Tái đàn heo, chuẩn bị nguồn thịt phục vụ Tết Nguyên đán

06:12, 03/12/2019

Nhận thấy giá lợn hơi đang có xu hướng tăng và ổn định trong khoảng 2 tháng qua, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã tính toán nhập giống về tái đàn...

Nhận thấy giá lợn hơi đang có xu hướng tăng và ổn định trong khoảng 2 tháng qua, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã tính toán nhập giống về tái đàn. Mặt khác, thời điểm này, nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong tỉnh đang tích cực tái đàn, tăng đàn, chuẩn bị nguồn cung phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết cổ truyền 2020.
 
Nông hộ và các trang trại chăn nuôi heo lớn trong tỉnh đang tích cực tái đàn cũng như tăng đàn, nhằm chuẩn bị nguồn cung, phục vụ thị trường Tết 2020. Ảnh: H.Sa
Nông hộ và các trang trại chăn nuôi heo lớn trong tỉnh đang tích cực tái đàn cũng như tăng đàn, nhằm chuẩn bị nguồn cung, phục vụ thị trường Tết 2020. Ảnh: H.Sa
 
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 nghìn con, tăng mạnh hơn 22 nghìn con so với thời điểm đạt đỉnh dịch tả heo châu Phi tấn công vào địa phương trong tháng 7 vừa qua. Cùng với đó, giá thịt heo hơi trong tỉnh cũng tăng cao đỉnh điểm với mức giá hiện nay là từ 55 đến 60 nghìn đồng/ kg.
 
Ông Hoàng Huy Liệu, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết: Nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn tăng mạnh là do sau một thời gian dài bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến một số lượng lớn lợn được chăn nuôi trong dân phải tiêu hủy; ngoài ra, nhiều hộ, chủ trang trại chăn nuôi đã lo lắng bán tháo đàn, bỏ trống chuồng gây thiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, người tiêu dùng đã hiểu biết rõ về bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ lây bệnh cho lợn, còn khi được chế biến chín không lây sang người, nên người tiêu dùng không còn quay lưng với thịt lợn.
 
Đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, hiện đã có 42 xã đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới. Do đó, việc tái đàn lợn là có thể nếu các địa phương giám sát, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn sinh học (từ môi trường nuôi, con giống, phòng trừ bệnh, giết thịt và tiêu thụ).

Theo ông Liệu, việc bà con và các trang trại chăn nuôi trong tỉnh tái đàn và tăng đàn để bù đắp nguồn cung thịt heo phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán là phù hợp. Do đó, việc thiếu hụt nguồn thịt heo vào dịp cuối năm khả năng khó xảy ra nhưng chắc chắn nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng và không thể dồi dào như mọi năm. Theo dự báo, năm nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ không thiếu thịt heo nhưng giá cả sẽ tăng cao và có thể đạt mức 70 nghìn đồng/ kg. 

Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là việc tái đàn phải có kiểm soát và bảo đảm an toàn sinh học cho cả quá trình nuôi thì mới đem lại hiệu quả. Bởi, mối lo dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiềm ẩn và diễn biến rất phức tạp. Khi thực hiện việc tái đàn, việc áp dụng chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững. Trải qua hơn 4 tháng dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn, từ thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch thì đàn heo vẫn an toàn.
 
Mặt khác, tình trạng chăn nuôi theo nông hộ trong tỉnh hiện nay đang ở quy mô nhỏ, phân tán chiếm tỷ lệ cao. Do đó, việc kiểm soát dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc - xin phòng bệnh, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết cao. Do đó, dù hiện nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát thì các địa phương, người chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan, phải duy trì vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc để cắt đường lây truyền virus từ môi trường vào đàn lợn giống mới nuôi.
 
Để việc tái đàn, tăng đàn hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần bình tĩnh, cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng về việc thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn, đặc biệt là các hộ tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợn… Nếu kiểm soát tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như trên, nông hộ và các trang trại có thể tự tin duy trì môi trường an toàn dịch bệnh cho đàn lợn trong thời gian dài và cung ứng cho thị trường tết các sản phẩm thịt đảm bảo chất lượng, ông Liệu cho hay.
 
HOÀNG SA