ sở y tế
 
Theo Kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế của UBND tỉnh định hướng xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm cơ sở y tế, toàn tỉnh chia thành 12 cụm. Tại TP Đà Lạt, Công ty Dịch vụ Đô thị Đà Lạt xử lý chất thải nguy hại cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế, các phòng khám, trạm y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn Đà Lạt. Tại TP Bảo Lộc, Công ty Dịch vụ Đô thị Bảo Lộc được phép xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Bảo Lộc, Trung tâm Y tế, các phòng khám, trạm y tế, các cơ sở y tế trên địa bàn Bảo Lộc.
 
Các Trung tâm Y tế của các huyện ngoài việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại đơn vị mình phát sinh, được phép xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các phòng khám, trạm y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn huyện.
 
Việc xử lý chất thải y tế tại chỗ trong các trường hợp sau: Các cơ sở y tế xử lý chất thải rắn nguy hại theo cụm, phải đầu tư công trình để thu gom, lưu giữ nước thải y tế phát sinh, có biện pháp tự xử lý phù hợp trước khi thải ra ngoài môi trường theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế. Đối với các cơ sở y tế không thuộc danh mục mô hình cụm và đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh từ hoạt động của đơn vị. 
 
Đối với các cơ sở y tế còn lại (không có tên trong cụm xử lý chất thải y tế nguy hại và chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải) được áp dụng các phương pháp xử lý và tiêu hủy chất thải rắn y tế nguy hại (thiêu, đốt, chôn lấp hợp vệ sinh…) theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, phải đầu tư công trình để thu gom, lưu giữ nước thải y tế phát sinh, có biện pháp xử lý phù hợp trước khi thải ra ngoài môi trường theo quy định hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 
AN NHIÊN