Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đặc biệt không để thiếu thịt heo dịp tết

07:01, 01/01/2020

Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2020, thời điểm này các lực lượng chức năng của tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán...
 

Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2020, thời điểm này các lực lượng chức năng của tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó đặc biệt quan tâm tới mặt hàng thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo, thịt nhập khẩu và các hành vi gian lận thương mại khác trên địa bàn.
 
Nguồn cung thịt heo phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên địa bàn tỉnh vẫn dồi dào, dự báo không thiếu hụt. Ảnh: H.Sa
Nguồn cung thịt heo phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên địa bàn tỉnh vẫn dồi dào, dự báo không thiếu hụt. Ảnh: H.Sa
 
Đảm bảo đủ nguồn thịt heo
 
Ông Hoàng Huy Liệu, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết: Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên từ đầu năm đến nay sản lượng thịt lợn  trên địa bàn tỉnh giảm. Tuy nhiên, thời gian qua ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh phát triển đàn bò, gia cầm, thủy sản. Hiện tại, người dân đã chủ động sử dụng các thực phẩm thay thế khác như gà, vịt, tôm, cá…
 
Trước tình hình thịt heo đang tăng giá mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn thịt heo trên địa bàn tỉnh sẽ khan hiếm trong dịp Tết Nguyên đán, ông Liệu khẳng định:“Không có chuyện thiếu thịt heo, ngành chăn nuôi Lâm Đồng sẽ đáp ứng đủ nguồn thịt heo cho người dân. Nếu có thiếu là thiếu thịt lợn nóng và chỉ thiếu trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán. Vấn đề ở đây là tâm lý người tiêu dùng muốn thịt lợn nóng, dù thịt lợn cấp đông vẫn đảm bảo chất lượng”, ông Liệu nói.
 
Theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn heo trong tỉnh thời điểm hiện tại ước đạt gần 400.000 con, tăng gần 10% tổng đàn. Giá heo hơi thời điểm hiện nay khá cao, trên 90.000 đồng/kg do nguồn cung cấp heo thịt ít bởi  ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu phi, bên cạnh đó tâm lý người chăn nuôi muốn trữ lại đến dịp tết. Tuy nhiên, với tổng đàn hiện có, dự báo sản lượng thịt heo sẽ cung cấp cho thị trường sẽ rơi vào khoảng hơn 8.000 tấn, cơ bản đáp ứng được lượng thịt phục vụ dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020.
 
Bên cạnh đó, tổng đàn bò thịt trong tỉnh đang tăng trở lại sau thời gian giảm đàn do ảnh hưởng giá thịt hơi giảm. Hiện tổng đàn bò thịt đạt 88.028 con, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm cũng có chiều hướng phát triển tăng đàn, do một số trang trại chăn nuôi lợn chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm, bên cạnh đó giá thịt hơi và trứng gia cầm được duy trì ở mức ổn định trong thời gian qua góp phần khuyến khích người chăn nuôi yên tâm đầu tư phát triển. Hiện tổng đàn gia cầm trong tỉnh ước đạt 7.650.000, đạt 122,9% kế hoạch năm 2019, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Dồi dào nguồn cung bình ổn thị trường
 
Theo dự báo của Sở Công thương Lâm Đồng, trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh sẽ tăng 10-12% so với dịp cuối năm 2018, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. 
 
Đặc biệt, trong dịp Tết Canh Tý 2020, nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn tỉnh tăng từ 10-15% do thu nhập của người dân tăng lên, với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, nhằm chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường, Sở Công thương đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng của thương nhân trên địa bàn Lâm Đồng ước giá trị khoảng 1.790 tỷ đồng. Trong đó, lương thực khoảng 40 tỷ đồng, thực phẩm 1.380 tỷ đồng và thực phẩm tươi sống 370 tỷ đồng. 
 
Các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của người dân gồm: Nhóm lương thực: gạo, nếp, đậu xanh; nhóm thực phẩm: muối, đường, dầu ăn, bột ngọt, sản phẩm chế biến từ thịt (lạp xưởng, giò - chả, nem chua, thịt nguội, xúc xích), bánh, mứt, kẹo, hạt các loại, sữa các loại; nhóm thực phẩm tươi sống: thịt gia súc, gia cầm, cá - tôm, trứng gia cầm, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả, trái cây; nhóm xăng, dầu; nhóm điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng…  đã được chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và biện pháp bình ổn thị trường.  
 
Cụ thể, tại 12 huyện, thành phố trên toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có 25 đơn vị tham gia với 97 điểm phân phối hàng hóa; trong đó: 04 siêu thị tổng hợp quy mô hạng II, 12 chợ truyền thống bán lẻ, 03 cửa hàng kinh doanh thực phẩm, 02 chợ đầu mối nông sản, 76 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, và hệ thống cung ứng điện trên toàn tỉnh...
 
Các hệ thống siêu thị: Siêu thị Big C Đà Lạt, Siêu thị Coop Bảo Lộc, Siêu thị Vinmart Bảo Lộc, Siêu thị Vinmart Đà Lạt. Hệ thống chợ truyền thống: Chợ Đà Lạt, chợ Mới Đà Lạt Center, chợ Liên Nghĩa, chợ trung tâm Tp. Bảo Lộc, chợ trung tâm thị trấn Di Linh, chợ thị trấn Thạnh Mỹ - huyện Đơn Dương, chợ thị trấn Lộc Thắng - huyện Bảo Lâm, chợ thị trấn Madaguoi - huyện Đạ Huoai, chợ Đạ Rsal - huyện Đam Rông, chợ Đạ Tẻh, chợ thị trấn Cát Tiên, chợ thị trấn Lạc Dương; chợ đầu mối nông sản Đà Lạt và chợ đầu mối nông sản chất lượng cao huyện Đức Trọng đều phải chuẩn bị các phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và biện pháp bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường. 
 
Đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, với giá cả ổn định trong dịp Tết Nguyên đán, không để tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
HOÀNG SA