Hướng tới chợ kiểu mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm

06:12, 27/12/2019

Chợ Bảo Lộc (TP Bảo Lộc) được UBND tỉnh, Sở Công thương chọn xây dựng mô hình Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2018 và đã đem lại hiệu quả tích cực thời gian vừa qua...

Chợ Bảo Lộc (TP Bảo Lộc) được UBND tỉnh, Sở Công thương chọn xây dựng mô hình Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 và đã đem lại hiệu quả tích cực thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, năm 2020, UBND tỉnh sẽ tiến hành triển khai kế hoạch thực hiện mô hình Chợ kiểu mẫu bảo đảm ATTP thêm 11 chợ tại các huyện, thành phố trên địa bàn.
 
Đầu năm 2020 Chợ Mới Đà Lạt Center sẽ là một trong 11 chợ áp dụng triển khai mô hình Chợ kiểu mẫu bảo đảm ATTP. Ảnh: C.Phong
Đầu năm 2020 Chợ Mới Đà Lạt Center sẽ là một trong 11 chợ áp dụng triển khai mô hình Chợ kiểu mẫu bảo đảm ATTP. Ảnh: C.Phong
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 82 chợ, trong đó phân theo hạng chợ có 6 chợ hạng 1; 5 chợ hạng 2 và 71 chợ hạng 3. Phân theo khu vực có 32 chợ thành thị và 50 chợ nông thôn. Số liệu khảo sát năm 2018, tổng số hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh khoảng 7.873 hộ. Cả tỉnh có hai chợ đầu mối bán buôn nông sản (Chợ đầu mối nông sản Đức Trọng và Chợ nông sản Đà Lạt). Một số chợ có bán buôn hàng rau, củ, quả với khối lượng lớn, để phân phối đi các chợ nhỏ trong tỉnh và các vùng lân cận thông qua thương lái như Chợ Đà Lạt, chợ trung tâm Di Linh, Chợ trung tâm TP Bảo Lộc.
 
Vấn đề tồn tại được cơ quan chức năng chỉ ra lâu nay là nhiều chợ do xây dựng lâu năm, cơ sở hạ tầng thương mại xuống cấp, chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới hoạt động bán hàng còn tạm bợ, thậm chí nhiều chợ không có nhà vệ sinh. 
 
Đáng chú ý thêm là công tác bảo đảm ATTP tại các chợ còn gặp rất nhiều khó khăn do thực phẩm được đưa vào chợ từ nhiều nguồn khác nhau, nên việc kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng… đang là vấn đề lớn. Nhiều mặt hàng không có bao bì, nhãn mác vẫn được bày bán, nhất là ở các chợ vùng nông thôn. Mặc dù đã được các ngành chức năng tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức liên quan đến ATTP, nhưng một bộ phận sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cả người tiêu dùng vẫn không quan tâm thực hiện. Do đó, tình trạng vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh, ATTP tại các chợ còn là vấn đề khá nan giải.
 
Để nâng cấp và thay đổi diện mạo của hệ thống chợ truyền thống, UBND tỉnh đã xây dựng mô hình Chợ kiểu mẫu bảo đảm ATTP. Trong đó, trong năm 2020 tỉnh sẽ áp dụng triển khai 11 chợ, gồm: Chợ Mới Đà Lạt Center; Chợ Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), Chợ trung tâm Di Linh; Chợ thị trấn Thạnh Mỹ (khu A, huyện Đơn Dương), Chợ thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà), Chợ xã Đạ Rsal (huyện Đam Rông), Chợ thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), Chợ thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm), Chợ thị trấn Madaguoi (huyện Đạ Huoai), Chợ thị trấn Đạ Tẻh (huyện Dạ Tẻh) và Chợ thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên).
 
Các đơn vị chức năng đã xây dựng 4 tiêu chí chủ yếu cho chợ bảo đảm ATTP, đó là: Thực phẩm kinh doanh tại chợ, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật và hoạt động thanh tra, kiểm tra. 
 
Với tiêu chí thực phẩm kinh doanh tại chợ quy định bắt buộc phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, ghi chép công tác nhập, xuất hàng; thực phẩm phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017. 
 
Bên cạnh đó, mỗi tiểu thương, nhân viên quầy thực phẩm phải trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, tạp dề, nón phục vụ... Về cơ sở vật chất kỹ thuật, chợ phải có hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải, thiết kế đầy đủ nhà vệ sinh, đặc biệt là phải đầu tư thiết bị kiểm tra nhanh (Teskit) để kịp thời phát hiện sản phẩm không đủ điều kiện, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Trong khi đó, các tiểu thương trong chợ sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ gắn bảng hiệu Chợ kiểu mẫu bảo đảm ATTP, tạo thuận lợi thu hút khách hàng đến mua sắm.
 
Về lộ trình thực hiện, Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, trong năm 2020, đơn vị sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch, tập huấn kiến thức ATTP đến 11 Ban quản lý chợ và tiểu thương. Tới quý IV  năm 2021 sẽ hoàn tất các bước kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chợ kiểu mẫu bảo đảm ATTP và kết quả thực hiện. Năm 2022, sau khi mô hình chợ đảm bảo ATTP đi vào hoạt động, các huyện, thành phố sẽ lấy đó làm cơ sở để từng bước hoàn thiện và nhân rộng mô hình đối với tất cả chợ truyền thống khác trên địa bàn.
 
Để thực hiện thành công kế hoạch nêu trên, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong cuộc họp với Sở Công thương gần đây, đó là: Ngoài kế hoạch, công việc đã được xây dựng, cần sự vào cuộc chủ động hơn nữa của các đơn vị liên quan trong việc phối hợp, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ về các mối nguy hiểm từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn, nhằm phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
C.PHONG