Đưng K'Nớ mong chờ những vụ sau

06:12, 31/12/2019

Những ngày tháng cuối cùng của năm 2019 đã cận kề, như thông lệ đây là thời điểm diễn ra nhiều lễ lớn rộn ràng để đón mừng năm mới...

Những ngày tháng cuối cùng của năm 2019 đã cận kề, như thông lệ đây là thời điểm diễn ra nhiều lễ lớn rộn ràng để đón mừng năm mới. Nhưng năm nay người Đưng K’Nớ không háo hức cho lễ Giáng sinh, cho tết, bởi bà con không khấm khá.
 
Cà phê của bà con khu vực Lán Tranh - điểm sáng duy nhất cho những vụ mùa năm nay của Đưng K’Nớ. Ảnh: H.My
Cà phê của bà con khu vực Lán Tranh - điểm sáng duy nhất cho những vụ mùa năm nay của Đưng K’Nớ. Ảnh: H.My
 
Mới cách đây chưa lâu, vào tháng 8, cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nhiều địa bàn trên toàn tỉnh, trong đó có huyện Lạc Dương. Và xã Đưng K’Nớ là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của địa phương này. Đến tận thời điểm hiện tại, sau gần 4 tháng việc khắc phục vẫn chưa thực hiện xong bởi đời sống người dân vẫn chưa đi vào quỹ đạo bình thường.
 
Báo cáo kinh tế - xã hội cuối năm 2019 của xã Đưng K’Nớ vẫn có những dòng nhấn mạnh: Tình hình thiệt hại do thiên tai từ cơn bão số 3 diễn ra vào tháng 8/2019 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và nhà cửa của người dân. Đã có 42,17 ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Trong đó, lúa nước thiệt hại gần 5 ha, cà phê thiệt hại trên 37 ha. Nhiều hộ bị sạt lở vườn cà phê, rau, hoa, nhiều diện tích sản xuất lúa nước bị hư hại hoàn toàn. 39 hộ bị thiệt hại và ảnh hưởng về nhà ở. 5 hộ dân nhà bị sập phải di dời, hiện vẫn chưa thực sự ổn định được cuộc sống. 34 hộ có nhà bị ảnh hưởng. Cũng trong đợt thiên tai này, nhiều vật nuôi như bò, gà, vịt, cá nước lạnh bị ảnh hưởng...
 
 Chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả kịp thời. Trong đó, trước mắt là hỗ trợ gạo để đảm bảo lương thực, tiếp đến là việc sửa chữa nhà cửa và quan trọng hơn là công tác chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại để tránh những ảnh hưởng lâu dài. Dù vậy, lúa và cà phê - hai loại cây trồng chủ lực chưa thể phục hồi như mong muốn.
 
Ông Cil Ha Sơn (47 tuổi), người dân Thôn 1 nói: Năm nay không vui đối với bà con ở Đưng K’Nớ. Bởi không chỉ bão lũ làm hư hại hết nhà cửa, mùa màng mà dịch bệnh còn làm chết hết đàn heo. Đi quanh thôn bây giờ chẳng thấy con heo nào chạy ngoài đường, chẳng nghe tiếng heo kêu.
 
Đưng K’Nớ có trên 95% dân số là người DTTS, trong đó phần lớn bà con theo Đạo. Noel này là lễ lớn trong năm, nên nếu mùa màng bội thu bà con sẽ làm lễ lớn đón Giáng sinh. Nhưng năm nay, không khí lễ hội ở nơi này không rộn ràng như những năm trước.
 
Ông Thân Văn Hữu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cho biết một vài con số đánh giá tình hình kinh tế của địa phương: Thu nhập bình quân đầu người ước khoảng 25 triệu đồng/người/năm (con số này không đạt chỉ tiêu đặt ra bởi địa phương này đã đặt mục tiêu kế hoạch 30 triệu đồng/người/năm). Tổng thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt 26,62% so với dự toán; diện tích gieo trồng 821/919 ha, bằng 89,3% kế hoạch, giảm 7,8% so với cùng kỳ…Những con số ấy không mấy khả quan đối với kinh tế Đưng K’Nớ. Và điều đó càng được minh chứng rõ hơn khi theo số liệu thống kê mới nhất, toàn xã hiện có 60 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,3%; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 22,2% với 118 hộ. Những yếu tố đó dẫn đến nhiều trăn trở khi Đưng K’Nớ đang trong thời gian phấn đấu về đích nông thôn mới.
 
Vào Đưng K’Nớ những ngày này, dọc đường Trường Sơn Đông là hai hình ảnh đối lập ở hai đầu xã. Nếu như qua vùng Lán Tranh sẽ dễ dàng thấy những bạt cà phê trải đầy dọc hai bên đường và trong sân của bà con; còn khu vực các thôn 1, 2, 3, Đưng Trang có những vườn cà phê người dân bỏ vườn, không thu hoạch. Ông Rơ Ông Kai (55 tuổi), người dân Thôn 2 ngậm ngùi: “Năm nay vườn cà phê ở các thôn đều bị bọ xít hút đến khô cây, cà phê không ra trái. Có một số cây ra trái mà năng suất thấp nên hái chẳng bõ công, nhiều bà con bỏ luôn. Những năm trước, vào mùa cà phê bà con trong xã phải tìm người tận Đam Rông qua hái thuê. Nhưng năm nay thì nhiều hộ phải đi làm thuê xa, hoặc đi hái cà phê thuê ở một số vùng khác. Một số người ở nhà thì hái thuê cho những vườn cà phê ở vùng Lán Tranh”.
 
Giáng sinh này và cả tết này, bà con Đưng K’Nớ không vui, nhưng điều đó không có nghĩa họ ngừng nỗ lực, cố gắng. Heo đã bắt đầu được nuôi lại, những vườn cà phê phải bỏ thu hoạch năm nay tiếp tục được những bàn tay cần cù chăm sóc với niềm hy vọng sẽ trĩu quả vào năm sau, bà con vẫn ngày ngày vác xà gạc đi tuần tra diện tích nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng… Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Chính quyền xã Đưng K’Nớ đã xác định rõ những chỉ tiêu về kinh tế - xã hội cho năm 2020. Mục tiêu đã đưa ra, giải pháp cũng được xác định. Trong đó giải pháp trọng yếu là đảm bảo diện tích gieo trồng, nâng dần sản lượng, chủ động triển khai phương án phòng, chống thiên tai và các biểu hiện khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Mong chờ những vụ mùa sau, Đưng K’Nớ sẽ rộn ràng.
 
HOÀNG MY