Thời cơ và thách thức của Công đoàn trong hội nhập CPTPP

05:12, 10/12/2019

Với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, lần đầu tiên vấn đề "đa công đoàn" được quy định và áp dụng tại Việt Nam...

Với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, lần đầu tiên vấn đề “đa công đoàn” được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Từ nay, Công đoàn vừa phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động khác để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên; đồng thời, vừa phải giữ vững vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
 
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo tình hình lao động và công đoàn với cán bộ Công đoàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: H.Túc
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo tình hình lao động và công đoàn với cán bộ Công đoàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: H.Túc
Hiệp định CPTPP bắt nguồn từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước vào ngày 4/6/2016 tại New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vào cuối năm 2016, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, theo chính sách mới của Donald Trump, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định này.
 
Ngày 11/11/2017, nhân dịp Hội nghị Apec tổ chức tại Việt Nam, các Bộ trưởng TPP đã đạt được thỏa thuận cơ bản cho Hiệp định TPP-11, đồng thời thống nhất tiên mới cho hiệp định là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, viết tắt là CPTPP. Ngày 9/3/2018, lễ ký kết Hiệp định CPTPP đã diễn ra tại Chile. Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đến ngày 12/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan với 100% đại biểu có mặt tán thành. Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019.
 
Hiệp định CPTPP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay, nó không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như: lao động, môi trường, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tham nhũng… Các nước thành viên CPTPP tạo thành một thị trường rộng lớn với trên 500 triệu dân, chiếm khoảng 15% GDP và 15% tổng thương mại toàn cầu (khoảng 10.000 tỷ USD).
 
Đối với Việt Nam, việc quyết định tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định CPTPP là một quá trình dài, với sự chuẩn bị tích cực, chủ động. Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên, thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
 
Trên dây chuyền may công nghiệp. Ảnh: H.Túc
Trên dây chuyền may công nghiệp. Ảnh: H.Túc
 
Nội dung chủ yếu về lao động và công đoàn trong CPTPP
 
Trong lĩnh vực lao động và công đoàn, Hiệp định CPTPP đề cập đến các nội dung cơ bản (có liên quan đến Việt Nam) gồm: Thực hiện tất cả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản; đối với các cam kết chung về lao động, các nước đồng ý cho Việt Nam lộ trình 3 năm để tiến hành sửa đổi, điều chỉnh luật pháp cho phù hợp cũng như tổ chức thực thi có hiệu quả; thời gian không áp dụng trừng phạt thương mại là 5 năm kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với việc thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở (ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam), thời gian không trừng phạt thương mại là 7 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với nghĩa vụ cho phép các tổ chức của người lao động tại cơ sở được phép liên kết với nhau.
 
Như vậy, kể từ khi pháp luật Việt Nam chính thức quy định, cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức đại diện của người lao động hoặc công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Công đoàn Việt Nam hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.
 
Các tổ chức đại diện của người lao động này về cơ bản có quyền tương đương như công đoàn cơ sở thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Và lộ trình chậm nhất từ 5 năm (quyền thành lập) và 7 năm (quyền liên kết), tức là khi CPTPP có hiệu lực, các tổ chức đại diện người lao động có thể gia nhập hoặc thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như: cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.
 
Bên cạnh những nội dung quan trọng, cơ bản nêu trên, khi Việt Nam tham gia CPTPP, sẽ có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động và công đoàn. Trước tiên đó là vấn đề đình công, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp; đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Trong khi đó Hiệp định CPTPP cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể đình công “phản đối chính sách kinh tế - xã hội”.
 
Tiếp đến là vấn đề lao động cưỡng bức, pháp luật lao động Việt Nam định nghĩa lao động cưỡng bức phù hợp Công ước 29 của ILO và vấn đề này đã bị cấm hoàn toàn (Khoản 3 Điều 8 - Bộ luật Lao động năm 2012). Trong khi đó, Hiệp định CPTPP bổ sung “lao động gán nợ” là một hình thức của lao động cưỡng bức: “việc người lao động vay hoặc ứng trước tiền lương từ người sử dụng lao động, bù lại người lao động cam kết trả bằng sức lao động của mình”.
 
Về những công việc không sử dụng lao động nữ, Điều 160 - Bộ luật Lao động năm 2012 quy định cấm sử dụng lao động nữ trong một số công việc. Trong khi đó, Hiệp định CPTPP yêu cầu: xóa bỏ quy định cấm sử dụng lao động nữ trong hầm mỏ và dưới nước theo đề xuất của Ủy ban chuyên gia của ILO (theo Công ước 45).
 
Thời cơ và thách thức đối với Công đoàn khi gia nhập CPTPP
 
Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi Việt Nam gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy sự gia tăng các doanh nghiệp mới, kéo theo sự gia tăng số lượng lao động, đây sẽ là nguồn phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở dồi dào cho tổ chức Công đoàn. Đồng thời, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn, quan hệ lao động phong phú, phức tạp hơn, người lao động sẽ có nhu cầu được tổ chức Công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức Công đoàn tập hợp, vận động người lao động tham gia vào tổ chức của mình.
 
Mặt khác, tham gia CPTPP đòi hỏi hệ thống pháp luật nước ta phải hoàn thiện, phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế. Trong đó, những quy định về quyền và nghĩa vụ của không chỉ người lao động mà còn của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động phải minh bạch và bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sẽ giúp Công đoàn hoạt động được thuận lợi hơn, phát huy được vai trò và thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn. Gia nhập CPTPP cũng là cơ hội cho Công đoàn tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động để có thể thu hút, tập hợp người lao động về tổ chức mình.
 
Tuy nhiên, theo ông Ngọ Duy Hiểu, với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, lần đầu tiên vấn đề “đa công đoàn” được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Từ nay, Công đoàn vừa phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động khác để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên; đồng thời, vừa phải giữ vững vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
 
Dự báo, các hình thái tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở ngoài tổ chức Công đoàn có thể là: Tổ chức do người lao động thành lập, thực hiện đúng theo tôn chỉ, mục đích đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động; Tổ chức do người sử dụng lao động hỗ trợ thành lập để thao túng, thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp trong đó có việc chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết của phong trào công nhân; Tổ chức đại diện người lao động “đội lốt”, bản chất là tổ chức phản động, không thiện chí, lôi kéo người lao động vào các hoạt động gây rối, phá hoại doanh nghiệp, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
 
Khi các doanh nghiệp có thêm các tổ chức đại diện người lao động với những mục tiêu hoạt động của mỗi tổ chức khác nhau nên tình hình quan hệ lao động dễ bị bóp méo hoặc diễn biến phức tạp, người lao động có thể bị lợi dụng. Việc người lao động bị chia rẽ hoặc bị lợi dụng lôi kéo vào những việc làm trái pháp luật là những vấn đề khó tránh khỏi nếu chúng ta không làm tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
 
Trước những thách thức đặt ra, nếu Công đoàn không có nguồn lực đủ mạnh để tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn và người lao động không phải là đoàn viên công đoàn sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động mới thành lập gia nhập tổ chức Công đoàn.
 
LÊ HỮU TÚC