Đơn Dương: Đảm bảo chất lượng các công trình thủy lợi

06:11, 11/11/2019

Với nhiều giải pháp được thực hiện, trong 3 năm qua (từ 2017 - 2019), tỷ lệ kênh thủy lợi trên địa bàn huyện Đơn Dương đã được kiên cố hóa đạt 72,27%... 

Với nhiều giải pháp được thực hiện, trong 3 năm qua (từ 2017 - 2019), tỷ lệ kênh thủy lợi trên địa bàn huyện Đơn Dương đã được kiên cố hóa đạt 72,27%. Qua đó, cùng với các nguồn nước từ sông, suối và nước ngầm, các công trình thủy lợi đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. 
 
Nguồn nước từ các công trình thủy lợi đang đáp ứng khoảng 13% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đơn Dương
Nguồn nước từ các công trình thủy lợi đang đáp ứng khoảng 13% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đơn Dương
 
Theo số liệu thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, hiện trên địa bàn huyện có 39 công trình thủy lợi, gồm 12 đập dâng; 3 liên đập dâng; 3 cống dâng; 14 hồ chứa; 1 liên hồ chứa; 2 trạm bơm điện; 3 hệ thống đập, đường ống và bể chứa; 1 đường ống. Trong đó, Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng quản lý 7 công trình chính và 5 công trình nằm trong hệ thống thủy lợi của hồ chứa; Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện quản lý 20 công trình; người dân tự quản lý 5 công trình (4 hồ chứa và 1 đường ống); Hợp tác xã quản lý 2 công trình (1 hồ chứa và 1 trạm bơm).
 
Theo đó, nguồn nước từ công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu gần 2.500 ha, phục vụ tưới cho khoảng 13% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, bên cạnh 35% nguồn từ sông, suối (chủ yếu ven sông Đa Nhim với khoảng 6.600 ha), và 52% nguồn từ nước ngầm (khai thác từ giếng đào, giếng khoan, tưới trực tiếp hoặc chứa ở các hồ nhỏ của gia đình để tưới cho cây trồng với tổng diện tích lấy từ nguồn nước ngầm trên 10.524 ha).
 
Tính đến hết tháng 7/2019, tổng số hạng mục công trình được giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ đầu tư là 33 công trình, với tổng số vốn được giao trên 21 tỷ đồng. Cụ thể: Năm 2017 có 6 công trình với tổng vốn gần 3,1 tỷ đồng; năm 2018 có 11 công trình với tổng vốn trên 7,1 tỷ đồng; năm 2019 có 16 công trình với tổng vốn trên 11 tỷ đồng. Tính từ tháng 1/2016 đến hết tháng 7/2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương đã tiến hành thực hiện đầu tư và đưa vào sử dụng 24 hạng mục công trình, trong đó: sửa chữa 3 đập dâng, xây dựng 1 cầu qua đập dâng, nạo vét 2 hồ chứa và kiên cố hóa 4.910 m kênh, lắp 6.557 tấm đan trên kênh, nạo vét trên 5.598 m kênh. Tổng chiều dài kênh thủy lợi trên toàn huyện tính đến hết năm 2018 là 117,1 km; trong đó, chiều dài kênh đã được kiên cố hóa là 84,627 km, tỷ lệ kiên cố hóa đạt 72,27%.
 
Riêng trong năm 2019 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 công trình, đang thi công 4 công trình, 5 công trình đang chờ thi công, 3 công trình đang trình thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Tổng số tiền đã giải ngân trên 14 tỷ đồng.
 
Theo bà Tou Prong Nai Khoan - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, công tác đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý dự án, từ khâu lựa chọn tư vấn thiết kế đến khâu thẩm tra, thẩm định; lựa chọn nhà thầu thi công; lựa chọn tư vấn giám sát; chọn nhà thầu quản lý dự án và thanh toán các khối lượng công việc hoàn thành trong 3 giai đoạn đầu tư, từ chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng. Các công trình đều đảm bảo tiến độ thi công, đạt chất lượng, đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả đầu tư.
 
Bên cạnh đó, các công trình được phê duyệt đều phù hợp với vốn ngân sách nhà nước, tránh được tình trạng kế hoạch đầu tư bị cắt khúc dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán, lãng phí nguồn lực của Nhà nước, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; công tác thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, dự án, thiết kế, dự toán đã được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát kỹ từ hồ sơ đến hiện trường, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các dự án được phê duyệt đều có quy mô xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tế sử dụng, công tác quản lý chi phí đầu tư được siết chặt từ quản lý giá vật liệu đến quản lý khối lượng và chi phí khác liên quan đến hoạt động đầu tư. 
 
Từ đó, các công trình thủy lợi được nạo vét, sửa chữa, kênh mương đã cơ bản được kiên cố hóa phục vụ cho sản xuất, đáp ứng được khả năng tưới. Nhiều công trình thủy lợi mang tính cấp bách được hoàn thành kịp thời phục vụ cho sản xuất. 
 
Ngoài ra, bà Tou Prong Nai Khoan cho biết, hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành phối hợp với các phòng, ban liên quan và UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra hiện trạng, kết quả tưới thực tế của các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, Phòng tổng hợp, báo cáo UBND huyện, các cơ quan, ban, ngành cấp trên để đề xuất nạo vét, nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi, ưu tiên các công trình thủy lợi mang tính cấp bách cần phải nạo vét, sửa chữa trước cao điểm mùa mưa, trước các vụ tưới trong năm. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất các công trình mang tính cấp bách để tham mưu đề xuất UBND huyện, các ngành cấp trên cấp kinh phí nạo vét, nâng cấp, sửa chữa. 
 
Mặc dù vẫn còn gặp một vài khó khăn như tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, lưu lượng mưa lớn đã làm hư hỏng, bồi lấp hệ thống kênh mương ở một số công trình thủy lợi, ảnh hưởng đến khả năng phục vụ sản xuất; nguồn vốn để nạo vét, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện còn hạn chế; tuy nhiên, huyện Đơn Dương vẫn đang nỗ lực kiên cố hóa 27,78% hệ thống kênh tưới còn lại trên địa bàn, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
 
VIỆT QUỲNH