Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn từ nguồn vốn ODA

03:12, 17/12/2019

(LĐ online) - Sáng 17/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng đã triển khai chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả do ngành y tế thực hiện.

(LĐ online) - Sáng 17/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng đã triển khai chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả do ngành y tế thực hiện.
 
Lãnh đạo Trung tâm y tế 6 huyện và UBND 11 xã tham dự triển khai chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn
Lãnh đạo Trung tâm y tế 6 huyện và UBND 11 xã tham dự triển khai chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn
 
Chương trình này được triển khai tại 21 tỉnh; trong đó, có Lâm Đồng với thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 31/7/2021. Tổng kế hoạch vốn thực hiện tại tỉnh Lâm Đồng cả giai đoạn là khoảng 210 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ODA khoảng 192 tỷ đồng và vốn đối ứng ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng. Nguồn vốn chương trình này phân bổ cho các ngành như sau: Ngành nông nghiệp khoảng 172 tỷ đồng, y tế gần 9,7 tỷ đồng và ngành giáo dục đào tạo 28,3 tỷ đồng.
 
Chương trình có 3 hợp phần chính gồm: Cấp nước nông thôn (cấp nước cho cộng đồng dân cư, cấp nước và vệ sinh cho các trường học); vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá chương trình.
 
Mục tiêu chung của chương trình nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. 
 
Một số chỉ tiêu ở Lâm Đồng cần đạt được: Cấp nước cho cộng đồng dân cư với số người hưởng lợi từ cấp nước sạch khoảng 51.250 người (4,1 người/hộ). Có 86 trường học được cung cấp đầy đủ các trang thiết bị rửa tay, thiết bị vệ sinh. Có 16 xã đạt “Vệ sinh toàn xã”, xây mới hoặc cải tạo 2.400 nhà tiêu vệ sinh hộ gia đình, xây mới hoặc nâng cấp sửa chữa 10 công trình vệ sinh, công trình cấp nước và các thiết bị rửa tay, thiết bị xử lý nước sạch tại 10 trạm y tế. 
 
Sau ba năm triển khai thực hiện, tại Lâm Đồng mới đánh giá được 2 xã đạt tiêu chí “Vệ sinh toàn xã” là xã Tân Thanh (Lâm Hà) và Đạ Ròn (Đơn Dương) và thực hiện được 1.146 đấu nối nước sạch cho các hộ dân ở nông thôn.
 
Riêng hợp phần của ngành y tế triển khai chương trình năm 2019 - 2021 tại các xã Lộc Phú, Đạ Oai, Đạ Tồn, Quảng trị, Triệu Hải, Gia Viễn, Đức Phổ, Gia Hiệp, Ninh Gia, Đinh Lạc, Tân Nghĩa thuộc các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đức Trọng, Di Linh.
 
AN NHIÊN