Tỉ lệ sinh con thứ 3 còn ở mức cao

06:02, 28/02/2020

Thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, huyện Đam Rông đã triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản...

Thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, huyện Đam Rông đã triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình trong vùng đồng bào, vùng đông dân. Trong năm 2019 đã vận động được 1.432 người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, gần 70% cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai. Tổng số trẻ sinh năm 2019 là 1.162 trẻ, trong đó có 201 trẻ là con thứ 3, thứ 4. 
 
Nhiều trường hợp sinh con thứ 3 trở lên là hộ nghèo, cận nghèo
Nhiều trường hợp sinh con thứ 3 trở lên là hộ nghèo, cận nghèo
 
Theo thống kê, hiện nay tỉ lệ sinh con thứ 3 ở Đam Rông là 17,3%, tăng 0,1% so với năm 2018. Đáng chú ý, khu vực có tỉ lệ sinh con thứ 3 lại tập trung chủ yếu ở các vùng khó khăn như xã Đạ Long (21,2%), xã Liêng Sronh (20%), xã Đạ Tông (19,4%).
 
Theo chị Phan Thị Cẩm, Chủ tịch Hội LHPN huyện, hiện nay, tỉ lệ sinh con thứ 3 ở Đam Rông đang có chiều hướng gia tăng ở khu vực trung tâm, nơi có điều kiện kinh tế phát triển như xã Đạ Rsal với tỉ lệ 19 %. Điều này dễ lý giải bởi khi đời sống trở nên ổn định hơn thì nhu cầu sinh con ở các cặp vợ chồng trẻ, không bị áp lực về mặt vật chất, thoải mái tinh thần cũng cao hơn. Những gia đình có mức sống khá giả, muốn sinh nhiều con. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp sinh con thứ 3 rơi vào đối tượng là người đang công tác tại các cơ quan, trường học, đảng viên.
 
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình đã đi đến từng nhà, từng thôn nhờ bộ phận cộng tác viên thôn, bản. Điều đó ít nhiều đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về những hệ quả của tình trạng sinh con thứ 3, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hội LHPN cũng đã xây dựng được 1 câu lạc bộ và 3 mô hình phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên để trực tiếp gần gũi, vận động chị em. Tuy nhiên, trong năm qua ở câu lạc bộ tại xã Đạ Long lại phát sinh 3 trường hợp sinh con thứ 3 (2 gia đình làm kinh doanh muốn sinh thêm và 1 gia đình vỡ kế hoạch).
 
Theo chị Cẩm, điều đáng lo ngại nhất không phải là tỉ lệ sinh con thứ 3 còn cao mà số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 là người dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo còn nhiều. Chúng tôi theo chân chị Mbon Ka Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Long đến thăm gia đình chị Kơ Ya Ka Ấy (sinh năm 1985) ở Thôn 5. Căn nhà gỗ khép hờ, những cơn gió đầu mùa thổi vào đến mọi ngóc ngách. Ngó quanh nhà chẳng có lấy một chút đồ đạc gì có giá trị. Sau tấm vải cũ dùng làm vách ngăn, chị Ka Ấy một mình chăm sóc đứa con mới hơn 2 tháng tuổi. Đã giờ trưa nhưng trong căn nhà chẳng có nổi một mùi thức ăn bởi chồng chị còn đang tranh thủ ngày mùa lên rừng lấy đót. Chị Ka Ấy đã có 2 đứa con, 1 gái, 1 trai nhưng chị bảo, vì thích phải có 2 đứa con trai nên tiếp tục sinh. Ruộng với cà phê quá ít ỏi, chẳng thể nào đủ cho một gia đình có 5 miệng ăn. 
 
Nếu chị Ka Ấy sinh nhiều con vì sở thích thì gia đình chị Cil Ka Be (Thôn 1) lại bị áp lực tâm lý bởi tư tưởng mẫu hệ. Cô bé Ka Thắm là con thứ 4 trong gia đình, bởi phải “có con gái” theo truyền thống. Sức ép này đè nặng lên sức khỏe, cộng với ảnh hưởng từ căn bệnh lao phổi khiến chị trông già hơn tuổi rất nhiều. Chồng chị ngoài thời gian làm ruộng phải đi làm thuê, vào rừng hái nấm, tìm lâm sản phụ để bán. Cậu con trai lớn năm nay 16 tuổi nhưng đã nghỉ học sau khi học hết lớp 5 để phụ cha đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Nhìn vậy, chúng tôi chợt nghĩ chẳng biết đến khi nào nhà chị mới hết nghèo, cánh cửa gỗ không biết khi nào mới có chiếc then cài chắc chắn, chí ít là để bảo vệ chút đồ đạc có giá trị trong nhà. Những đứa trẻ lớn lên trong điều kiện thiếu thốn đủ điều ấy sẽ như thế nào trong tương lai.
 
Sinh con thứ 3 là vấn đề không mới, đã tồn tại từ rất lâu nhưng vẫn là bài toán của ngành dân số. Theo bà Lương Quỳnh Anh, Phó Phòng Kế hoạch nghiệp vụ điều dưỡng và dân số - Trung tâm Y tế huyện, do đặc thù huyện miền núi nên các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, dân tộc phía Bắc di cư vào các tiểu khu ở sâu trong rừng, khó tiếp cận các dịch vụ y tế, kế hoạch hóa gia đình. Nhận thức của cả phụ nữ và nam giới vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện sát nhập, các xã cũng không còn cán bộ chuyên trách riêng về công tác dân số nên không thể toàn tâm toàn ý cũng như không có thời gian để theo dõi sát sao tình hình ở các thôn. 
 
Tỉ lệ sinh con thứ 3 của Đam Rông hiện nay đang cao nhất trong tỉnh. Để có thể giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 phải mất nhiều thời gian, cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp nhằm từng bước tháo gỡ các nút thắt dân số, nâng cao nhận thức cộng đồng, ổn định chất lượng cuộc sống của người dân. 
 
HỒNG THẮM