Người giữ "hồn cốt" ông cha

06:10, 10/10/2019

Đôi mắt của già Pang Ting Ha Thét dường như chất chứa nhiều hơn những nỗi buồn khi ai đó nhắc về cồng chiêng. "Lũ trẻ bây giờ chúng không muốn biết, không còn đam mê, buồn lắm", ông bất chợt thảng thốt.

Đôi mắt của già Pang Ting Ha Thét dường như chất chứa nhiều hơn những nỗi buồn khi ai đó nhắc về cồng chiêng. “Lũ trẻ bây giờ chúng không muốn biết, không còn đam mê, buồn lắm”, ông bất chợt thảng thốt.
 
Những chiếc chóe được già làng Ha Thét cất giữ, lau chùi cẩn thận
Những chiếc chóe được già làng Ha Thét cất giữ, lau chùi cẩn thận
 
Trong không gian chật hẹp trong ngôi nhà của già làng Pang Ting Ha Thét (69 tuổi; ngụ thôn Liêng K’Rắc II, xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông) chứa đầy những báu vật của đồng bào Tây Nguyên; chóe rượu, gùi, bộ cồng chiêng... được sắp xếp gọn gàng.
 
Sau một hồi trò chuyện, ông mới vào nhà lấy bộ cồng chiêng ra xem, ông nói “tôi quý nhất là bộ cồng chiêng gồm 6 chiếc, không biết chúng có từ bao giờ mà chỉ biết đây là bộ cồng chiêng do cha ông từ nhiều đời để lại, vì vậy tôi phải giữ gìn như “hồn” của dân tộc mình, những chiếc cồng chiêng được sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng như đám cưới, mừng lúa mới, đưa người chết ra mồ... có nhiều ý nghĩa”.
 
Hàng ngày, già làng người M’nông vẫn đưa ra lau chùi, chăm chút, tránh để rơi, rớt làm ảnh hưởng đến âm thanh của tiếng cồng chiêng. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Pang Ting Ha Thét quyết không bán những báu vật này, ông luôn cất giữ và bảo quản chặt chẽ.
 
Đưa mắt nhìn từng chiếc cồng chiêng, già làng Ha Thét cho biết, ông hiện giờ là Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Liêng K’Rắc II,  ông mong muốn sẽ có thêm nhiều thành viên tham gia, bởi giới trẻ bây giờ ham mê tiếng nhạc sập sình không mấy ai để ý đến hồn chiêng - thứ âm thanh mê hoặc lòng người, không biết người dân mình còn giữ được tiếng cồng chiêng ấy đến bao giờ, là văn hóa cha ông thì phải giữ nguyên vẹn, sau này lúc cưới hỏi, cúng mùa thì lấy ai chơi.
 
Không chỉ sở hữu bộ cồng chiêng quý, trong nhà già làng Ha Thét còn lưu giữ 8 chiếc chóe rượu cần loại to và 20 cái loại nhỏ, hình trên chóe là biểu tượng nhà rông, được ông sắp xếp ngay ngắn. Nói về vật dụng này, già làng cho hay, theo phong tục của buôn làng thì đây là sính lễ được nhà gái mang sang khi con trai ông lấy vợ cách đây gần 40 năm. Từ đó, trong những dịp đặc biệt, ông làm rượu cần bỏ vào chóe ủ rồi đến ngày đem ra chung vui trong những dịp từ việc làng đến việc của gia đình khác.
 
Vài chục năm về trước, nhiều  đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ khá nhiều vật dụng truyền thống dùng trong đời sống hằng ngày, thế nhưng bây giờ hiếm thấy ở các gia đình những món đồ quý giá này, do một thời không biết giá trị tinh thần của các món đồ ấy nên họ đã bán đi, nhà nào nay còn may mắn sở hữu, họ hiểu ra rằng đây là vật quý của tổ tiên để lại, mang ý nghĩa và giá trị lớn lao nên giữ gìn khá kỹ lưỡng.
 
Để giữ gìn bản sắc văn hóa, già làng Ha Thét ngày ngày nỗ lực cùng với chính quyền địa phương truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho con cháu trong nhà và những người trẻ trong làng. Làm sao để kéo gần lớp trẻ với chồng chiêng  không chỉ là trăn trở của riêng già làng Ha Thét mà còn là một trong những thách thức mà thế hệ đi trước người M’nông đang phải đối mặt.
 
Một đời gìn giữ những vật thiêng, món đồ cổ này đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của già làng Pang Ting Ha Thét. Ông giữ những vật thiêng ấy  không chỉ để cho riêng mình mà còn cho cả lớp trẻ mai sau.
 
PHƯƠNG LÂM - ĐĂNG LỘ