Nửa thế kỷ yêu thương, chia sẻ

06:12, 02/12/2019

Đúng ngày 21/10 âm lịch (tức ngày 17/11/2019) này là vừa tròn 50 năm ông Nguyễn Văn Đức (1947) và bà Lương Thị Hồng (1949 - Thôn 2, xã Mê Linh, Lâm Hà) về chung một nhà...

Đúng ngày 21/10 âm lịch (tức ngày 17/11/2019) này là vừa tròn 50 năm ông Nguyễn Văn Đức (1947) và bà Lương Thị Hồng (1949 - Thôn 2, xã Mê Linh, Lâm Hà) về chung một nhà. Nửa thế kỷ gắn bó, tổ ấm của họ luôn có sự đồng cảm, chia sẻ và yêu thương.
 
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức và bà Lương Thị Hồng 50 năm giữ lửa yêu thương. Ảnh: Q.U
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức và bà Lương Thị Hồng 50 năm giữ lửa yêu thương. Ảnh: Q.U
 
Lấy nhau vì duyên, chứ không phải lấy nhau vì tình mà thành nghĩa bền lâu, càng sống với nhau ông Nguyễn Văn Đức và bà Lương Thị Hồng càng yêu thương, gắn bó, xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Là người cùng làng, cùng xã Quất Lưu (nay là Thanh Trù, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc), hơn kém nhau 2 tuổi, họ không quen biết nhau do hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Ông Đức là con trai một trong gia đình trung nông được đi học hết phổ thông, rồi học lên trung cấp thể dục thể thao, rồi về làm cán bộ phong trào ở huyện. Là con một duy nhất, ông không được đi bộ đội. Bà Hồng là con cả trong gia đình đông con, chưa học hết tiểu học bà đã phải nghỉ ở nhà làm lụng cùng cha mẹ chăm lo cho các em. Khi trưởng thành bà tích cực tham gia đội dân quân du kích trực chiến máy bay Mỹ ở quê nhà, hăng say các phong trào thanh niên. Vốn xinh đẹp, đảm đang, tháo vát, giỏi việc nước, đảm việc nhà, bà Hồng được nhiều người để ý, vây quanh. Cuối năm 1968, hai ông bà được họ hàng giới thiệu, được hai bên gia đình vun vào; năm 1969, họ nên vợ thành chồng.
 
Ông Đức tâm sự: “50 năm chung sống, tôi chưa một cái búng tai, chứ đừng nói đến chuyện đánh đập bà ấy, tranh cãi thì có, nhưng nặng lời, to tiếng thì hiếm, chỉ là những lúc bất đồng ý kiến trong việc bàn bạc chuyện làm ăn, nuôi dạy con cái. Cuộc sống có nghèo tiền nghèo bạc, nhưng tình cảm vợ chồng thì chưa bao giờ nghèo”. Kể lại những năm tháng khó khăn, vất vả nhất của đời mình, ông Đức, bà Hồng cùng ngậm ngùi. Làm cán bộ huyện trong những năm tháng đất nước chiến tranh, đồng lương không đủ sống, những đứa con nối tiếp nhau ra đời, ông Đức nghỉ việc nhà nước, về với đồng ruộng, cùng vợ gánh vác gia đình, chăm sóc con cái. Dù không quen làm việc đồng áng nặng nhọc do được ăn học từ nhỏ, nhưng vì thương vợ, ông cũng cố làm, dù “tôi cố gắng lắm cũng không bằng vợ làm rốn” - ông Đức cười. Ông bà có với nhau 8 đứa con (6 trai, 2 gái), trong thời kỳ bao cấp, ở một vùng quê bán sơn địa, đời sống quá thiếu thốn, con đông nên đã nghèo càng thêm nghèo. 
 
Năm 1984, vợ chồng ông đưa các con vào xã Tân Châu, Di Linh mong có cơm no áo ấm. Để nuôi các con, thời gian đầu, hai vợ chồng phải đi làm thuê, ai mướn gì làm nấy. Ông Đức vào tận xã Sơn Điền cạo mủ thông, đối mặt với Fulro luôn rình rập. Bà Hồng, băng rừng lội suối, đi bộ 13 cây số vào xã Đinh Trang Thượng suốt lúa rẫy thuê cho đồng bào K’Ho, có khi suốt cả tháng, bà chỉ ăn cơm cùng muối và gừng giã lẫn với nhau. Vì cuộc sống, bà gạt nỗi nhớ vào trong, cứ 2 tuần mới lại về thăm chồng con một lần. Dành dụm được tiền, vợ chồng cùng nhau bàn bạc mua thêm đất trồng cà phê, cuộc sống dần ổn định. 
 
Năm 1990, khi 7 sào cà phê vừa bắt đầu cho thu hoạch, thì một lần nữa, ông bà lại đưa đàn con từ Di Linh đến xã Mê Linh, Lâm Hà lập nghiệp. Nơi đây là xã vùng sâu, vùng xa, giáp với Tà Nung (Đà Lạt), đường sá đi lại khó khăn, nhưng đất rộng, người thưa. Một lần nữa họ lại cùng nhau sớm tối cày cuốc nương rẫy, ruộng vườn để lo cho các con được ăn học. Trong hoàn cảnh nào, bà Hồng cũng luôn nhận về mình những nặng nhọc. Cuộc sống vất vả là vậy, nhưng bà luôn lạc quan, vui vẻ, làm điểm tựa cho chồng con, tổ ấm của ông bà luôn hòa thuận; với xóm giềng thì tình nghĩa chan hòa, đùm bọc nên dù sống ở đâu họ cũng được mọi người thương mến, quý trọng. Thương cha mẹ nghèo, các con của ông bà ai cũng ngoan ngoãn nên người.
 
50 năm chung sống bên nhau, “gia tài” lớn nhất của ông Đức bà Hồng giờ đây là một đại gia đình 4 thế hệ, với 16 con gái, trai, dâu, rể, 17 đứa cháu nội - ngoại, 3 chắt (2 chắt nội, 1 chắt ngoại). Các con đều thành đạt, người làm cán bộ xã, người kinh doanh vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chân chính. Mỗi khi lễ, tết, giỗ chạp lại là một ngày hội đoàn viên, ngôi nhà ông bà rộn rã tiếng cười; cả đại gia đình con - cháu - chắt quây quần bên 4 mâm cỗ ở khoảng sân rộng như một đám tiệc. Mỗi khi thấy vợ chồng con trẻ mâu thuẫn với nhau những chuyện nhỏ nhặt, ông Đức vẫn thường răn dạy các con: Không phải học đâu xa, con trai, con rể cứ nhìn bố mà học: không cờ bạc, không rượu chè, không trai gái, không ăn chơi đàn đúm, dành hết tình cảm, trách nhiệm, toàn tâm toàn ý lo cho vợ cho con; con gái, con dâu cũng nhìn mẹ mà học: chung thủy, nhường nhịn, bao dung, hết lòng hy sinh vì chồng vì con không tính đếm - Đó là gốc rễ để làm nên tổ ấm gia đình hạnh phúc, bền vững.
 
QUỲNH UYỂN