Lộc An trở mình thành thị trấn sầm uất

05:11, 21/11/2019

Đầu tháng 10 qua, chúng tôi về Lộc An - xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 và hiện nằm trong nhóm trung bình thu nhập cao của huyện Bảo Lâm...

Đầu tháng 10 qua, chúng tôi về Lộc An - xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015 và hiện nằm trong nhóm trung bình thu nhập cao của huyện Bảo Lâm. Trong những năm gần đây, Lộc An là một trong những điểm sáng của huyện về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Ngày 20/5/2019, Bảo Lâm công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2018, Lộc An đứng thứ nhất trong 14 xã, thị trấn. 
 
Già làng Hoa Huy Hành, 55 tuổi Đảng và vợ (đứng giữa) trò chuyện với nhà báo. Ảnh: N.Thanh
Già làng Hoa Huy Hành, 55 tuổi Đảng và vợ (đứng giữa) trò chuyện với nhà báo. Ảnh: N.Thanh
 
1. Mặc dù ngày thứ bảy nhưng Bí thư Đảng ủy xã Trần Tô Nhân, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy được điều động về làm Bí thư khoảng 3 năm nay, cùng với một số cán bộ chủ chốt vẫn chờ chúng tôi ở trụ sở xã. Là cộng tác viên thường xuyên của báo giới tỉnh nhà nên Trần Tô Nhân chân thành tâm sự: Thời gian qua, Lộc An gặp lắm khó khăn: Xã thuần nông lại bị dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi khiến 52 hộ chăn nuôi phải tiêu hủy trên hai trăm tấn heo hơi; rồi cơn bão số 3 làm tốc mái nhà 3 hộ dân, rụng hơn 100 tấn sầu riêng non... Thế nhưng, xã sớm có biện pháp động viên, hỗ trợ để ổn định đời sống, phát triển sản xuất nên ước chừng thu ngân sách vẫn đạt trên 14,33 tỷ đồng, vượt 23%... Lộc An đang hướng tới một thị trấn sầm uất trong tương lai gần, đây cũng là một lý do khách quan để vừa qua, xã đã chú trọng bồi dưỡng cán bộ, công chức về tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, thái độ phục vụ Nhân dân. Xã luôn kịp thời xử lý, chấn chỉnh các hành vi phản cảm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao vai trò điều hành của chính quyền, đồng thời Lộc An cũng đã triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong giai đoạn mới, Lộc An vẫn phát huy tốt truyền thống là một trong 4 xã anh hùng lực lượng vũ trang của huyện.
 
Cuốn hút bởi thông tin này, chúng tôi đề nghị với xã dẫn đến thôn B’Đơr thăm già làng Hoa Huy Hành để tìm hiểu thêm về lịch sử vùng đất giàu truyền thống cách mạng. 
 
2. Thầy giáo, nhà văn Ninh Thế Hùng từng dạy học ở TP Bảo Lộc nhưng đã nhiều lần điền dã các vùng dân tộc bản địa trong tỉnh, trên đường vào B’Đơr hồ hởi với thái độ trân trọng cho chúng tôi biết: Thầy Hành từng tham gia biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện Bảo Lâm, một trí thức - già làng uy tín... Ông là người K’Ho, lẽ ra họ tên K’Ming nhưng cha người Chăm nên lấy theo họ cha. Nguyên quán xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, từng đi học trường Tây ở Bình Định. Năm 1957, ông cùng 40 thanh niên dân tộc ở quê tham gia kháng chiến và 1962 lên hoạt động ở Lâm Đồng, là người dân tộc bản địa duy nhất biết chữ nên được giao nhiệm vụ làm giáo viên trong căn cứ... Nghỉ hưu năm 1993, ông liên tục làm Bí thư thôn B’Đơr đến năm 2015.
 
Từ vườn cà phê sau nhà, vợ chồng ông Hoa Huy Hành vội bước ra. Gặp thầy giáo Ninh Thế Hùng, ông vồ vập nắm tay, ánh mắt rạng rỡ như gặp người thân. 85 tuổi đời và 55 tuổi Đảng, vào độ “cổ lai hy” song dáng ông vẫn chắc nịch, nhanh nhẹn. Hai vợ chồng ngồi bên nhau niềm nở mời nước chè xanh, ân cần tiếp khách. 
 
