Để những cánh rừng Hamasing thêm xanh

06:12, 11/12/2019

Hơn 10 năm gắn bó với công việc quản lý rừng, ông Vũ Đình Khánh - Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng của Tiểu khu 315 - Ban Quản lý rừng phòng hộ D'ran...

Hơn 10 năm gắn bó với công việc quản lý rừng, ông Vũ Đình Khánh - Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng của Tiểu khu 315 - Ban Quản lý rừng phòng hộ D’ran luôn là người tiên phong trong vận động cộng đồng dân cư nơi đây không khai thác rừng bừa bãi, tích cực bảo vệ và chăm sóc rừng, tham gia phòng cháy chữa cháy để giữ những cánh rừng luôn xanh.
 
Ông Vũ Đình Khánh trên đường tuần tra rừng.
Ông Vũ Đình Khánh trên đường tuần tra rừng.
 
Năm nay 52 tuổi, ông Khánh hiện là Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng khu vực Hamasing thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ D’ran. Trong hơn 10 năm nay ông Khánh cùng các thành viên trong tổ của mình ngày ngày lội rừng nên ông có kinh nghiệm đi rừng.
 
Nghề giữ rừng của ông bắt đầu từ năm 2009 với khu vực quản lý gồm Tiểu khu 315 và một phần Tiểu khu 312 A. Tiểu khu 315 này được thành lập khoảng năm 2002, rộng gần 2.300 ha, trong đó có trên 410 ha được khoán chi trả từ nguồn vốn ngân sách tỉnh (với 400 nghìn đồng/ ha/năm) và trên 1.876 ha còn lại được chi trả từ nguồn dịch vụ môi trường rừng của tỉnh (với 600 nghìn đồng/ha/năm). Nơi đây vốn từng là một điểm nóng về nạn phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Từ khi ông cùng tổ nhận khoán bảo vệ rừng bắt đầu vào guồng tuần tra, trật tự hầu như đã được lập lại; rất ít, nếu không nói không còn xảy ra những vụ phá rừng như trước. Trên những vùng đất trống bị phá rừng của khu vực này hiện đã có trên 20 ha trồng mới lại, chủ yếu là thông.
 
Tiểu khu 315 hiện tại theo ông Khánh cho biết, có 63 thành viên nhận khoán bảo vệ rừng, được chia theo từng nhóm, mỗi nhóm từ 10 - 11 thành viên, bất kể lúc nào tại đây cũng có một nhóm chịu trách nhiệm tuần tra, lịch trực các nhóm xoay theo vòng tròn trong tháng, người trực rừng cần đảm bảo mọi thứ trong rừng được kiểm soát, có gì bất ổn phải được xử lý hoặc báo cáo kịp thời.
 
Nghề giữ rừng theo ông Khánh mới nhìn thấy có vẻ an nhàn nhưng thực tế không phải như vậy, nếu không nói là khá cực, phải thường xuyên lội bộ tuần tra rừng. 
 
Điều thuận lợi ở đây theo ông Khánh, đa số người dân trong khu vực này trong đó có cộng đồng dân cư thôn Hamasing của ông đều có ý thức giữ rừng, hộ nào được nhận khoán lâu nay đều nỗ lực đảm bảo an toàn cho khu vực mình quản lý. Trong trường hợp nếu phát hiện vi phạm, các hộ nhận khoán đó sẽ bị xử lý theo qui định, nếu nghiêm trọng sẽ bị cắt hợp đồng. Tuy nhiên, trong thực tế cho đến nay như ông Khánh cho biết, rất ít có trường hợp vi phạm nào xảy ra và cũng chưa có trường hợp nào bị cắt hợp đồng như thế. 
 
“Hầu hết diện tích rừng nhận khoán nơi đây đều được người dân có ý thức bảo vệ, ranh giới cắm mốc khá rõ ràng, mọi người đều biết và tuân thủ nên ít có tình trạng lấn chiếm đất rừng. Trong trường hợp ai lấn chiếm đất trái qui định sẽ bị giải tỏa, không tự giải tỏa được bên ban quản lý sẽ tổ chức giải tỏa” - ông Khánh cho biết.
 
Theo ông Khánh, mỗi mùa nắng mưa trong năm đều có thuận lợi và bất thuận lợi cho người giữ rừng. Mùa mưa không sợ cháy rừng nhưng nhiều người thường lợi dụng dịp này vào rừng xâm chiếm đất rừng, phát quang trồng cây vì có nước. Còn mùa khô thì sợ cháy rừng. “Chỉ cần một mồi lửa của người đi câu đâu đó hút thuốc lá vứt tàn ra, lá thông khô bắt lửa cháy lan rất nhanh” - ông cho biết. Là người quản lý rừng nhưng cũng đâu thể cấm người đi câu vào rừng nên mùa mưa mùa khô ông bảo đều phải đi tuần tra kỹ. 
 
Mỗi tháng là tổ trưởng quản lý, ông Khánh đều đưa ra lịch phân công tuần tra rừng cho các nhóm rõ ràng, đặc biệt vào mùa khô cần theo dõi từng khu vực nào dễ cháy để kịp thời báo cáo lên cấp trên khi cần thiết. Để ngăn ngừa nạn cháy rừng mùa khô, ông cùng các thành viên trong tổ cũng tham gia xử lý đốt trước thực bì theo qui trình yêu cầu.
 
Là tổ trưởng ông cũng tích cực vận động người dân trong khu vực mình giữ rừng, đặc biệt là vận động cộng đồng người dân tộc thiểu số trong vùng cùng chung tay bảo vệ rừng. Bằng nhiều hình thức vận động, trong đó có đến nhà thăm chơi, nói chuyện, giải thích, rất nhiều người dân nơi đây đã cộng tác cùng tổ tuần tra để làm tốt công tác giữ rừng. 
 
“Khi thấy người dân nhiệt tình hợp tác mới thấy công việc quản lý, bảo vệ rừng của mình vừa là trách nhiệm vừa là niềm vui, thấy những cánh rừng nơi mình sống bình an và ngày càng thêm xanh. Vì vậy tôi cố gắng tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc và bảo vệ rừng một cách hiệu quả nhất để không chỉ giữ được rừng mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho bà con trên địa bàn”- ông Khánh chia sẻ.
 
Trong đầu năm 2019 vừa qua, ông Vũ Đình Khánh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Lâm Đồng năm 2018.
 
YẾN NHI - GIA KHÁNH