Chủ động chống hạn cho vùng rau

06:02, 26/02/2020

Mặc dù không là địa bàn báo động về vấn đề thiếu nước ở Lâm Đồng, song Đơn Dương là vựa rau lớn với nhiều loại cây cần lượng nước tưới cao hơn gấp nhiều lần so với cây công nghiệp lâu năm hay cây ăn quả trên cùng một đơn vị diện tích...

Mặc dù không là địa bàn báo động về vấn đề thiếu nước ở Lâm Đồng, song Đơn Dương là vựa rau lớn với nhiều loại cây cần lượng nước tưới cao hơn gấp nhiều lần so với cây công nghiệp lâu năm hay cây ăn quả trên cùng một đơn vị diện tích. Bởi vậy, ngay từ đầu mùa khô, địa phương này đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chống thiếu nước cho toàn bộ diện tích sản xuất.
 
Nhiều người dân có diện tích sản xuất ở các khu vực có khả năng khô hạn cao đã chủ động đào giếng, khoan giếng để có nguồn nước tưới giảm thiệt hại cho cây trồng
Nhiều người dân có diện tích sản xuất ở các khu vực có khả năng khô hạn cao đã chủ động đào giếng, khoan giếng để có nguồn nước tưới giảm thiệt hại cho cây trồng
 
Để chủ động tránh việc khô hạn cho các khu vực sản xuất, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương ông Dương Đức Đại đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi về việc xả điều tiết nước hồ Đơn Dương phục vụ việc chống hạn năm 2020. Theo thống kê, huyện Đơn Dương hiện có 34 công trình thủy lợi vừa và nhỏ cơ bản cung cấp đủ nước tưới cho diện tích đã đăng ký trong vụ đông xuân là 2.300 ha. Riêng tại khu vực hạ du hồ Đơn Dương, người dân canh tác dọc hai bên bờ sông với diện tích khoảng 5.000 ha. Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, nắng nóng kéo dài, UBND huyện Đơn Dương đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi xả dòng chảy tối thiểu để đảm bảo nước tưới cho sản xuất của người dân canh tác dọc khu vực hạ du hồ Đơn Dương trong thời gian tới.
 
Bà Tou Prong Nay Khoan - Phó Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết, diện tích đất canh tác đăng ký hợp đồng sử dụng nước từ công trình thủy lợi khoảng 3.000 ha. Đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa nước lớn trên địa bàn huyện chưa tích đầy nước. Theo số liệu phục vụ chỉ đạo điều hành hệ thống thủy lợi toàn quốc từ Tổng cục Thủy lợi, mực nước tại các hồ chứa của huyện Đơn Dương đến ngày 23/2/2020 như sau: hồ Đạ Ròn 1.057,5 m; hồ Próh 1.028,3 m; hồ Bok Ka Bang 1.033,4 m; hồ Ma Đanh 1.077 m. Dự kiến sẽ cung cấp nước tưới và đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích ký hợp đồng của các cá nhân, tổ chức sử dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi.
 
Nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và cả năm 2020, huyện Đơn Dương đã tiến hành kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, đồng thời thực hiện các biện pháp tiết kiệm nguồn nước, đề phòng hiện tượng mùa khô hạn, nắng nóng kéo dài nhất là việc tích trữ nước trong ao, hồ… Huyện Đơn Dương cũng đã giao các đơn vị chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết, cụ thể để giao cho các cụm công trình và các tổ hợp tác dùng nước có kế hoạch thực hiện. Lập lịch tưới cho từng tuyến kênh từng vùng tưới của các công trình theo phương thức tưới luân phiên và thời gian tưới bằng giờ - ngày cho các công trình. Căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn để đánh giá và cân đối khả năng đáp ứng nguồn nước của công trình đầu mối tưới (hồ, đập) cho các khu vực có nhu cầu dùng nước. Cùng với đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc điều tiết phân phối nước ở các công trình nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho tất cả các khu vực sản xuất.
 
Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Đơn Dương cũng đã chỉ đạo và Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương cũng như Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện cũng đã đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, tăng cường công tác nạo vét, gia cố, duy tu, sửa chữa hệ thống kênh tưới. Đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tại các công trình phục vụ nước sinh hoạt cũng cần có biện pháp sửa chữa kịp thời để không bị gián đoạn nước sinh hoạt vào mùa khô. Bên cạnh đó, tại các công trình thủy lợi đã xây dựng và sử dụng lâu năm nên bị bồi lắng, khả năng tích nước và dẫn nước trong hồ, kênh hạn chế dẫn đến hiệu quả tưới không cao. Để phục vụ chống hạn năm 2020, các đơn vị liên quan đã tiến hành nạo vét, sửa chữa 6 công trình gồm 3 công trình nâng cấp, sửa chữa kênh ở khu vực xã Ka Đô, Ka Đơn và thị trấn Thạnh Mỹ. Nạo vét 3 hồ chứa nước gồm: hồ Próh, hồ Đạ Ròn, hồ Ma Đanh với tổng kinh phí 5,76 tỷ đồng. 
 
Hiện tại, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Đơn cử như việc sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến để nâng cao hiệu quả tưới và tiết kiệm được nguồn nước. Khuyến khích Nhân dân tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước. Ngoài trông chờ vào nguồn nước từ các công trình thủy lợi, nhiều người dân có diện tích sản xuất ở các khu vực có khả năng khô hạn cao đã chủ động đào giếng, khoan giếng để có nguồn nước tưới giảm thiệt hại cho cây trồng.
 
Nhờ công tác chuẩn bị được tiến hành kỹ từ đầu mùa khô, nên đến thời điểm hiện tại nguồn nước vẫn đang đủ đảm bảo để người dân Đơn Dương tiếp tục xuống giống cũng như chăm sóc các diện tích rau.
 
HOÀNG MY