Minh mẫn và sôi nổi, ký ức khiến ánh mắt sáng niềm tự hào, ông Hành sôi nổi: 
 
- Chuyện Lộc An tham gia cách mạng kể ra thì dài lắm... - Nhấp ngụm chè xanh, ông tiếp tục rành rọt - Thời kháng chiến chống Mỹ, xã tên An Lạc. Năm 1961-1965 có khoảng 2.500 dân (400 đồng bào K’Ho), là căn cứ địa hành lang chiến lược Nam - Bắc của tỉnh Lâm Đồng. Có mấy sự kiện đánh Mỹ - ngụy đã đi vào sử sách của huyện, của tỉnh. Tiêu biểu như ngày 29/11/1965, lực lượng thanh niên du kích cùng bộ đội chủ lực đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn cộng hòa, 1 đại đội bảo an, phá hủy 3 xe bọc thép, bắn cháy 1 máy bay trinh sát L19. Dịp này, dân tham gia đào phá đường 20 làm ngưng giao thông, địch phải kéo quân đi mở đường khiến chúng phân tán lực lượng, ta tạo thế tấn công thuận lợi. Đây là trận đánh thể hiện sách lược chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện kháng chiến”. Tháng 3/1969, quân và dân địa phương cùng bộ đội chủ lực tập kích đánh vào đại đội Mỹ ở suối Đại Nga diệt 80 tên. Ngày 1/11/1969, lực lượng vũ trang và du kích tấn công vào đồn giặc ròng rã 4 ngày, tiêu diệt và làm tan rã 1 đại đội giặc... Cùng với đánh địch, quân và dân Lộc An còn làm tốt công tác binh vận. Năm 1966, đã lập 2 cổng chắn hai đầu xã trên đường 20, làm chủ cả ban ngày trong hằng tháng. Ta chặn xe quân sự, dân sự lại để tuyên truyền đường lối, chính sách của Mặt trận giải phóng và đã có nhiều lính sư đoàn 23 bỏ ngũ, 10 người mang súng theo cách mạng. Những năm 1965 - 1975, dân góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Đồng bào K’Ho bị dồn vào ấp chiến lược vẫn góp 600 sah kòi (gùi lúa), mỗi sah kòi 35 kg, hàng chục thùng muối. Cả xã có hơn 100 thanh niên nam, nữ tham gia cách mạng; có nhà 2-3 người, có nhà 5-6 người thoát ly. Trong xã rất nhiều người bị Mỹ - ngụy cầm tù; người ít bị 4 tháng, người nhiều 6 năm. Tính ra số năm bị tù của mọi người ở Lộc An lên tới hơn 200 năm.
 
Sau 1975, chỉ hơn 1.000 dân nhưng có 50 liệt sĩ, 15 thương binh, 32 bệnh binh và trên 50 người thuộc diện chính sách. Ghi nhận công lao đóng góp của vùng đất giàu truyền thống bất khuất, kiên trung; năm 1975, Lộc An được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng 1 bằng khen... 

Tôi nhớ 30 năm trước từng đến thôn B’Đơr nay trở lại thấy đường sá, nhà cửa khang trang, hàng quán nhộn nhịp khác hẳn với cảnh lam lũ, nghèo khó xưa kia. Nêu cảm nghĩ, được K’Bor - Bí thư thôn giải thích: B’Đơr có 419 hộ, với hơn 2.000 người K’Ho. Từ chính sách định canh, định cư rồi chính sách giao đất, hỗ trợ cây giống, phân bón và khuyến khích đồng bào xóa bỏ tập tục phá rừng làm rẫy để trồng cà phê, chè. Qua 10 năm thực hiện xây dựng NTM, Nhân dân trong xã, nhất là bà con dân tộc ở B’Đơr đã thực sự đổi đời! 

Câu chuyện xây dựng nông thôn mới trở nên rôm rả. Bí thư Trần Tô Nhân vốn kiệm lời cũng sôi nổi, phác họa: 
 
- Lộc An có 5.017 hộ và 17.259 khẩu, 43,2% lao động nông nghiệp; trong đó 2/16 thôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Năm 2011, Lộc An đạt chuẩn văn hóa nên việc xây dựng NTM thuận lợi. Cuối năm 2014, hoàn thành 19 tiêu chí và ngày 12/1/2015 được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Từ năm 2016 đến nay, Lộc An giữ vững và nâng cao 19 tiêu chí đạt được, phấn đấu giai đoạn 2019-2020 đạt xã NTM nâng cao. 
 
