Giữ vững tiêu chí môi trường để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

06:10, 15/10/2019

Tiêu chí số 17 - tiêu chí môi trường được xác định cần ít vốn đầu tư, khó đạt nhưng dễ tụt "dốc". Huyện Đơn Dương xác định, để xây dựng thành công nông thôn mới kiểu mẫu cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, ý thức và thay đổi thói quen, hành vi trong ứng xử với môi trường. 

Tiêu chí số 17 - tiêu chí môi trường được xác định cần ít vốn đầu tư, khó đạt nhưng dễ tụt “dốc”. Huyện Đơn Dương xác định, để xây dựng thành công nông thôn mới kiểu mẫu cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, ý thức và thay đổi thói quen, hành vi trong ứng xử với môi trường. 
 
Đường làng, ngõ xóm được chỉnh trang xanh - sạch - đẹp
Đường làng, ngõ xóm được chỉnh trang xanh - sạch - đẹp
 
Những cách làm hay
 
Sự vào cuộc tích cực, năng động, sáng tạo của các cấp hội phụ nữ  (HPN) trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức không chỉ của hội viên, phụ nữ mà còn của Nhân dân về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, HPN các cấp thực hiện có hiệu quả phong trào “5 không, 3 sạch” bằng những cách làm hay, thiết thực đã góp phần cùng với địa phương làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
 
Quảng Lập là một trong những địa phương thực hiện tốt vấn đề môi trường, qua mô hình “5 không, 3 sạch” của HPN xã thường xuyên nhắc nhở chị em vệ sinh nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đặc biệt, tại xã đã xây dựng được mô hình nuôi trùn quế, làm giảm tối đa vốn đầu tư ban đầu bằng việc tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương (phế phẩm rau sau thu hoạch) để tạo ra sản phẩm trùn quế và phân bón phục vụ lại nhu cầu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi hiện nay của người dân. Qua phương pháp này đã giúp các hộ gia đình chị em sử dụng trùn quế để tự phân hủy rác thải từ rau, củ, quả...; góp phần giảm tải gánh nặng rác thải.  
 
Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, xã Ka Đô tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và được người dân hưởng ứng. Đặc biệt là tập trung thay đổi rõ nét về cảnh quan môi trường với việc chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, đường hoa nhân rộng ở 5 thôn. Tại địa bàn có trên 95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, ông Ka Long Ba - Bí thư Chi bộ thôn Ta Ly 2 cho hay: Để xây dựng mô hình trồng hoa, hàng rào ngay ngắn được hiệu quả, thôn đã tích cực tuyên truyền bà con xây hàng rào xung quanh. Bên cạnh đó, cán bộ thôn cũng đến từng hộ gia đình để kêu gọi bà con trồng hoa dọc hai bên con đường lớn, nhằm tạo dựng môi trường xanh - sạch - đẹp và hướng tới mục tiêu là xã nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Hay như mô hình Câu lạc bộ Cựu chiến binh bảo vệ môi trường của tổ dân phố Nghĩa Hội rất hữu ích. Mô hình được triển khai xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương khi mà trên địa bàn tổ dân phố có 2 nhánh suối lớn từ khu vực đất sản xuất nông nghiệp chảy trực tiếp ra sông Đa Nhim; bên cạnh đó, 95% số nhà ở của người dân nằm trên đất sản xuất và quanh khu vực đất sản xuất nông nghiệp, lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thải ra môi trường nhiều. Nhờ mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Đến nay, trên địa bàn đã không còn cảnh bao bì, chai lọ thuốc BVTV vương vãi khắp nơi. 
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, nhiều địa phương, đoàn thể của huyện đã xây dựng, thực hiện được các mô hình sạch nhà, sạch ngõ, sạch xóm; đoạn đường xanh - sạch - đẹp; xây hố xử lý thuốc BVTV tập trung; hỗ trợ xây hầm biogas xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi. Không những vậy, các ngành, địa phương còn tổ chức nhiều đợt ra quân thực hiện các chiến dịch bảo vệ môi trường, khơi thông dòng chảy, trồng cây xanh,... Từ đó, mang lại những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường.
 
Giữ vững tiêu chí “động”
 
Điều quan trọng để thực hiện thành công tiêu chí môi trường là các ngành, địa phương phải thực hiện đồng bộ, tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, tập quán, thói quen của người dân. Việc này phải được triển khai từ nhà trường, trong các buổi hội họp, sinh hoạt của cộng đồng dân cư,... 
 
Qua thực tiễn triển khai, hầu hết các xã đều đánh giá môi trường là một trong những tiêu chí khó song vẫn cố gắng đạt được. Để đạt được tiêu chí này, các xã phải đạt được 5 nội dung nhỏ, bao gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia; các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. 
 
Với nhiều giải pháp thiết thực, tiêu chí môi trường đã được Đơn Dương thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các chỉ tiêu về môi trường đều đạt so với quy định. Đến nay, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định của huyện là 92%; tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường là 273 hồ sơ; thu gom rác thải, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch, theo quy định cụ thể của UBND tỉnh; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch: 85%; tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm 100%.
 
Đặc biệt, thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo về công tác xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường, các phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp, tuyến đường hoa, khu dân cư kiểu mẫu được triển khai rộng khắp và đạt được nhiều kết quả. Ông Hoàng Công Hiếu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện không có hoạt động làm suy giảm môi trường. Công tác vận động, tuyên truyền bảo vệ môi trường được tổ chức thường xuyên, ý thức của cộng đồng dân cư ngày càng được nâng lên. Mỗi xã, thị trấn đều có đơn vị thu gom rác thải, định kỳ có những đợt phát động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia như: Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Nước sạch và vệ sinh môi trường, tổ chức trồng cây xanh, chỉnh trang diện mạo nông thôn… Đến nay, tổng số xã đạt tiêu chí môi trường là 8/8 xã, tỉ lệ 100%. Các xã đang hoàn thiện các nội dung trong tiêu chí để đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa cao trong việc thu gom rác thải sinh hoạt, thu gom xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số xã cho rằng không nên nghĩ môi trường là tiêu chí “mềm” dễ thực hiện, bởi không phải thực hiện bằng việc phân bổ kinh phí mà chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức, ý thức của người dân. 
 
Để từng bước hoàn thành tiêu chí môi trường của nông thôn mới kiểu mẫu, Đơn Dương đã có một số giải pháp như ngoài việc phân bổ nguồn vốn đầu tư cho môi trường, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân từng bước thay đổi nhận thức, các địa phương chủ động huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, bởi lẽ xây dựng nông thôn mới chính là phục vụ cho đời sống người dân.
 
HOÀNG YÊN