Giới thiệu vắn tắt rồi Bí thư Đảng ủy tâm đắc lý giải: Trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, Lộc An chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Gần 10 năm qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi 3.100/3.200 ha cà phê bằng các giống đầu dòng cao sản, 780/800 ha chè bằng giống chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư thâm canh các loại cây trồng. Do đó, năng suất cà phê năm 2010 từ 2,5 tấn nhân/ha lên 3,5 tấn nhân/ha; cây chè từ 8.5 tấn/ha lên 11 tấn/ha. Hiện bà con tiếp tục ổn định diện tích cà phê gần 3.550 ha, tập trung cải tạo vườn cà phê kém chất lượng; giữ vững diện tích hơn 545 ha chè và tập trung thâm canh nâng năng suất bình quân lên 12 tấn/ha... Trong xã xuất hiện các mô hình sản xuất mới, hiệu quả cao; có 4 HTX và 9 tổ hợp tác (THT) giúp nhau làm kinh tế, phát triển sản xuất ở các thôn, hoạt động tương đối hiệu quả. Hằng năm, xã phối hợp với các đơn vị dạy nghề, giải quyết việc làm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng lao động làm việc. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 95%, tương ứng với 9.517 người... Chú trọng đầu tư phát triển sản xuất nên giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích nâng từ 75 triệu đồng lên 100 triệu đồng/ha, thu nhập của người dân năm 2010 mới 10 triệu đồng đã lên 50 triệu đồng vào cuối năm 2018. Đời sống Nhân dân ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm hằng năm và nay còn 85 hộ nghèo (1,85%), cận nghèo 266 hộ (5,3%)... 
 
3. Trở lại trụ sở UBND xã, giải đáp câu hỏi của chúng tôi về việc kinh tế đã khởi sắc, vậy các lĩnh vực xã hội được Lộc An quan tâm thế nào, cùng làm việc với đoàn, Chủ tịch UBND xã Hứa Nam Phụ tiếp lời: 
 
- Hiện hệ thống trường học trong xã được kiên cố hóa, có 5/9 trường đạt chuẩn mức độ I. Xã có 9 trường với gần 4.000 học sinh, năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp THCS 99,4%, Tiểu học 100% và THPT 99,6%. Năm 2019, 16/16 thôn với 4.365 hộ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, bình xét đạt khoảng 93%. Đối với vấn đề nhà ở, 9 năm qua đã xây dựng 900 căn, trên địa bàn không còn nhà tạm bợ, dột nát. Tỷ lệ nhà trong xã đạt tiêu chuẩn 91,35%, tương ứng với 4.323/4.736 căn. 
 
Lãnh đạo xã Lộc An đưa chúng tôi đến thăm thôn B’Kọ là 1 trong 2 thôn đồng bào K’Ho của xã. Tại hội trường thôn sắp sửa hoàn thiện, ông K’Béo, Bí thư Chi bộ thôn cho hay: Thôn gồm 165 hộ, với 800 khẩu nhưng có 140 ha chè và cà phê. Toàn thôn hiện có 7 xe tải, 5 xe con, xe tưới vườn - xay xát cà phê thì nhà nào cũng có. Trong thôn, nhiều hộ xây cất biệt thự to đẹp không kém gì trên thành phố... Điều mừng là con em người K’Ho trong độ tuổi lao động đều đi làm công nhân ở các xí nghiệp, nhà máy và có thu nhập ổn định. Không có trường hợp “nhàn cư vi bất thiện” nên người thôn cứ yên tâm tính cách làm giàu chính đáng. 
 
Khi tôi hỏi về tập tục tảo hôn còn không, K’Béo lắc đầu, dõng dạc:
 
- 20 năm trước thì còn... Ngày trước con gái muốn “bắt chồng” thì bố mẹ phải lo lễ vật gồm 6 bộ quần áo, 3 chỉ vàng và 1 con trâu để gửi cho nhà trai. Do vậy, nhiều cô xinh đẹp và chăm làm nhưng vì nhà nghèo mà cam chịu cảnh cô đơn suốt đời. Nay, lấy chồng lấy vợ phải đúng độ tuổi và không xảy ra chuyện thách cưới nữa. Có được nếp sống đó là do hội nhập, tiếp thu đời sống mới và được các đoàn thể tuyên truyền, vận động. Ở đây, bà con thực hiện quy ước “không uống rượu, không nói hai lời” nghiêm lắm!
 
Rời Lộc An, chúng tôi tin tiếp tục phát huy truyền thống xưa và nay, Lộc An đến năm 2020 sẽ giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí NTM đã đạt, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1%. Thị trấn Lộc An sầm uất đang hiện rõ trong diện mạo khởi sắc một vùng quê.
 
Ký: NGUYỄN THANH